Các HTX phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang có bước tiến tích cực (Ảnh tư liệu) |
Các HTX đang bứt lên
Đến đầu năm 2020, toàn tỉnh Bắc Ninh có 101 HTX phi nông nghiệp, với 879 thành viên và 1.086 lao động thường xuyên, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, thương mại, vệ sinh môi trường.
Các HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đang là khu vực chủ lực với khoảng 50 đơn vị, có hơn 420 thành viên và gần 600 lao động. Doanh thu trung bình của các HTX năm 2019 đạt 1,9 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân đạt 358 triệu đồng.
Các HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tương đối ổn định, có đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Nhờ chú trọng sản xuất an toàn, ATLĐ, đổi mới công nghệ, hàng loạt HTX đã bứt lên trở thành điểm sáng. Đơn cử như HTX gỗ mỹ nghệ Toan Lộc (thị xã Từ Sơn) có doanh thu đạt 3,5 tỷ đồng, HTX gỗ mỹ nghệ Hiệp Thắng có doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng…
Các HTX giao thông vận tải trên địa bàn cũng đang hoạt động ổn định. Toàn tỉnh đang có 24 HTX giao thông vận tải, với 235 thành viên, tạo việc làm cho 300 lao động thường xuyên.
Doanh thu bình quân của mỗi HTX giao thông vận tải năm 2019 đạt 2,3 tỷ đồng (tăng 100 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2018). Thu nhập bình quân của người lao động đạt 5 – 5,5 triệu đồng/tháng.
Các HTX giao thông vận tải đang có đóng góp ngày càng quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá, đi lại của người dân. Đa số các HTX đã chú trọng làm tốt các khâu dịch vụ cho thành viên và kết hợp mua sắm phương tiện mới, kinh doanh bến bãi, du lịch...
Các HTX chú trọng đảm bảo ATLĐ cho thành viên (Ảnh TL) |
Giải bài toán ATLĐ
Để có những bước tiến mạnh mẽ trong thời gian qua, các HTX phi nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh đã đẩy mạnh hoàn thiện phương thức sản xuất, ứng dụng khoa học – công nghệ và đặc biệt là chú trọng công tác bảo đảm ATLĐ cho thành viên, người lao động.
Ông Nguyễn Trần Hiệp – Giám đốc HTX đồ gỗ mỹ nghệ Hiệp Thắng (huyện Từ Sơn), cho biết kể từ năm 2014 đến nay, HTX luôn duy trì số lao động cố định trên 18 người, có thời điểm lên đến 40 người.
Bên cạnh đảm bảo mức lương trung bình 4,5 – 8 triệu đồng/người/tháng, HTX luôn đảm bảo tốt công tác ATLĐ, với các quy định nghiêm ngặt về trình độ kỹ thuật, bảo hộ lao động cho thành viên.
Theo đó, cùng với quá trình cơ giới hóa, các thành viên và lao động HTX Hiệp Thắng được đào tạo kỹ lưỡng về kỹ thuật và ATLĐ để vận hành hiệu quả các loại máy móc hiện đại như máy cưa, máy xẻ, máy bào,...
Cùng hoạt động trong lĩnh vực mộc mỹ nghệ, HTX đồ gỗ Minh Trưởng (xã Bình Định, huyện Lương Tài) được thành lập theo Luật HTX năm 2012 vào năm 2016 với 21 thành viên. Hiện, HTX đang giải quyết việc làm cho 50 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân 6 - 9 triệu đồng/người/tháng.
“Mộc là một nghề đặc thù, phải tiếp xúc với nhiều loại máy móc, thiết bị tiềm ẩn nguy cơ như cưa, bào, máy cắt… nên vấn đề kỹ thuật và ATLĐ được HTX đặc biệt quan tâm nhằm đảm bảo hiệu quả công việc và sức khỏe cho người lao động”, Giám đốc HTX Phạm Minh Trưởng nhấn mạnh.
Xác định ATLĐ là một trong những vấn đề quan trọng giúp HTX phát triển bền vững, những năm qua Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ. Kể từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã tổ chức hàng trăm buổi tập huấn kỹ thuật, trang bị kiến thức về ATLĐ cho người lao động tại các HTX, tổ hợp tác.
Nhật Minh