Trước đây, quy trình chăm sóc cây trồng của bà con nông dân theo cách truyền thống, chủ yếu lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) gây ra hiện tượng đất suy thoái, môi trường bị tổn thương nghiêm trọng...
Mở rộng diện tích cây có múi
Nhằm giúp người dân địa phương phát triển bền vững các loại cây có múi, năm 2014, huyện hỗ trợ trồng trọt thực hiện mô hình VietGAP, cải thiện môi trường sinh thái, “nói không” với thuốc BVTV... Qua đó, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và quảng bá trái cây có múi Bắc Tân Uyên đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong cả nước.
HTX Nhân Đức phát triển mô hình cây có múi hữu cơ. |
Đi đầu trong phong trào chuyển đổi canh tác theo hướng hữu cơ, HTX Nhân Đức (ấp Cây Dâu, xã Hiếu Liêm) là một trong những HTX nông nghiệp điển hình của huyện Bắc Tân Uyên.
Ông Trần Thành Có, Giám đốc HTX cho biết: Đầu năm 2015, dưới sự hướng dẫn của Phòng NN&PTNT huyện, tất cả các thành viên của HTX Nhân Đức thống nhất bắt đầu xây dựng kế hoạch sản xuất trồng cây có múi theo hướng hữu cơ.
Sau 3 năm, HTX Nhân Đức được công nhận và cấp thương hiệu logo cam, bưởi hữu cơ USDA - Jakarta - Hà Lan. Từ đó, sản phẩm hữu cơ của HTX được giới thiệu đến các cửa hàng ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội với giá bình quân cam sành 30.000 đồng/kg, cam xoàn 40.000 đồng/kg, bưởi 50.000 đồng/kg.
Năng suất bình quân của các loại cây có múi đã nâng lên 50 tấn/ha, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho các thành viên. Tổng doanh thu của HTX trung bình đạt trên 30 tỷ đồng/năm. Đầu ra của cam sạch, bưởi sạch ngày càng ổn định.
Để chủ động nguồn cung cho đối tác, thời gian qua, HTX nông nghiệp - thương mại - dịch vụ và vận tải Dân Tiến (ấp Thiềng Liềng, xã Tân Định) xác định rõ phương châm “3 không” (không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, không chất kích thích sinh trưởng) trong quy trình sản xuất.
Đi vào hoạt động từ năm 2019, HTX Dân Tiến thu hút được 8 thành viên tham gia. Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, thấy mô hình hữu cơ cho chất lượng quả cao hơn, giảm chi phí vật tư phân bón, thuốc BVTV, bảo vệ sức khỏe người trồng, HTX đã thu hút thêm 5 thành viên và hàng chục hộ dân trong vùng tham gia liên kết sản xuất.
Anh Huỳnh Thanh Hoài, thành viên HTX đến nay đã có 5 ha diện tích cây ăn quả chuyển đổi, trong đó 3 ha hữu cơ đang cho thu hoạch.
Vụ cam năm 2020 - 2021, hơn 600 gốc cam của gia đình anh Hoài cho thu hoạch 10 tấn quả. Cam sạch, độ ngọt cao, an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng nên bán ra thị trường với giá cao hơn so với cam thông thường từ 2.000 - 5.000 đồng/kg.
Tuy công sức bỏ ra để chăm sóc cây rất lớn do phải mất nhiều công đoạn như ủ phân, ủ và trộn chế phẩm để trị bệnh, nhưng bù lại, cây cam, bưởi hữu cơ của HTX ít sâu bệnh, giá bán cao hơn, đầu ra ổn định, không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.
“Ngoài việc hướng đến sản xuất hữu cơ, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, các thành viên HTX sẽ cùng nông dân tiếp tục nỗ lực đưa nông sản sạch của Bắc Tân Uyên đi xa hơn bằng mở rộng các kênh tiêu thụ bền vững và hướng đến người tiêu dùng thích “sạch” mỗi ngày một nhiều hơn”, anh Hoài chia sẻ.
Tăng chất lượng để nâng giá trị
Từ năm 2014 đến nay, huyện Bắc Tân Uyên đã triển khai 5 dự án về điện, trên 10 dự án về thủy lợi và hàng chục dự án về giao thông với số vốn lớn nhằm phục vụ cho phát triển nông nghiệp nói chung và phát triển vùng chuyên canh cây có múi nói riêng.
Cam - Bưởi Bắc Tân Uyên được cấp giấy Chứng nhận Nhãn hiệu tập thể. |
Cụ thể, hàng năm Phòng Kinh tế của huyện phối hợp tổ chức từ 15 - 20 lớp tập huấn, chuyển giao 3 - 5 mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho bà con nông dân.
Nhằm bảo đảm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp của huyện, năm 2017, 2 loại trái cây ăn quả là “Cam Bắc Tân Uyên" , "Bưởi Bắc Tân Uyên” đã chính thức được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Ðây là cú “hích” lớn giúp người trồng cây có múi ở địa phương có động lực tiếp tục mở rộng diện tích phát triển loại cây trồng hiệu quả, phù hợp với mô hình nông nghiệp xanh này.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Kinh tế UBND huyện đánh giá: “Đến nay, có thể khẳng định chất lượng trái cây có múi ở Bắc Tân Uyên ngày một tăng lên. Người sản xuất trên địa bàn huyện đã đặc biệt chú trọng đến vấn đề an toàn trong trồng trọt để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như bản thân mình. Số lượng trang trại, hộ sản xuất áp dụng các quy trình VietGAP, GlobalGAP, các tiêu chuẩn hữu cơ nâng lên rõ rệt…
Đến nay, toàn huyện có gần 2.300ha cây có múi, trong đó có 180 ha chứng nhận VietGAP và hơn 60 ha canh tác hữu cơ. Với sản lượng bình quân đạt trên 50 tấn/ha/năm, mang lại doanh thu cho HTX, bà con nông dân từ 1 - 1,2 tỷ đồng/ha/năm.
Cũng theo ông Thuận, từ ngày xây dựng được thương hiệu cây có múi huyện Bắc Tân Uyên, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra gắt gao trước, trong và cả sau vụ, đảm bảo người trồng cây có múi không bảo quản quả bằng bất cứ hình thức nào.
Trong những năm tiếp theo, Bắc Tân Uyên sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng thực hiện hỗ trợ lãi suất vốn vay thâm canh trồng mới, trồng lại, xây dựng kho lạnh bảo quản quả; cấp chứng nhận sản xuất cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP cho các trang trại, tổ hợp tác, HTX. Bên cạnh các giống truyền thống, huyện đưa thêm nhiều giống cam, bưởi, quýt mới như: cam xã Đoài, BH32, cam mật không hạt, bưởi Bạch Đằng,... nhằm đa dạng hóa giống, rải vụ thu hoạch.
Huyền Thương