Hồi tháng 5/2021 vừa qua, xã Pô Kô (huyện Đăk Tô) đã tổ chức ra mắt mô hình “Tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt” tại thôn Kon Tu Dốp I. Tổ hợp tác này do anh A Kam, một người dân tộc thiểu số ở địa phương, là Bí thư Đoàn xã Pô Kô, làm tổ trưởng.
Khơi dậy tinh thần lập nghiệp
Những thành viên tham gia tổ hợp tác là các thanh niên đồng bào thiểu số trong xã, với quy mô diện tích các ao nuôi là 3.000m2, chuyên nuôi các loại: Cá trắm, cá mè, cá rô phi, cá chép.
Anh A Kam bày tỏ mong muốn thời gian tới sẽ có thêm nhiều nông dân trẻ trong xã tham gia mô hình tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt và các mô hình sắp tới do xã Pô Kô thực hiện như mô hình nuôi kỳ đà, nuôi bò…
Anh A Kam, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt” tại thôn Kon Tu Dốp I, xã Pô Kô. |
Đây là mô hình phát triển kinh tế tập thể thiết thực trong các thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tín đồ tôn giáo do Huyện đoàn Đăk Tô chỉ đạo thành lập.
Thông qua việc thành lập tổ hợp tác, góp phần khơi dậy niềm đam mê kinh doanh, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho các thanh niên dân tộc thiểu số ở Đăk Tô trong quá trình “lập thân, lập nghiệp”.
Là huyện miền núi, có trên 50% dân số là người dân tộc thiểu số, nên những năm qua, huyện Đăk Tô đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp hỗ trợ hộ đồng bào phát triển kinh tế, nhất là khuyến khích tham gia các mô hình tổ hợp tác, HTX.
Điển hình có HTX nông nghiệp thương mại dịch vụ Rạng Đông ở thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô) chuyên sản xuất, kinh doanh nhiều lĩnh vực như trồng cà phê, cao su, rau sạch, trồng cây ăn quả…
HTX này đã phát triển được 25ha cà phê, hơn 10ha cao su, 5ha cây ăn quả. Ngoài ra, HTX còn liên kết với 2 tổ hợp tác phát triển được 60ha cây cà phê ở xã Diên Bình (11 hộ, có 30ha) và Tân Cảnh (9 hộ, 30ha). Hiện tại, thành viên của HTX và hộ liên kết với HTX đều thực hiện sản xuất theo đúng tiêu chuẩn quy trình sạch, sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Sản phẩm cà phê sạch của HTX Rạng Đông đã được chứng nhận đạt chất lượng OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh và là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Kon Tum. Thời gian qua, HTX đã ký hợp đồng cung cấp cho các cơ sở kinh doanh tại Tp.Đà Lạt (Lâm Đồng), Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... với doanh thu mỗi năm đạt từ 2,5 đến 3 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 30 lao động khi vào mùa vụ sản xuất chế biến.
Thời gian tới, HTX Rạng Đông sẽ tiếp tục đưa sản phẩm là Net caphe Rạng Đông và cà phê hạt rang xay và trái cây sạch tham gia chương trình OCOP để xây dựng thương hiệu sản phẩm của HTX…
Kỳ vọng ở cây mắc ca
Gần đây, để hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số trồng cây mắc ca trên đồi trống thì huyện Đăk Tô đã khuyến khích đồng bào nên liên kết chuỗi sản xuất, tham gia thành lập HTX, tổ hợp tác, để hình thành vùng sản xuất mắc ca tập trung theo hướng bền vững.
Các thanh niên đồng bào thiểu số tham quan học hỏi tại HTX Mắc ca Nhân Hòa ở thôn 3, xã Kon Đào. |
Như HTX Mắc ca Nhân Hòa tại thôn 3, xã Kon Đào (huyện Đăk Tô) đang trồng, chăm sóc 16ha cây mắc ca, trong đó, diện tích mắc ca trồng từ năm 2015 đã cho thu hoạch, mắc ca trồng năm 2018 vừa cho quả bói. Chỉ với 1.000 cây mắc ca trồng năm 2015, đợt thu hoạch năm 2020, sản lượng hạt đạt trên 4 tấn đã giúp thành viên HTX thu về hơn 400 triệu đồng.
Hồi 4/2021 Đoàn thanh niên huyện Đăk Tô đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên tỉnh Kon Tum tổ chức tập huấn chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca cho hàng chục đoàn viên thanh niên (trong đó có nhiều thanh niên dân tộc thiểu số) trên địa bàn huyện Đăk Tô.
Các thanh niên địa phương đã được tìm hiểu và cùng nhau chia sẻ về nguồn gốc của cây mắc ca, nhu cầu thị trường; các điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng phù hợp với cây mắc ca; cách thiết kế vườn cây; cách trồng và chăm sóc, phòng chống sâu bệnh cho cây; cách thức thu hoạch và bảo quản mắc ca… đi thăm quan thực tế vườn cây mắc ca của HTX Mắc ca Nhân Hòa.
Qua buổi tập huấn, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số hy vọng cây mắc ca sẽ là hướng đi mới cho phát triển kinh tế địa phương. Và họ mong muốn huyện Đăk Tô sẽ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp từ phổ biến khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nguồn cây giống chất lượng, đầu tư trang thiết bị bảo quản, liên kết thu mua, phát triển tổ hợp tác, HTX… để người trồng cây yên tâm khi trồng và phát triển diện tích cây mắc ca bền vững, tìm được đầu ra ổn định và nâng cao thu nhập.
Tính đến tháng 6/2021, toàn huyện Đăk Tô có 15 HTX và nhiều mô hình tổ hợp tác chủ yếu hoạt động trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình tổ hợp tác, HTX trên địa bàn Đăk Tô đã giúp bà con dân tộc thiểu thay đổi cách nghĩ, cách làm, thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Thanh Loan
Bài cuối: Giữ gìn bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng nông thôn mới