Trong bối cảnh không ít hộ gia đình vẫn giữ thói quen chăn nuôi truyền thống, làm chuồng trại ngay trong phần đất của gia đình hoặc thả rông gây ô nhiễm môi trường, thì các thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi Hợp Thành, xã Bách Thuận lại lựa chọn liên kết cùng nhau chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học.
Hiệu quả chăn nuôi xanh
Ông Nguyễn Như Thỏa, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi Hợp Thành, cho biết để phát triển chăn nuôi an toàn sinh thái, thành viên Tổ đã áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc của vật nuôi với các mầm bệnh.
Liên kết chăn nuôi xanh giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường (Ảnh TL). |
Tất cả các khâu từ chuồng trại, chọn giống, chăm sóc, thú ý, xử lý chất thải… đều được áp dụng đúng yêu cầu kỹ thuật để mang lại cả hiệu quả kinh tế lẫn giá trị vệ sinh môi trường.
Công tác cách ly người ra vào trang trại là ưu tiên số một dành cho việc nuôi lợn an toàn sinh học của Tổ hợp tác, các thành viên phải luân phiên chăm sóc lợn. Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại địa phương làm cho nhiều hộ chăn nuôi phá sản nhưng trang trại của Tổ hợp tác vẫn trụ vững.
Nhằm bảo đảm chất lượng đàn vật nuôi, các hộ thành viên bắt buộc phải có hệ thống xử lý chất thải trong quá trình chăn nuôi. Chất thải lỏng đều được xử lý bằng hầm biogas, trong khi chất thải rắn được xử lý bằng chế phẩm sinh học để làm phân hữu cơ, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Trước nhu cầu của thị trường, giá lợn của Tổ hợp tác luôn ở mức trên 70.000 đồng/kg, giúp đem lại thu nhập cho mỗi thành viên ít nhất là 200 triệu đồng/năm.
Tổ hợp tác đứng ra cung ứng đầu vào từ con giống, thức ăn và giúp tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên giúp mọi người yên tâm thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn, tạo dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường.
Nhờ hoạt động hiệu quả, quy mô của Tổ hợp tác Hợp Thành đang liên tục được nâng lên trong những năm qua. Hiện, Tổ hợp tác đang thu hút 17 thành viên, mỗi hộ chăn nuôi 50 - 350 con lợn. Với cách làm hiệu quả, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Tổ hợp tác đang được huyện Vũ Thư tuyên truyền, nhân ra diện rộng.
Đa dạng chăn nuôi an toàn
Không chỉ có những mô hình liên kết chăn nuôi hiệu quả cao, xã Bách Thuận còn là địa phương đi đầu trong nhiều phong trào chăn nuôi khác. Điển hình như sử dụng hầm biogas trong chăn nuôi.
Bách Thuận đang đi đầu trong nhiều phong trào chăn nuôi theo hướng an toàn sinh thái (Ảnh TL). |
Theo thống kê, toàn xã Bách Thuận đang có trên 30.000 con gia súc, gia cầm. Để giúp nông dân ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào xử lý chất thải chăn nuôi, xã đã tổ chức tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn và hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas.
Phong trào sử dụng hầm biogas trong xã bắt đầu "nở rộ" cách đây khoảng 10 năm. Đến thời điểm hiện tại, toàn xã có hơn 800 hầm biogas, 99% số hộ chăn nuôi đã trang bị hầm.
Là hộ đi tiên phong xây lắp bể biogas, chị Nguyễn Thị Liên, xóm 8, thôn Trung Hòa chia sẻ: "Sau khi lắp đặt hầm biogas, chuồng trại trở nên sạch sẽ hơn. Nước thải ra từ hầm dùng để tưới cây và rau màu thay phân bón rất hiệu quả. Mỗi năm gia đình tiết kiệm được từ 4 - 5 triệu đồng tiền gas và điện sinh hoạt".
Bên cạnh việc đi đầu trong việc xây dựng hầm biogas, các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã còn có nhiều giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu. Đơn cử, để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi trong thời tiết nắng nóng, xã tăng cường tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống nắng nóng cho gia súc, gia cầm.
Cụ thể, các hộ chăn nuôi cần đảm bảo chuồng trại cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát với mật độ nuôi thích hợp; phủ lá cây, rơm hay trồng cây dây leo lên mái chuồng trại để chống nóng trực tiếp.
Vào thời gian nắng nóng cao điểm (11-15 giờ), các hộ cần phun nước lên mái, phun sương trong chuồng nuôi và bố trí đủ quạt điện để quạt mát, tránh làm tăng độ ẩm trong chuồng nuôi. Bên cạnh đó, chuẩn bị đầy đủ phên, lưới chống nóng, bạt để chủ động che chắn chống nắng và hơi nóng lùa vào chuồng nuôi. Tăng sức đề kháng cho lợn bằng cách tăng khẩu phần thức ăn xanh và bổ sung chất điện giải để hạn chế sinh nhiệt…
Theo lãnh đạo xã Bách Thuận, phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường là mục tiêu quan trọng và lâu dài của địa phương. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ chăn nuôi hoàn thiện kỹ thuật, kết nối thị trường, phát huy vai trò của HTX, tổ hợp tác trong việc hình thành các chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm thế mạnh của địa phương.
Nhật Minh