"Vùng sâu, vùng xa" được xác định là vùng dân cư thưa thớt, nằm sâu trong rừng núi hoặc vùng ngập nước, ở xa các trung tâm kinh tế, văn hóa, giao thông không thuận tiện, đi lại khó khăn, kinh tế thường lạc hậu, kém phát triển. Thúc đẩy ứng dụng KHCN, chuyển đổi số được kỳ vọng là một trong các cách thức tiếp cận hiệu quả góp phần thu hẹp khoảng cách và chênh lệch giữa các khu vực để đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Góp phần nâng tầm sản phẩm OCOP
Thúc đẩy KHCN gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại các địa phương. Để nâng cao giá trị sản xuất, khẳng định thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm OCOP trên thị trường, nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa đã chú trọng đầu tư ứng dụng KHCN vào sản xuất, chế biến và kinh doanh.
Ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hoạt động của các HTX. |
Sản phẩm cam Xã Đoài Như Xuân và cam đường Canh Như Xuân của HTX sản xuất nông nghiệp Thành Công, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, hiện là những sản phẩm OCOP có lượng tiêu thụ lớn ở hệ thống các siêu thị: Winmart+, Co.opmart,...
Theo chia sẻ của ông Chử Thanh Hải, Giám đốc HTX sản xuất nông nghiệp Thành Công: Để các sản phẩm OCOP của HTX khẳng định được "chỗ đứng” vững chắc trong hệ thống siêu thị, các cửa hàng thực phẩm sạch và chiếm được sự tin tưởng của khách hàng, người tiêu dùng, thời gian qua, HTX không ngừng đẩy mạnh ứng dụng KHCN để cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng cũng như mẫu mã, bao bì sản phẩm. Quy mô diện tích của HTX vào khoảng 400 ha đất trồng cam, chủ yếu trồng hai loại là cam Xã Đoài và cam đường Canh theo quy trình VietGAP.
Để nâng cao giá trị sản xuất, giảm sức lao động, HTX đã lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt quanh gốc với diện tích 100 ha. Đây là hệ thống tưới có sử dụng các van bù áp nên rất phù hợp với điều kiện đồi dốc, đảm bảo mỗi cây trong vườn đều nhận được lượng nước như nhau.
Hơn nữa, người sản xuất có thể hòa lượng phân bón cần thiết và sẽ được chuyển tải luôn trong hệ thống này. Nhờ đó, cây cam sinh trưởng, phát triển tốt do luôn được cung cấp đủ nước và phân bón.
Hiện nay, HTX cũng đã đầu tư xưởng sơ chế, hệ thống kho lạnh để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, với tổng số tiền 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc cải tiến, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc cũng được HTX quan tâm thực hiện thường xuyên.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, hiện cả nước có 287 huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thuộc 48 tỉnh, thành phố.
Những năm qua, việc ứng dụng KHCN là xu thế và giải pháp hữu hiệu được các chủ thể kinh tế ở khu vực miền núi quan tâm thực hiện, qua đó góp phần nâng tầm các sản phẩm OCOP trên thị trường.
“Bộ KH&CN cũng đã và đang có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp, HTX, các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, nhất là thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ về đầu tư, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối các "nhà", hỗ trợ vốn vay xây dựng nhà xưởng; đồng thời tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu ứng dụng tiến bộ KHCN để tư vấn, hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP tại các địa phương. Cùng với đó, phối hợp với các địa phương tích cực hướng dẫn các HTX, tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, ghi nhãn hàng hóa, mẫu mã bao bì sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch... góp phần khẳng định tên tuổi, nhãn hiệu của sản phẩm trên thị trường...”, ông Quất cho hay.
Những nông dân số ở vùng sâu, vùng xa
Tại Lào Cai, nhiều hộ dân ở vùng sâu, vùng xa đã từng bước tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, tiêu thụ nông sản, dần trở thành những người “nông dân số”.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả cao. |
Hình ảnh những phụ nữ người Mông, người Pa Dí... ở huyện biên giới Mường Khương livestream bá hàng đã trở nên quen thuộc trên mạng xã hội. Cách làm này đã mang lại hiệu quả rất tốt trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Đồng thời, tiếp cận với công nghệ thông tin, bà con đã mạnh dạn hơn trong tư duy sản xuất, kinh doanh hiện đại, tương tác với khách hàng, đáp ứng mong muốn, yêu cầu của khách hàng để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Chị Ma Thị Chú, ở thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương cho biết: "Khi tôi livestream như này, người ta xem thấy hay thì chia sẻ khắp nơi, vào các hội nhóm giúp bao phủ thị trường rất là lớn và nhanh".
Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, tiêu thụ nông sản ở vùng cao Lào Cai, không chỉ dừng lại ở bán hàng qua mạng. Bà con đã dần tiếp cận với những khái niệm như mã QR, sàn giao dịch điện tử, nhật ký nông vụ, hay những phần mềm để điều khiển máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Anh Trần Mạnh Thắng, ở xã Bản Sen, huyện Mường Khương đang thử nghiệm dùng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ cây chè.
Anh Thắng cho biết: "Phần mềm trên máy phun thuốc trừ sâu, chúng tôi cũng yêu cầu nhà sản xuất có bộ phận lưu trữ lại bao nhiêu ngày phun một lần; ví dụ 10 ngày phun một lần. Nên khi mở máy ra là biết đến kỳ hạn phun thuốc".
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc HTX Mường Khương, tỉnh Lào Cai cho biết: HTX Mường Khương hiện có 150ha ớt nguyên liệu. Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất 500 tấn tương ớt, doanh thu trung bình khoảng 14 tỷ đồng. Đây là con số không hề nhỏ so với một HTX ở khu vực miền núi.
Để đảm bảo sản phẩm chất lượng, có tính cạnh tranh trên thị trường, HTX buộc phải đầu tư dây chuyền hiện đại. HTX rất chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và tiêu thụ.
“Trong đầu tư thiết bị chế biến cũng theo từng công đoạn, ngoài sự huy động từ nội lực của các thành viên để đầu tư máy móc, HTX cũng nhận được sự hỗ trợ từ Sở KH&CN về hướng dẫn các quy trình sản xuất, chế biến sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP cao cấp. Nhờ đó, sản phẩm của HTX luôn bảo đảm đầu ra ổn định, người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn”, ông Dũng cho hay.
Kim Yến