Mía nguyên liệu là một trong những cây trồng mũi nhọn của huyện Tân Kỳ. Để tăng năng suất, ngành nông nghiệp huyện đã loại bỏ dần các giống mía cũ kém hiệu quả và thay thế bằng các giống mới phù hợp cho năng suất cao, chất lượng tốt như các giống KK2, KK3, Việt Đường, LK-9211…
Đẩy mạnh cơ giới hóa
Cùng với việc ứng dụng các giống mới vào sản xuất, huyện đã xây dựng thành công các mô hình sản xuất mía tập trung, ứng dụng công nghệ cao, thực hiện đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất đến trồng, chăm sóc, thu hoạch… với tổng diện tích thực hiện đạt trên 1.000ha cho hiệu quả kinh tế cao.
Huyện Tân Kỳ đang đẩy mạnh cơ giới hóa trong phát triển các cây trồng chủ lực (Ảnh TL). |
Bà Đặng Thị Tình, thành viên Tổ hợp tác trồng trọt xã Nghĩa Hoàn cho biết, gia đình bà hiện có 3 ha mía nguyên liệu được trồng tập trung. Nhờ áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến chăm sóc, thu hoạch, nên năng suất mía hàng năm đạt bình quân 90 - 100 tấn/ha.
Kể từ năm 2016, phía doanh nghiệp liên kết đã đưa máy móc hiện đại về hỗ trợ người trồng mía thu hoạch, các hộ không còn lo khâu thu hoạch bằng sức người vất vả như trước.
Không chỉ hỗ trợ về máy móc, thiết bị hiện đại, các hộ trồng mía trên địa bàn xã Nghĩa Hoàn còn được tập huấn kỹ lưỡng về kỹ thuật, nắm chắc quy trình sản xuất hữu cơ, thân thiện môi trường, nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu tốt nhất phục vụ chế biến.
Đơn cử, trong quá trình chăm sóc mía, các hộ dân chỉ sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, ưu tiên các hợp chất hữu cơ, vi sinh, các loại thuốc có nguồn gốc từ thảo dược tự nhiên… vừa đảm bảo sức sinh trưởng cho cây, vừa hạn chế dư thừa gây thoái hóa đất đai.
“Sự đồng hành của Tổ hợp tác và doanh nghiệp trong việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật giúp gia đình tôi và các hộ trồng mía trong xã duy trì thu nhập bình quân 60 - 80 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 30% so với phương pháp canh tác cũ, công lao động giảm, sức khỏe tăng”, bà Tình hồ hởi nói.
Tương tự, ở xã Đồng Văn, một vùng đất có ít diện tích đất bằng, bị chia cắt bởi nhiều khe suối đã triển khai đầu tư cơ giới hóa hơn 50 ha mía hàng hóa ở thôn Thung Mòn, có hỗ trợ của chương trình nông thôn mới và CTCP Mía đường Sông Con.
Hiện, vùng mía hàng hóa Thung Mòn đang được cày bằng máy, ứng dụng giống mía mới và thâm canh phân bón đúng quy định, nhờ vậy cây mía phát triển đều, khỏe, năng suất có khả năng đạt trên 80 tấn/ha.
Nâng giá trị cây trồng
Không chỉ có mía, trong 5 năm qua, huyện Tân Kỳ đã thực hiện có hiệu quả đề án phát triển các loại cây trồng có giá trị, cho thu nhập cao như lúa, ngô, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây thực phẩm, cây giống lâm nghiệp…
Sản xuất quy mô lớn, tuân thủ nguyên tắc an an toàn giúp gia tăng giá trị nông sản (Ảnh TL). |
Đến nay, diện tích lúa chất lượng cao của Tân Kỳ đạt 634 ha, với các giống Thái Xuyên 111, SV181, Hương thơm 1, Bắc Thơm 9, tập trung tại những vùng lúa trọng điểm như Nghĩa Đồng, Nghĩa Thái, Nghĩa Bình, Nghĩa Hoàn, Tân Phú, Nghĩa Phúc, Đồng Văn.
Huyện đã xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất lúa bằng phương pháp cải tiến (SRI) tại nhiều xã trên địa bàn. Đến nay, đã có trên 1.300 ha được áp dụng và đạt hiệu quả kinh tế cao, trong đó năng suất lúa vụ Xuân đạt trên 7,4 tấn/ha, so với bình quân chung chỉ đạt 6,5 tấn/ha.
Huyện cũng đã quy hoạch và kêu gọi đầu tư vùng chuyên canh rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, thân thiện môi trường. Đến nay, huyện đã thu hút đầu tư, xây dựng thành công mô hình sản xuất tỏi hàng hóa theo chuỗi giá trị sản phẩm, tổng diện tích quy hoạch 85 ha tại các xã Giai Xuân, Tân Hợp, Đồng Văn.
Cũng có thể kể đến mô hình trồng cam đang cho thấy tiềm năng lớn trên địa bàn huyện. Điển hình, tại xã Tân Hợp, với chính sách chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP, thân thiện môi trường, toàn xã đang có trên 8 ha trồng cam, cho giá trị trên 150 triệu đồng/ha/năm.
Theo đại diện UBND xã Tân Hợp, chỉ trong vài năm, cây cam đang cho thấy sự thích nghi tuyệt vời với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu trên địa bàn xã. Trong thời gian tới, xã sẽ chủ động liên kết các hộ, hướng tới thành lập HTX, ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật, hướng tới xây dựng thương hiệu Cam xã Tân Hợp.
Có thể thấy, các chính sách phát triển cây trồng mũi nhọn trên địa bàn huyện Tân Kỳ đang cho hiệu quả tích cực. Theo các chuyên gia, để tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình trồng trọt, huyện cần thúc đẩy liên kết “4 nhà”, gồm Nhà nước, nông dân, HTX và doanh nghiệp, nhà khoa học. Công tác kết nối thị trường, quản bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm thế mạnh cũng cần được đẩy mạnh, thiết thực hơn.
Hưng Nguyên