Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La, tỉnh đang phát triển mô hình kinh tế tập thể với nhiều hình thức phù hợp, dựa trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, sản xuất kinh doanh theo hướng phát triển các sản phẩm dịch vụ, sản phẩm chủ lực gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa.
Từ sản xuất đến sơ chế đều có công nghệ
Nhờ chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ nên hiện nay, nhiều HTX ở Sơn La đã tạo được sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, tập trung vào chức năng thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các hộ thành viên và người dân.
Với định hướng của Liên minh HTX tỉnh và cơ quan quản lý địa phương, các HTX ở Sơn La đã không ngừng đầu tư trang thiết bị, vật chất, cơ sở hạ tầng nhằm đưa sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng thu nhập cho các thành viên.
Việc đầu tư công nghệ, thực hiện chuyển đổi số đã giúp các HTX xây dựng được nhiều chuỗi giá trị khép kín. Công tác quản lý sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng cũng được thuận lợi hơn.
Nhãn sấy bằng công nghệ ép nhiệt giúp nâng cao chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường thay vì sấy bằng than củi. |
Đặc biệt, nhiều HTX đã tiến hành đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, đơn cử như: HTX Nông Xanh, ứng dụng công nghệ sản xuất rau an toàn và đầu tư công nghệ làm mát để bảo quản rau. Hay HTX nông nghiệp Bảo Minh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất cây ăn quả và sử dụng lò ép nhiệt để sấy nông sản.
Theo Ban Giám đốc HTX Nông Xanh, từ khi HTX có kho lạnh, sau khi thu hoạch rau vào buổi sáng, các thành viên sẽ cho vào kho làm mát để gần chiều sơ chế và đóng gói, vận chuyển đi các nơi. Làm như vậy, nhiệt độ tương đối ổn định, giúp rau tươi hơn và tỷ lệ hao hụt ít hơn.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản ở các HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tạo nguồn nông sản hàng hóa sạch, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và phát triển sản phẩm nông sản an toàn theo hướng bền vững.
Sản xuất nước mắm bằng công nghệ Enzyme
Không chỉ ứng dụng công nghệ vào sản xuất rau màu, cây ăn quả, nhiều HTX địa bàn tỉnh cũng nhanh nhạy chuyển đổi sản xuất, ứng dụng công nghệ để mở rộng sản xuất, tận dụng tiềm năng của địa phương trong lĩnh vực thủy sản.
Tiêu biểu như HTX Cơ khí Xuân Hải đã được Trung tâm Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Hà Nội) hỗ trợ dây chuyền sản xuất nước mắm từ cá mương ở lòng hồ thủy điện Quỳnh Nhai theo phương pháp Enzyme. Đây là công nghệ tiên tiến đã tạo ra sản phẩm nước mắm truyền thống đặc trưng của Quỳnh Nhai, có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch.
Ông Tòng Văn Hải, Giám đốc HTX Cơ khí Xuân Hải, chia sẻ quy mô sản xuất của HTX hiện là 1 tấn nguyên liệu/mẻ, sản phẩm nước mắm của HTX đã được Sở Y tế cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, được bày bán tại Trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP huyện và các điểm chợ, trung tâm mua sắm trong và ngoài tỉnh.
Ngoài mô hình trên, tỉnh Sơn La còn hỗ trợ 10 HTX khác áp dụng và đánh giá chứng nhận hệ thống sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ HTX Nông nghiệp xanh 26-3 về quy trình kỹ thuật “Ứng dụng tiến bộ khoa kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất cà chua và dưa lê vàng chất lượng cao theo hướng VietGAP tại tỉnh Sơn La”.
Có thể thấy, một số dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ ở các HTX không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất, mà còn giúp các HTX có điều kiện thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, phục vụ các sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị có tiềm năng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học công nghệ trong điều kiện địa phương đang đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa như hiện nay là rất phù hợp, nhằm tạo thành chuỗi giá trị bền vững và thu hút các doanh nghiệp liên kết.
Thông qua các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ của các HTX đã giúp chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người nông dân về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển, đồng thời xây dựng và khẳng định thương hiệu nông sản Sơn La.
Tùng Lâm