Bắc Ninh đang thúc đẩy kinh tế trang trại (Ảnh Tư liệu) |
HTX khẳng định vai trò
Theo thống kê, kể từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hình thành hơn 30 mô hình trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả.
Trong đó, có 15 trang trại chăn nuôi theo chuồng kín, 1 trang trại chăn nuôi hữu cơ, 2 mô hình trồng rau hữu cơ, 3 mô hình nhà lưới sản xuất rau an toàn, 1 mô hình trang trại thông minh; 5 cơ sở nuôi cá lồng trên sông Đuống…
Hoạt động chính trong lĩnh vực lai tạo giống gà và chăn nuôi gia cầm thương phẩm, HTX Cường Thịnh (xã Đông Thọ, huyện Yên Phong) đang liên tục gặt hái những thành công nhờ phương thức chăn nuôi khoa học, an toàn.
Hiện tại, HTX đang có 8 máy ấp trứng, công suất 20.000 quả trứng/máy, lai tạo thành công nhiều giống gà mới có chất lượng cao như gà Ai Cập, lai Hồ, lai Mía, lai chọi…
Với quy mô chuồng trại hơn 1,5 ha, HTX Cường Thịnh đưa ra thị trường 1,1 – 1,2 triệu con gà giống các loại, doanh thu ổn định 6 – 7 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho trên 40 lao động, với mức lương 4 – 6 triệu đồng/ người/tháng.
Ông Ngô Văn Chiến – Giám đốc HTX Cường Thịnh, chia sẻ: “Bên cạnh hiệu quả cao về kinh tế, mô hình trang trại còn mang lại lợi ích vượt trội về an toàn lao động (ATLĐ) và vệ sinh thực phẩm”.
Theo đó, để nâng cao hiệu quả sản xuất, thành viên HTX được tập huấn kỹ lưỡng về kỹ thuật chăn nuôi an toàn và nắm chắc quy định về ATLĐ, vệ sinh môi trường.
Đơn cử, trong quá trình chăm sóc vật nuôi, thành viên HTX được trang bị quần áo bảo hộ, găng tay, ủng và khẩu trang chuyên dụng. Hệ thống điện tại chuồng nuôi thường xuyên được kiểm tra, bảo trì định kỳ, giảm thiểu khả năng xảy ra chập cháy, mất ATLĐ.
Các HTX cũng đang thể hiện vai trò tích cực tại nhiều địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Điển hình như HTX Măng tây xanh Thái Bảo, HTX Dịch vụ tổng hợp Xuân Tùng (huyện Gia Bình), HTX VAC Xuân Hòa (huyện Quế Võ), HTX Chăn nuôi Cường Thịnh (huyện Yên Phong)…
Các HTX đang thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển trang trại theo hướng an toàn (Ảnh TL) |
Bổ sung các nguồn lực
Kết quả thực tế cho thấy thu nhập từ kinh tế trang trại đạt gần 50% giá trị thu nhập của ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch, tích tụ ruộng đất, gắn liền với tiến trình phân công lao động nông thôn.
Nhận thức rõ vai trò của kinh tế trang trại, tỉnh Bắc Ninh đã và đang đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX, chủ trang trại tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, triển khai các mô hình sản xuất công nghệ cao theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo ATLĐ.
Với riêng khu vực HTX, tỉnh chú trọng cung cấp thông tin, tư vấn xây dựng điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh, tổ chức một số lớp tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ nhân lực, tập huấn sử dụng máy móc an toàn, bổ sung kiến thức về ATLĐ…
Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Bắc Ninh đang hoàn thành khá tốt vai trò. Trong năm 2019, Quỹ đã cho 75 đơn vị vay vốn với số vốn vay đạt 26,322 tỷ đồng, qua đó giúp các HTX đầu tư mở rộng sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa, phát triển sản xuất an toàn, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, tạo việc làm và phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các HTX tham gia cung cấp thực phẩm cho các khu công nghiệp, siêu thị, với các sản phẩm như trứng, thịt gà, thịt lợn, cá lồng... Triển khai hỗ trợ HTX tham gia các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và kết nối cung cầu cho các HTX, tổ hợp tác, làng nghề và các cơ sở sản xuất tại địa phương…
Nhật Minh