Để người dân chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa và ứng dụng công nghệ cao, huyện đã chủ động mở các lớp tập huấn kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa. Bên cạnh đó, huyện mời các chuyên gia về để hỗ trợ người dân, HTX sản xuất khoa học từ những bước ban đầu.
Tích cực ứng dụng công nghệ
Minh Sơn từng là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Ngọc Lặc. Những năm qua, với mục tiêu vươn lên thoát nghèo, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, hiện đại.
Công nghệ cao là hướng đi tất yếu của nông nghiệp thời hội nhập (Ảnh TL). |
Mô hình trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu trong nhà lưới quy mô 0,2 ha trên địa bàn xã là một ví dụ điển hình. Mô hình này do HTX Nông nghiệp và xây dựng Minh Sơn đứng lên dẫn dắt người dân. HTX đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, liên kết với doanh nghiệp để được hỗ trợ đầu vào, đầu ra.
Nhờ sản xuất công nghệ cao, giống dưa vàng của HTX đã phát huy giá trị về kinh tế. Với sản lượng khoảng 6,5 tấn/vụ, giá bán tại ruộng là 40.000 đồng/kg có thể mang về lợi nhuận cho HTX ít nhất là 100 triệu đồng/vụ. Đặc biệt, trồng dưa trong nhà lưới có thể thu hoạch nhiều vụ trong năm.
Anh Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc HTX Minh Sơn cho biết, khu nhà lưới của HTX được đầu tư với kinh phí hàng trăm triệu, với đầy đủ trang thiết bị, máy móc hiện đại, như hệ thống tưới tiết kiệm, đèn chiếu sáng, xe vận chuyển, máy cắt cỏ…
“Sản xuất công nghệ cao không chỉ nâng cao giá trị kinh tế, mà còn góp phần giảm công lao động. Với sự hỗ trợ của máy móc, người lao động không phải “dầm mưa, dãi nắng”, chỉ tập trung nâng cao kỹ thuật, làm ra những sản phẩm sạch”, anh Dũng nhấn mạnh.
Hiện, HTX còn phát triển diện tích ngô ngọt cung cấp cho doanh nghiệp. Hoạt động hiệu quả, HTX đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên và nhiều lao động ở địa phương. Người lao động cũng được làm việc trong môi trường an toàn, bảo đảm sức khỏe.
Bên cạnh mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu của HTX Minh Sơn, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc cũng đang có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao được các HTX, doanh nghiệp đầu tư.
Điển hình như mô hình trồng dưa vàng Kim Hoàng hậu ở xã Lam Sơn; mô hình trồng vải không hạt và bơ Israel trên diện tích gần 30 ha ở Nông trường Sông Âm; mô hình nông nghiệp công nghệ cao của HTX dịch vụ nông nghiệp Kiên Thọ; mô hình trồng rau an toàn tại các xã Thúy Sơn, Ngọc Sơn…
Kết quả bước đầu cho thấy, hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Ngọc Lặc đã và đang khẳng định được thương hiệu cũng như về giá trị kinh tế so với những loại cây trồng truyền thống trước đây.
Phát huy các thành quả
Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Ngọc Lặc, trong những năm qua, toàn huyện đã chuyển đổi thành công hơn 215 ha đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang các cây trồng mới, gần 217 ha trồng mía sang trồng cây lâm nghiệp, hơn 1.900 ha ngô trồng trên đất lâm nghiệp sang trồng cây lâm nghiệp...
Ngọc Lặc cần thêm nhiều động lực để phát huy những kết quả đang có (Ảnh TL). |
Hiệu quả của công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiện đại, ứng dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ cao, đang giúp thu nhập của người nông dân tăng lên đáng kể, giá trị sản xuất đạt bình quân trên 100 triệu đồng/ha/năm, riêng các vùng ứng dụng công nghệ cao đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm.
Để thực hiện có hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích, huyện Ngọc Lặc đã và đang tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích trồng các loại cây hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao.
Hàng năm, UBND huyện yêu cầu các xã quy hoạch chi tiết về diện tích chuyển đổi, hệ thống thủy lợi, loại cây trồng..., trên cơ sở đó huyện có kế hoạch xây dựng các mô hình hướng dẫn người dân triển khai nhân rộng. Đồng thời, hỗ trợ người dân về giống, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tránh tình trạng người dân chuyển đổi ồ ạt hoặc chuyển đổi nhưng không áp dụng kỹ thuật, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và tâm lý của người dân khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất thâm canh và các mô hình sản xuất hiệu quả, như cây dược liệu (nghệ, cà gai leo); cây sắn dây, cây dứa... ở những nơi có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng.
Đồng thời, huyện khuyến khích người dân, HTX tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao, từ đó hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Lệ Chi