Sau gần 5 năm thành lập, HTX Lạng Sơn đang hoạt động chính trong lĩnh vực trồng trọt, với các loại rau, quả chủ lực như cải ngồng, cải làn, cà chua, dưa chuột… trên tổng diện tích 3 ha. Hiệu quả của HTX đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên, hình thành những sản phẩm thế mạnh tại địa phương.
Tạo bước ngoặt nhờ đổi mới
Ông Nông Văn Thìn, Phó Giám đốc HTX Lạng Sơn cho hay, khi mới thành lập, đơn vị gặp không ít khó khăn bởi năng lực sản xuất chưa đảm bảo, trình độ khoa học – kỹ thuật còn thấp, dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm không cao, chi phí nhân công tốn kém.
HTX đã đầu tư hàng tỷ đồng cho khoa học - công nghệ, đáp ứng nhu cầu sản xuất lớn (Ảnh TL). |
“Trong năm đầu tiên hoạt động, doanh thu của HTX đạt trên 500 triệu đồng, tuy nhiên, sau khi trừ chi phí thì gần như không có lãi. Các hộ thành viên vất vả quanh năm nhưng quanh đi quẩn lại cũng chỉ đủ ăn, phải lấy công làm lãi. Vấn đề tiêu thụ sản phẩm cũng trở thành bài toán khó”, ông Thìn chia sẻ.
Sau thời gian dài khó khăn, phải đến năm 2019, bước ngoặt mới đến với HTX khi nhận được những nguồn hỗ trợ của Nhà nước trong chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Cụ thể, sau khi nhận được khoản vốn hỗ trợ gần 7 tỷ đồng, HTX đã mạnh dạn đối ứng thêm 5 tỷ đồng để đầu tư máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như xây dựng nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới tiết kiệm, nhà sơ chế…
Theo Phó Giám đốc HTX Nông Văn Thìn, toàn bộ diện tích trong nhà lưới, nhà màng được HTX tận dụng tối đa để trồng các loại cây theo mùa và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương hiện đại. Qua đó, giúp HTX kiểm soát chặt chẽ được liều lượng, tỷ lệ nước và độ ẩm cho từng loại cây trồng.
Nếu trước đây, việc tưới nước tự phát khiến độ ẩm, khoáng chất phân bố không đồng đều, tạo điều kiện cho nấm mốc, sâu bệnh hại phát triển, ảnh hưởng năng suất, chất lượng cây trồng, thì với công nghệ tưới nhỏ giọt hiện nay giúp HTX giảm thiểu sâu bệnh gây hại, các chất dinh dưỡng thấm vào sâu bên trong thân cây.
“Nhờ ứng dụng hiệu quả công nghệ cao vào sản xuất, chất lượng các sản phẩm của HTX được nâng cao đáng kể, năng suất cây trồng cũng tăng từ 10 - 20%, đặc biệt là giúp thành viên HTX tiết kiệm 40% chi phí nhân công”, ông Nông Văn Thìn nhấn mạnh.
Mở rộng mô hình sản xuất
Bên cạnh các loại rau màu truyền thống, để nâng cao hiệu quả, tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đầu năm 2020, HTX đã đưa các loại cây trồng mới có ưu điểm vượt trội về năng suất, chất lượng vào sản xuất như dâu tây giống Nhật Tochiotome, dưa lê Kim cô nương, dưa lưới…
Sản xuất công nghệ cao giúp HTX gia tăng giá trị, nâng sức cạnh tranh (Ảnh TL). |
Kết quả, vẫn trên diện tích đất 3ha, năm 2020, doanh thu của HTX đã đạt trên 1 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với thời điểm áp dụng phương thức sản xuất truyền thống.
Bước sang năm 2021, HTX thực hiện ươm một số giống cây như ớt cao sản, dâu tây, cà chua bi… trong nhà lưới và sử dụng máy gieo hạt tự động "6 trong 1". Ngoài ra, HTX dự kiến xây dựng nhà lạnh với quy mô 1.000m2 để sản xuất dâu tây quanh năm.
Đáng chú ý, với quy trình sản xuất giàu khoa học – công nghệ, chất lượng sản phẩm vượt trội, nhiều mặt hàng nông sản của HTX đang trở thành nông sản chủ lực, thế mạnh đặc trưng tại địa phương.
Điển hình, sản phẩm ngồng hoa cải của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao cấp tỉnh. Ngoài ra, HTX đang tiếp tục xây dựng thương hiệu “Dâu tây Xứ Lạng” gắn với mô hình du lịch trải nghiệm, tiếp tục đưa các giống cây trồng năng suất, chất lượng vào sản xuất.
Sản phẩm chất lượng cũng mở ra cơ hội khơi thông thị trường tiêu thụ cho HTX. Hiện, HTX đã liên kết tiêu thụ sản phẩm với nhiều đơn vị trên cả nước như HTX Nông nghiệp Đình Bảng (Bắc Ninh), Công ty TNHH Nông sản Dũng Hà (Hà Nội) và các ki ốt bán nông sản tại chợ Bờ Sông, TP Lạng Sơn.
Với nỗ lực vươn lên và hướng đầu tư đúng đắn, HTX phấn đấu nâng tổng doanh thu năm 2021 lên 4,5 tỷ đồng, bất chấp những ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch COVID-19.
Để hiện thực hóa mục tiêu, HTX đang chú trọng hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao trình độ khoa học - kỹ thuật, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
HTX cũng chủ động phối hợp, vận dụng tốt các nguồn lực hỗ trợ từ địa phương để kết nối thị trường tiêu thụ, xậy dựng thương hiệu cho sản phẩm, hoàn thành hệ thống bao bì, tem nhãn để tăng tính nhận diện, xây dựng niềm tin với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Nhật Minh