Các HTX đang là điểm tựa giúp các hộ chăn nuôi lợn phát triển theo chuỗi (Ảnh Tư liệu) |
Tiếp sức nông dân
Năm 2016, sau nhiều năm “ngấm đòn” với đủ loại hình chăn nuôi, “lên bờ xuống ruộng” với sự trở mặt của thương lái, anh Nguyễn Văn Vích (xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa) quyết định tham gia vào HTX nông nghiệp hữu cơ Bình Minh để phát triển mô hình nuôi lợn an toàn.
Theo anh Vích, quyết định tham gia vào HTX và chuyển đổi mô hình từ chăn thả tự do sang chăn nuôi theo mô hình trang trại tập trung, chú trọng an toàn lao động (ATLĐ), vệ sinh thực phẩm là bước ngoặt thay đổi cuộc sống của anh và gia đình.
“Vào HTX, việc đầu tiên chúng tôi làm là cải tạo lại hệ thống trang trại, mua sắm các trang thiết bị cần thiết để phục vụ chăn nuôi an toàn, sau đó tham gia các khóa tập huấn kỹ thuật, ATLĐ do cán bộ HTX tổ chức”, anh Vích cho hay.
Cụ thể, anh Vích đã cùng bạn đồng hành góp vốn đầu tư hơn 450 triệu đồng để xây dựng gần 1.000 m2 chuồng trại, 3 hầm chứa biogas lớn và hệ thống bể tràn chứa chất thải chăn nuôi.
Cùng tham gia vào HTX Bình Minh với anh Vích, anh Nguyễn Văn Chuyết chia sẻ: “Tham gia HTX, các hộ có thêm điểm tựa vững vàng do được hỗ trợ về giống, kỹ thuật, tiêm phòng, bao tiêu đầu ra… khi đảm bảo các quy định về chăn nuôi an toàn, tạo ra những sản phẩm chất lượng”.
Sự đồng hành của HTX chính là nhân tố giúp 7 thành viên của HTX Bình Minh đứng vững trong suốt thời gian dịch bệnh bùng phát, liên tục tái đàn. Trong gần 3 tháng qua, khi giá lợn hơi ổn định ở mức cao, các thành viên HTX thu về lợi nhuận bình quân 4 – 5 triệu đồng/con lợn (100kg).
Phát triển theo chuỗi giúp các hộ chăn nuôi nâng cao hiệu quả sản xuất (Ảnh TL) |
Hướng tới chuỗi giá trị
Khảo sát trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cho thấy tại nhiều địa phương, các trang trại, gia trại chăn nuôi có hợp đồng gia công với các công ty lớn như CP, Dabaco… ngày càng nhiều.
Các mô hình có liên kết đều cho thấy sự tiến bộ rõ rệt như trang trại cách xa khu dân cư, được bảo vệ phòng dịch bệnh nhiều lớp, hạn chế người lạ và phương tiện ra vào trại, các quy định về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm được tuân thủ tuyệt đối…
Ở nhiều địa phương, các HTX, tổ hợp tác trở thành đơn vị đại diện của người chăn nuôi đứng ra ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích bền vững.
Đơn cử, HTX Trường Thành (xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa) hoạt động với phương châm “Vì sức khỏe của người tiêu dùng”. Hiện, HTX đang sở hữu khu trang trại rộng trên 5 ha, được xây dựng hiện đại, có hệ thống làm mát, quạt hút gió, đồng thời tận dụng hơi nước chảy theo giàn mát để dung hòa nhiệt độ trong chuồng nuôi.
Ông Tô Hiến Thành - Giám đốc HTX Trường Thành, cho biết trang trại lợn của HTX luôn có trên 200 con nái và 2.000 con lợn thương phẩm. Nhiều năm qua, HTX luôn chú trọng sản xuất an toàn với các quy định nghiêm ngặt về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả người chăn nuôi và khách hàng sử dụng.
Điển hình, trong quá trình chăn nuôi, thành viên HTX được tập huấn kỹ thuật, trang bị đồ bảo hộ như mũ, khẩu trang, kính, găng tay… để tránh gặp thương tích, giảm sự tiếp xúc với các loại vi khuẩn, virus gây bệnh.
Ông Lương Đức Kiên – đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang, cho biết trong bối cảnh dịch bệnh luôn rình rập, thị trường biến động không ngừng, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đang thúc đẩy xây dựng chuỗi giá trị, hỗ trợ nông dân chăn nuôi theo hướng an toàn, chú trọng khoa học – kỹ thuật.
“Trong quá trình xây dựng chuỗi, các HTX, tổ hợp tác có vai trò đặc biệt quan trọng để hình thành liên kết “HTX – nông dân – doanh nghiệp”. Khi liên kết này được đảm bảo cùng sự đồng hành, hỗ trợ từ địa phương, quyền lợi của người chăn nuôi sẽ được đảm bảo”, ông Kiên phân tích.
Hưng Nguyên