Trong những năm gần đây, huyện Phù Yên đã tập trung phát triển diện tích cây ăn quả có múi, chủ lực là các loại cam và quýt ngọt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập và làm giàu cho nhiều hộ gia đình.
Hiệu quả toàn diện
Đến xã Mường Cơi, một trong những vùng trồng cam chủ lực ở Phù Yên, chị Đàm Thu Hiền, thành viên HTX trồng cây ăn quả có múi Nghĩa Hưng, chia sẻ trước kia đa phần người dân địa phương chỉ trồng ngô, trồng sắn, hiệu quả kinh tế rất thấp.
Mô hình trồng cam VietGAP cho hiệu quả kép về kinh tế và bảo vệ môi trường (Ảnh TL) |
Trong khoảng 10 năm qua, mô hình trồng cam dần được mở rộng, cho hiệu quả cao. Theo tính toán, trên diện tích 1 ha, nếu trồng ngô chỉ thu được 20-25 triệu đồng, chuyển sang trồng cam có hộ thu 300 triệu đồng.
Bên cạnh hiệu quả kinh tế, theo chị Hiền, thay đổi lớn nhất đến từ tư duy sản xuất của người dân. Trước kia, trồng ngô, sắn, các hộ thường lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chất lượng sản phẩm rất kém.
Đến nay, sự vào cuộc của cơ quan chức năng cùng hiệu quả của các HTX giúp ý thức về sản xuất sạch của người dân được nâng lên. Không chỉ trồng cam, mà còn cả với những cây trồng khác.
Như tại HTX Nghĩa Hưng, trong quá trình trồng cam, thành viên HTX luôn tuân thủ theo quy trình chăm sóc VietGAP, nói không với hóa chất độc hại, sử dụng các loại thuốc đúng theo danh mục cho phép, từ đó đảm bảo sức khỏe cho bản thân và người tiêu dùng.
“Vào HTX, việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón không còn tùy tiện như trước kia, khi sử dụng đều phải tính toán đúng thời điểm, đúng loại, đúng liều lượng và đúng cách. Việc lạm dụng hóa chất sẽ làm đất đai bạc màu, giảm năng suất. Ngược lại, sử dụng đúng cách giúp chúng tôi tiết kiệm chi phí, tăng chất lượng, giá trị sản phẩm và đặc biệt góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, chị Hiền cho hay.
Mở hướng đi bền vững
Được thành lập từ năm 2016, HTX cam Văn Yên hiện cũng đang là một trong những đơn vị điển hình phát triển cây có múi tại Phù Yên, với doanh thu nhiều tỷ đồng mỗi năm.
Sản xuất khoa học giúp cây có múi của Phù Yên có chất lượng cao, cạnh tranh mạnh (Ảnh TL) |
Đại diện HTX cho biết để liên kết phát triển sản xuất lớn, ngay từ khi thành lập, HTX đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, áp dụng công nghệ tưới ẩm tiết kiệm nước, chăm sóc, thu hoạch đúng quy trình.
Quy trình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP được thành viên HTX triển khai với những yêu cầu nghiêm ngặt trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, cải tạo đất, các tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm.
Điển hình, trong quá trình chăm sóc cây trồng, HTX ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật vi sinh, các loại thuốc có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường.
Thành viên HTX cũng được hướng dẫn ủ phân chuồng đúng cách, xử lý vi sinh trước khi bón cho cây, nhằm gia tăng hiệu quả, hạn chế gây ô nhiễm, thoái hóa nguồn đất, nguồn nước.
Hiệu quả của các HTX đang góp phần nâng cao giá trị cây có múi ở Phù Yên. Theo thống kê, toàn huyện hiện có trên 2.600 ha cây ăn quả các loại, trong đó có trên 500 ha trồng cây có múi, chủ yếu là cam Vinh, cam đường canh, quýt ngọt, sản lượng đạt gần 3.000 tấn.
Các vùng trồng cây có múi chủ lực tập trung ở các xã Mường Thải, Mường Cơi, Mường Lang, Mường Do, Mường Bang, Tân Lang…
Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu “Cam Phù Yên”. Đây là một bước ngoặt quan trọng để nhiều người biết đến cam Phù Yên trong việc bảo hộ chất lượng sản phẩm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Trong thời gian tới, huyện Phù Yên dự kiến tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương phát triển cây ăn quả có múi, nâng cao vai trò của các HTX, tăng cường chuyển giao, áp dụng khoa học kỹ thuật, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cho người trồng cam.
Nhật Minh