HTX Bến Lức là một trong những điển hình xây dựng mô hình sản xuất hướng hữu cơ, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất. Được thành lập từ năm 2015, HTX hiện có 7 thành viên sản xuất trên diện tích 50ha, đồng thời liên kết sản xuất với HTX Thạnh Hòa và một số hộ nông dân tại huyện Thạnh Hóa (Long An) sản xuất trên diện tích trên khoảng 20ha. Trong số diện tích này, HTX đang triển khai sản xuất chanh theo hướng GlobalGAP 14ha và hơn 20ha ứng dụng công nghệ cao.
Tập trung sản xuất sạch
Từ một vùng đất nghèo khó, người dân loay hoay với đủ thứ cây, con, xã Lương Hòa giờ đây thay da đổi thịt nhờ cây chanh không hạt, chanh bông tím… trồng công nghệ cao.
Dây chuyền sơ chế chanh trước khi xuất khẩu của HTX Bến Lức |
Theo ông Trần Duy Thuận, Giám đốc HTX Bến Lức, huyện Bến Lức là “vựa” chanh lớn nhất của tỉnh Long An. Với mục đích sản xuất ra những sản phẩm an toàn, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng ra thị trường thế giới, HTX đã áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP vào quy trình sản xuất chanh.
Cụ thể, HTX tập trung bảo đảm 4 tiêu chí: Kỹ thuật sản xuất, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, môi trường làm việc và truy nguyên nguồn gốc xuất xứ.
Là một trong những thành viên giàu lên nhờ trồng chanh không hạt, ông Phùng Khánh Hội (ấp 5, xã Lương Bình) có 1ha đất vườn trước kia chuyên trồng mía, tuy nhiên do nhiều yếu tố khó khăn đầu ra, giá thấp nên thua lỗ triền miên. Năm 2017, thấy HTX trồng chanh không hạt cho năng suất và lợi nhuận kinh tế cao, nên gia đình ông đã mạnh dạn xin tham gia, mua cây giống về trồng.
“Chanh không hạt là loại cây dễ trồng, ít bị sâu bệnh, lại cho trái quanh năm, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch là 18 tháng. Bình quân 1ha thu được 40 tấn/năm (tùy vào từng thời vụ), sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình thu về hơn 400 triệu đồng. Nhờ trồng chanh mà ở vùng đất heo hút của xã Lương Hòa đã có những người trở thành triệu phú, xây nhà cửa khang trang”, ông Hội phấn khởi chia sẻ.
Theo ông Thuận, giống chanh này cho trái quanh năm, từ năm thứ ba bắt đầu sai quả, trung bình mỗi cây có hơn 1.000 quả, năng suất khoảng 70-100kg/năm. Chanh không hạt quả to, trọng lượng 6-8 quả/kg, vỏ mỏng màu xanh sáng, mọng nước và vị chua có mùi thơm.
Ngoài ra, cây chanh bông tím vẫn cho trĩu quả ngay trong mùa nghịch. Chính vì vậy, chanh bông tím loại 1 đóng hộp khi bán ra thị trường phía Bắc có giá 25.000- 30.000 đồng/kg, các loại 2, 3 có giá từ 10.000-20.000 (tùy từng thời điểm).
Theo kinh nghiệm của anh Lưu Khánh Cường (xã Lương Hòa, Bến Lức), thành viên HTX, để cây trồng có năng suất cao phải biết áp dụng đúng theo khoa học, kỹ thuật. Khi chăm sóc cây, toàn bộ được sử dụng bằng phân hữu cơ để duy trì chất màu trong đất cho cây sinh trưởng tốt, quả chất lượng cao, tuyệt đối không lạm dụng phân, thuốc hóa học cho cây để tránh gây hại về sau.
Nâng cao giá trị, vươn ra thị trường quốc tế
Nhằm nâng cao giá trị, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường, xuất khẩu, HTX hiện đại hóa các khâu sản xuất chanh như tưới nước, phun thuốc, làm đất, sơ chế..., ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho năng suất tăng cao từ 2 - 3 lần so với làm thủ công; dây chuyền tự động, độ chính xác cao, tỷ lệ hao hụt thấp, tiết kiệm 50% chi phí lao động, sản phẩm đầu ra được phân loại đồng đều đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng.
“Thủ phủ chanh” ứng dụng công nghệ cao đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nông dân ở xã Lương Hòa, huyện Bến Lức |
Theo ông Thuận, dây chuyền sơ chế và phân loại chanh mà HTX Bến Lức đầu tư thuộc Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thực hiện với tổng kinh phí 603,35 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng.
Đơn cử như gia đình ông Lê Văn Xưa (ấp 9, xã Lương Hòa), thành viên HTX, hưởng lợi từ dự án hệ thống tưới tiết kiệm trên diện tích 5ha. Theo đó, ông được hỗ trợ 50% chi phí tương đương khoảng 125 triệu đồng, áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trên cây chanh khắc phục tình trạng thiếu nước, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trong mùa khô hạn. Ngoài ra, hệ thống tưới còn có thể ứng dụng vào phun xịt thuốc, xả sương muối gây hại cây, nhờ vậy vườn chanh không bị già cỗi, năng suất kém.
Đáng chú ý, HTX thực hiện liên kết tiêu thụ, thu mua tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu chanh đến nhiều thị trường như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, châu Âu,... Trung bình hàng năm, HTX xuất khẩu khoảng 500 tấn, hầu hết chanh đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện, HTX đang thực hiện đàm phán xuất khẩu chanh sang Nga phục vụ nhà hàng, khách sạn, mở rộng thị trường, tăng cường tiêu thụ sản phẩm.
Trung bình mỗi ngày, HXT Bến Lức tiêu thụ khoảng 3 tấn chanh nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ chanh gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng chanh xuất khẩu cũng giảm đáng kể. Hiện, giá chanh được thu mua tại vườn từ 6.000-8.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Trần Duy Thuận, HTX vẫn tiếp tục xây dựng mô hình kết nối cung - cầu bảo đảm an toàn và giữ được giá trị của nông sản, nắm bắt thông tin thị trường nhanh hơn thông qua chuyển đổi số; nâng cao công nghệ sơ chế, chế biến, từ đó giúp nông sản được tiêu thụ ổn định trong bất kỳ tình huống nào. Đồng thời, HTX tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng phục vụ thời kỳ hậu Covid-19, thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu cả ở thị trường truyền thống và cả thị trường mới, nhiều tiềm năng.
Tô Thương