Với địa hình chủ yếu là gò đồi, bậc thang, đất bạc màu, thiếu nước nên sản xuất nông nghiệp ở xã Tây Giang luôn gặp nhiều khó khăn, năng suất các loại cây trồng đạt thấp, các dịch vụ, ngành nghề chậm phát triển.
Giải pháp tối ưu cho vùng đất hạn
Nhận thức được khó khăn về điều kiện tự nhiên, HTX Thượng Giang đã thường xuyên hướng dẫn, vận động thành viên thực hiện đúng theo lịch thời vụ cơ cấu giống, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ nhằm tạo sản phẩm nông nghiệp hàng hóa.
Tiêu biểu như từ năm 2020, HTX đã liên kết với Liên hiệp HTX Tinh dầu bạc hà Tây Bắc (tỉnh Gia Lai) sản xuất và tiêu thụ hành tím theo chuẩn VietGAP trên quy mô 2,1 ha và thu hút 15 hộ tham gia.
Trong quá trình sản xuất, HTX khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ để giải quyết những khó khăn về điều kiện khí hậu. Đến nay, 100% hộ trồng hành tím ở địa phương đã lắp đặt hệ thống tưới nước tự động. Cũng nhờ phương pháp tưới này mà người dân giảm được rất nhiều thời gian, chi phí và đặc biệt là góp phần tiết kiệm nước tưới trong sản xuất nông nghiệp.
Công nghệ tưới tiết kiệm giúp người dân chủ động nguồn nước tưới. |
Ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTX Thượng Giang cho biết, việc áp dụng công nghệ tưới tự động cho cây hành tím đã tiết kiệm lượng nước đáng kể (từ 60 - 70% so với kỹ thuật tưới truyền thống) nhưng năng suất hành tím vẫn đảm bảo. Ngoài ra, công nghệ này còn tiết kiệm được 80 - 90% thời gian tưới, giúp người dân không phải làm việc nặng nhọc trong thời tiết nắng nóng.
Nhờ chú trọng đầu tư sản xuất theo hướng hiện đại nên HTX bảo đảm quy trình sản xuất hành tím VietGAP. Theo hợp đồng, giá hành tím tươi mua tại ruộng là 10.000 đồng/kg. Đơn vị liên kết sẽ cho xe vận chuyển tại ruộng nên thành viên và người dân vừa giảm sức lao động, vừa bảo đảm được lợi nhuận.
Không chỉ trồng hành tím, HTX Thượng Giang còn tích cực chuyển đổi từ trồng mía, sắn không hiệu quả sang trồng lạc trong gần 3 năm trở lại đây. Tại mô hình này, HTX cũng ứng dụng công nghệ tiết kiệm nước và kỹ thuật trồng lạc VietGAP.
Thay vì để lạc tự lớn, HTX sử dụng phân bón và chăm sóc hợp lý. Năng suất lạc cao hơn so với mô hình trồng truyền thống trung bình 4 tạ/ha; lợi nhuận đạt gần 55 triệu đồng/ha, cao hơn 10 triệu đồng/ha, góp phần phục vụ cho chuỗi liên kết chế biến lạc.
Với kết quả đã đạt được, người dân địa phương rất phấn khởi và đều có hướng nhân rộng diện tích trồng cây lạc. Ông Nguyễn Văn Lênh, một trong số các hộ tham gia trồng lạc vệ tinh cho biết, HTX Thượng Giang không chỉ giúp người dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, mà còn giúp các hộ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiến tiến, từ đó hình thành lối sản xuất theo hướng an toàn, bền vững.
Đầu tư công nghệ chế biến
Để mở rộng đầu ra cho nông sản, năm 2020, HTX mạnh dạn đầu tư gần 500 triệu đồng trang bị dây chuyền ép dầu mè, dầu lạc tự động với công suất 2-2,5 tấn/ngày.
Giám đốc Trần Đình Thọ cho biết, trước đây khi vào vụ thu hoạch lạc lại trùng vào tháng mưa ngâu, hạt lạc bị ẩm nên HTX, người dân phải thuê máy sấy, và giá trị của hạt lạc thô bán không cao, giá trị kinh tế thấp. Nếu đầu tư sản xuất tinh dầu lạc bằng công nghệ hiện đại sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước hình thành chuỗi giá trị khép kín.
Theo đó, sau khi phân loại nguồn nguyên liệu đạt tiêu chuẩn, lạc được tách vỏ, rang ép dầu, lọc dầu, đóng chai hoàn toàn bằng máy. Từ đó tạo ra sản phẩm bảo đảm được khâu an toàn thực phẩm, nguyên chất, chất lượng, thơm ngon và đặc biệt không sử dụng bất kỳ một loại hóa chất tạo mùi, màu hay chất bảo quản. Chính vì vậy, những mẻ dầu làm ra từ cơ sở sản xuất của HTX ngày càng được nhiều người biết đến, tin dùng.
Chuyển đổi từ đất lúa sang trồng lạc an toàn giúp bảo đảm nguyên liệu phục vụ chế biến dầu lạc. |
Đặc biệt, dây chuyền sản xuất dầu lạc giúp tối ưu hóa công việc sản xuất của HTX, từ đó tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Không chỉ gia công ép dầu cho bà con nông dân, HTX còn đầu tư nhãn hiệu, bao bì, xây dựng mã vạch truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm.
Theo Giám đốc Trần Đình Thọ, sắp tới, HTX sẽ liên kết với thành viên, nông dân sản xuất mỗi năm 3 vụ lạc, mè theo tiêu chuẩn an toàn để bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến.
Có thể thấy, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất đã giúp HTX Thượng Giang tạo ra các sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần “mở lối” để nhân rộng, phát triển cho các HTX khác trong tỉnh.
Theo Liên minh HTX tỉnh Bình Định, xác định được vai trò của khoa học công nghệ trong việc phát triển HTX, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành, các địa phương tăng cường tuyên truyền, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ mới đến các HTX; đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ vốn vay, đào tạo nghề, xúc tiến thương mại. Qua đó, góp phần giúp các HTX nâng cao hiệu quả sản xuất theo chuỗi giá trị.
Như Yến