Theo báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu hàng rau quả tháng 8/2020 đạt 276 triệu USD, tăng 24,1% so với tháng 7/2020 và tăng 2,7% so với tháng 8/2019. Trong 8 tháng đầu năm 2020, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 2,25 tỷ USD, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Mã HS 081090 gồm: Quả me, quả táo, quả điều tươi, vải thiều, mít, mận, quả hồng xiêm, chanh leo, khế, thanh long. |
Tháng 8/2020, xuất khẩu hàng rau quả tăng trở lại, chủ yếu tăng ở các thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Úc và Nga. Dự báo xuất khẩu hàng rau quả sẽ tăng theo yếu tố chu kỳ và là tín hiệu tích cực từ một số thị trường xuất khẩu chính.
Đáng chú ý, phân tích thị trường EU có thể thấy được tăng trưởng xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam. Theo số liệu thống kê Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurotat), nhập khẩu mặt hàng trái cây của EU trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 275.000 tấn, kim ngạch 631 triệu Euro (751 triệu USD), giảm 4,2% về lượng và giảm 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam là thị trường cung cấp trái cây đứng thứ 20 cho EU, đạt 2.000 tấn, trị giá 14 triệu Euro (khoảng 16 triệu USD), giảm 8% về lượng nhưng tăng 2,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. EU hiện nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu là vải thiều và chanh leo, trong đó chanh leo là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn.
Trong 5 năm qua, Việt Nam nổi lên là một quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh leo hàng đầu trong khu vực ASEAN do điều kiện tự nhiên thuận lợi. Đây là yếu tố thúc đẩy khả năng sản xuất và đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế ngày càng tăng, đặc biệt là các thị trường cao cấp như EU.
Về thị trường cho quả chanh leo, EU là nơi có lượng tiêu thụ lớn nhất, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, hết 7 tháng đầu năm 2020, thị trường EU đã chiếm gần 50% giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng chanh leo của Việt Nam đi các nước. Con số này minh chứng cho khả năng xuất khẩu lâu dài chanh leo nói riêng và mặt hàng hoa quả Việt Nam sang EU nhờ Hiệp định EVFTA.
Để đẩy mạnh xuất khẩu và khai thác tốt lợi thế từ Hiệp định EVFTA, các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam cần tuân thủ tốt các quy định của EU về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật rất chặt chẽ, khắt khe.
Chẳng hạn, theo hướng dẫn 79/117/EEC của Ủy ban Châu Âu, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được phép tồn dư trên sản phẩm nhập khẩu vào EU rất thấp, gần như bằng 0.
Nếu EU phát hiện có bất cứ một chất cấm nào tồn dư trong mẫu sản phẩm nhập khẩu, lô hàng đó sẽ bị từ chối và tiêu hủy và nhà cung cấp (xuất khẩu) sẽ phải chịu toàn bộ chi phí tiêu hủy, thậm chí có thể bị truy tố và bị áp lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm đó vào EU.
Lê Thúy