Để triển khai dự án, HTX Thanh Hà đã chủ động xây dựng các cánh đồng lớn trên tổng diện tích gần 20 ha, cùng hệ thống kênh tưới tiêu, bể chứa nước tưới, nhà kho và 3.000m2 nhà màng chọn lọc giống hiện đại. Sản phẩm chủ lực của HTX là các loại rau, củ, quả, rau gia vị chất lượng cao...
Thay đổi tư duy
Ông Mai Hữu Đoan, Phó Giám đốc HTX, cho hay dự án đang được triển khai xây dựng đồng bộ hạ tầng, cải tạo đất phù hợp với trồng rau, củ, quả và bước đầu đi vào sản xuất. Trong vụ Đông 2023 vừa qua, HTX đã bắt đầu đưa một số sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn được đưa ra thị trường.
Hiện, 100% diện tích sản xuất của HTX đang được áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. HTX cũng đang hoàn thiện 7 ha nhà màng phục vụ trồng các loại rau chất lượng cao, vừa giúp bảo đảm yêu cầu về mẫu mã, chất lượng, vừa chủ động ứng phó với thời tiết, ngăn ngừa dịch hại.
Ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu giúp nông dân hội nhập, nâng cao giá trị sản xuất (Ảnh: BHN). |
“Trong 3 năm tới, khi hoạt động sản xuất đi vào ổn định, HTX dự kiến mỗi ngày xuất bán ra thị trường trên 3 tấn rau, củ, quả các loại. Đây là dự án quy mô lớn, đòi hỏi sự đầu tư dài hơi của HTX, với kỳ vọng đưa giá trị sản xuất bình quân đạt 300-350 triệu đồng/ha/năm”, đại diện HTX cho biết.
Nếu HTX Thanh Hà đang ở giai đoạn đầu của việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thì HTX nông sản an toàn Liên Hiệp, xã Thi Sơn (huyện Kim Bảng) đã gặt hái thành công nhờ phát triển nông nghiệp hiện đại từ nhiều năm trước, và đã xuất khẩu thành công bắp cải GlobalGAP sang Nhật Bản.
Nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, HTX dành nhiều sự quan tâm đến chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất, đồng thời hướng mạnh đến thương mại điện tử và chuyển đổi số.
Cụ thể, về khoa học kỹ thuật, trong những năm qua, trên tổng diện tích hơn 5 ha, HTX đã xây dựng trên 1.000 m2 nhà màng, hơn 10.000 m2 tưới tự động, cùng hệ thống máy móc, thiết bị hỗ trợ hiện đại, cơ giới hóa được đưa vào hầu hết các khâu canh tác, qua đó giảm đang kể công lao động.
Hiệu quả gia tăng
Ông Phạm Hoàng Hiệp, Giám đốc HTX Liên Hiệp, khẳng định sản xuất công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, mang lại giá trị bền vững cho thành viên, nông dân liên kết, đưa ra thị trường những loại rau, củ, quả sạch luôn là định hướng xuyên suốt của HTX kể từ khi thành lập.
Những định hướng trên cũng là điểm tựa để HTX chinh phục người tiêu dùng, trở thành đơn vị đầu tiên của tỉnh sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Năm 2019, HTX đã liên kết với Công ty Vin Eco xuất sang Nhật Bản gần 100 tấn bắp cải.
Tỉnh Hà Nam đang thúc đẩy nguồn lực, phát huy vai trò của HTX, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao (Ảnh: BHN). |
Hiện, bình quân mỗi năm, HTX Liên Hiệp tiêu thụ khoảng 100-120 tấn rau, củ, quả các loại. Có thời kỳ cao điểm lượng tiêu thụ của HTX lên tới 420-500 tấn/ năm, doanh thu đạt khoảng 10 tỷ đồng/năm. Trong đó, riêng giá trị lượng rau xanh cung cấp cho các bếp ăn trong tỉnh đạt 500 triệu đồng/tháng, tạo việc làm và thu nhập cho từ 5-7 lao động.
Mục tiêu trong thời gian tới của HTX là sẽ hướng tới các sản phẩm giá trị kinh tế cao, tập trung chuyển sang trồng rau màu trái vụ, tránh tình trạng “được mùa dội chợ” với quy trình an toàn từ khâu gieo trồng đến khâu thu hoạch và tiêu thụ.
Có thể thấy, các HTX đang thể hiện dấu ấn đậm nét trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, nâng cao giá trị gia tăng ở Hà Nam. Với đóng góp của các HTX, mô hình sản xuất rau, củ, quả chất lượng cao đang liên tục được mở rộng tại các địa phương.
Cụ thể, theo thống kê, toàn tỉnh Hà Nam hiện có 8 mô hình nhà kính, 13 mô hình nhà màng, 3 hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt tiết kiệm nước với tổng diện tích hơn 3,6 ha. Đồng thời, các địa phương trong tỉnh cũng đang triển khai hơn 264 ha sản xuất cây trồng được cấp chứng nhận VietGAP, 17,1 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ, 605 ha đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Tìm bước đột phá
Không chỉ tại các HTX, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu là định hướng chung cho toàn ngành nông nghiệp tỉnh Hà Nam những năm qua.
Để thực hiện thực hóa mục tiêu, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực, phát huy tiềm năng và lợi thế của từng vùng, địa phương, thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế, trong đó đầu tàu là các doanh nghiệp, HTX và tổ hợp tác.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đẩy mạnh thu hút các HTX, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp thông minh, gắn với xây dựng các mối liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Kết quả thực tế cho thấy các mô hình ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thay đổi diện mạo địa phương, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Ðây là cơ sở để địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ mới vào các khâu trong chuỗi sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ.
Đặc biệt, liên kết “4 nhà” gồm Nhà nước, HTX - doanh nghiệp, nhà nông và nhà khoa học trong đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã và đang trở thành hạt nhân thúc đẩy quá trình chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra nông sản an toàn có chất lượng cao và xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất theo giá trị, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP tỉnh Hà Nam.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh dự kiến tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tập trung ruộng đất ở các khu quy hoạch và ngoài khu quy hoạch; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hiệu quả theo hướng sinh thái bền vững, liên kết tiêu thụ với HTX, doanh nghiệp tại các địa phương; tiếp tục kêu gọi, thu hút các HTX, doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong các khu quy hoạch và ngoài khu quy hoạch, nhằm không ngừng nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Mỹ Chí