Ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT đánh giá, việc ứng dụng công nghệ số còn giúp các HTX và người sản xuất dễ dàng gắn kết, tương tác trao đổi, thảo luận và nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ các đơn vị quản lý, tiếp cận các giá trị tiện ích công nghệ, khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế số hiệu quả trong khu vực kinh tế tập thể, HTX.
Công nghệ số là công cụ đắc lực cho HTX
Đặc biệt, thông qua ứng dụng công nghệ số cho phép các HTX dễ dàng tiếp cận, xây dựng mạng lưới đối tác rộng mở, tiếp cận kho tài nguyên tri thức nông nghiệp hoàn toàn miễn phí, tương tác trực tiếp đến các cơ quan quản lý địa phương, các nhóm chuyên gia bằng hình ảnh, video, clip, video call, gọi thoại, tin nhắn nội bộ linh hoạt, dễ dàng.
Việc ứng dụng công nghệ số đang là xu thế mà các HTX và người sản xuất không thể đứng ngoài cuộc. |
Đồng thời, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, các HTX đã tiết kiệm được rất nhiều các loại chi phí trong những điều kiện cực kỳ khó khăn do dịch bệnh gây ra. Chính nhờ vào sự năng động và kịp thời nắm bắt việc ứng dụng công nghệ số để phát triển kinh tế tập thể đem lại hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an ninh xã hội.
“Nhiều HTX đã tổ chức cho các hộ thành viên chuyển giao nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp tăng nhanh, từ đó đem lại thu nhập cao cho thành viên, góp phần tích cực trong xóa đói giảm nghèo và ổn định chính trị, an sinh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương”, ông Ninh chia sẻ.
Tại HTX Chăn nuôi Hoàng Long, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội, Giám đốc Nguyễn Trọng Long cho biết, trong quá trình phát triển, HTX đã xây dựng khu chăn nuôi khép kín, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 60 tỷ đồng. Đồng thời, tổ chức sản xuất thức ăn chăn nuôi trên diện tích 720 m2 và xây dựng khu xử lý chất thải ngoài hàng rào khu vực chuồng trại khoảng 2,8 ha.
"Qua gần 20 năm xây dựng và phát triển, HTX Chăn nuôi Hoàng Long đã có một quyết định đúng đắn, đó là đầu tư ứng dụng công nghệ cao một cách bài bản và đồng bộ vào sản xuất. Quyết định đó đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho HTX khi trên diện tích hơn 2 ha với chuỗi nhà tầng khép kín. HTX đang chăn nuôi 400 lợn nái và hơn 4.000 lợn thương phẩm nhưng chỉ sử dụng 8 lao động, vừa giảm chi phí, vừa bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học. Đây là cách làm hiệu quả, phù hợp với xu hướng sản xuất hiện đại và giúp HTX vượt qua được những khó khăn, ảnh hưởng do dịch bệnh, trụ vững và phát triển đến hiện tại", ông Long nói.
Ứng dụng hệ thống quản lý hiện đại
Hay như tại HTX nông nghiệp Khánh Phong, huyện Mê Linh, TP.Hà Nội tập trung hướng dẫn, giám sát các thành viên thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP thông qua smartphone, sổ nhật ký điện tử bảo đảm điều kiện truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu các thị trường.
Việc chuyển đổi số hoạt động sản xuất, kinh doanh bước đầu đã làm thay đổi tổ chức và quản trị hoạt động của HTX. |
Anh Nguyễn Thế Lâm, Giám đốc HTX cho biết, với nhật ký điện tử không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà quản lý quy trình làm việc với thành viên nhanh và tiện lợi hơn. Đến nay, 100% thành viên đã sử dụng thành thạo nhật ký điện tử trên máy tính và smartphone.
Hơn nữa, từ nhật ký điện tử, các số liệu sẽ được chuyển tới người tiêu dùng khi chọn mua hàng. Theo đó, các số liệu của nông dân cập nhật sẽ tích hợp vào mã truy xuất nguồn gốc – QR Code gắn cho mỗi sản phẩm khi lên kệ hàng. Khi chọn một sản phẩm, khách hàng có thể biết tường tận nhà sản xuất, ngày trồng, thu hoạch, quy trình chất lượng, từ trang trại đến bàn ăn. Đó như bản cam kết của người nông dân về sản phẩm của mình đến tận mâm cơm mỗi gia đình.
Cũng nhờ áp dụng công nghệ số vào sản xuất, các số liệu hoạt động này được cập nhật lên máy tính, điện thoại của Ban giám đốc nên dù đi đâu, ở đâu cũng kiểm soát được sự phát triển của cây trồng, tạo đà ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất của HTX.
Cùng với việc tiêu thụ cây ăn quả tại các kênh thương mại truyền thống, HTX đẩy mạnh bán hàng trực tuyến (online), trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, đưa nông sản lên “Chợ thương mại điện tử” của thành phố. Đến nay, các sản phẩm của HTX đã có mặt tại nhiều hệ thống cửa hàng thực phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố như: Ikonfoods (Hà Nội), An Mộc (Hải Phòng), ZoZo food (Yên Bái)…
“Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục tăng cường sản xuất theo vùng chuyên canh, đẩy mạnh khoa học - kỹ thuật, đầu tư chế biến, minh bạch hóa các khâu sản phẩm. Bên cạnh đó, bắt tay với kênh phân phối hiện đại, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản”, anh Lâm chia sẻ.
Có thể thấy, nhờ chuyển đổi số đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX trên cả nước thời gian qua. Việc chuyển đổi số hoạt động sản xuất, kinh doanh bước đầu đã làm thay đổi tổ chức và quản trị hoạt động của HTX so với phương thức quản lý truyền thống, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX. Thông qua đó, mỗi thành phần kinh tế sẽ cải thiện được hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và gia tăng tính cạnh tranh của tổ chức trên thị trường.
Hoàng Hằng