Dứa Đồng Giao đã từ lâu lọt tốp thương hiệu nông sản chủ lực của vùng đất Tam Điệp, từng có mặt trong danh sách 50 loại trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam, được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Cùng với dê núi và cơm cháy, dứa cũng được coi là “biểu tượng” ẩm thực tỉnh Ninh Bình.
Liên tục đổi mới sản xuất
Những ngày này, nông dân khắp các địa phương ở Tam Điệp đang khẩn trương cho vụ dứa năm 2024 (sẽ vào chính vụ từ tháng 5), không khí vô cùng nhộn nhịp, ngày cũng như đêm, nhân công, máy móc phục vụ chăm sóc cây trồng tấp nập ra vào.
Trên cánh đồng thôn Khe Gồi, anh Nguyễn Văn Giang, thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp xã Quang Sơn cho hay, năm 2023, thời tiết không thực sự thuận lợi nên năng suất dứa thấp hơn so với mọi năm, giá ngoài thị trường cũng không như kỳ vọng, nhưng nhờ Tổ hợp tác có liên kết với doanh nghiệp nên các hộ thành viên không lo về vấn đề tiêu thụ.
Dứa đang là cây kinh tế chủ lực của nhiều nông dân ở Tam Điệp (Ảnh: Nguyễn Lựu). |
Đã gần 5 năm qua, gia đình anh Giang duy trì diện tích hơn 2 ha trồng dứa với 2 giống chủ đạo là Cayen và Queen. 100% sản lượng được Tổ hợp tác hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, và có hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp.
Một điều đáng chú ý, theo anh Giang, trong những năm gần đây, cùng với xu hướng hiện đại hóa, người trồng dứa ở Tam Điệp cũng đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao từ khâu làm đất, nhân giống, chăm sóc và thu hái, giúp sản lượng và chất lượng dứa ngày càng nâng lên.
Đơn cử, trong khâu làm đất, anh Giang sử dụng các loại máy cày, máy đánh tơi để xử lý đất trồng, lên luống. Trong khâu chăm sóc, toàn bộ khu trồng dứa của gia đình đang được trang bị hệ thống phun tưới tự động công nghệ mới, góp phần tiết kiệm nước, giảm công lao động.
Các luống dứa hiện cũng đang được áp dụng công nghệ phủ lưới (hoặc màng ni lông chuyên dụng) trên bề mặt để giảm thất thoát chất dinh dưỡng trong đất, giữ ẩm lâu hơn, hạn chế vi sinh vật gây bệnh.
Mang lại lợi ích kép
Nhờ ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, giá trị sản xuất của gia đình anh Giang liên tục được nâng lên trong những năm qua. Vụ dứa chính năm 2023, gia đình anh thu hoạch được gần 60 tấn dứa chất lượng cao. Trừ chi phí, mỗi ha cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Tuơng tự, gia đình ông Nguyễn Văn Trung, thôn Bãi Sải (xã Quang Sơn) trồng gần 3 ha dứa. Trong những năm qua, giá cả thị trường có biến động lên xuống, song nhìn chung, dứa vẫn là loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao so với mặt bằng chung.
Vừa giám sát quá trình tưới tự động trên vườn dứa, ông Trung vừa tranh thủ kể chuyện: “Với giá cả như hiện nay, 1 ha dứa năng suất đạt 30-40 tấn, năm nào được giá, bà con chúng tôi có thể thu lãi tới 150-200 triệu đồng, không thì cũng được trên dưới 100 triệu đồng”.
Ông Trung cho biết, để có được thành công hiện tại, bên cạnh đổi mới phương thức sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, các hộ trồng dứa ở Tam Điệp đang triển khai sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, thân thiện môi trường.
Cùng với sản xuất xanh, vùng trồng dứa ở Tam Điệp ngày càng nổi tiếng, thu hút du khách. |
Việc đổi mới sản xuất theo hướng hữu cơ đang giúp người trồng dứa ở Tam Điệp xây dựng thành công những cánh đồng lớn xanh, sạch, đẹp, thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Du lịch vùng dứa Đồng Giao ngày nay nổi tiếng đến mức nhiều người biết đến câu “chưa đến Đồng Giao là chưa đến Ninh Bình”. Với khoảng cách chỉ chừng 100km, từ Hà Nội, du khách có thể dễ dàng di chuyển đến địa điểm này bằng xe máy trong khoảng hơn 2 giờ đồng hồ.
Không giống như các vùng canh tác manh mún, vựa dứa Tam Điệp được vun trồng quanh năm suốt tháng. Bởi vậy, dù đến vào thời điểm nào, du khách cũng sẽ thấy dứa phủ kín cả khoảng đồi mênh mông, tạo thành một đường chân trời xanh ngút mắt.
Nếu du lịch Ninh Bình và ghé thăm vùng dứa Đồng Giao trong những ngày hè, vào chính vụ dứa, ngay cả khi chưa kịp thưởng thức miếng dứa chua ngọt mọng nước, du khách vẫn sẽ thấy cả tâm hồn dịu mát đến lạ kỳ.
Định hướng phát triển bền vững
Theo thống kê, ở Tam Điệp, cây dứa chiếm 60% diện tích trồng các cây ăn quả, trong đó có 2 giống dứa chính là dứa Cayen và dứa Queen. Nhờ áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, nên sản lượng dứa hàng năm đều tăng.
Không chỉ bán thô sản phẩm dứa tươi, khâu chế biến cũng được các HTX, doanh nghiệp, nông dân trồng dứa ở Tam Điệp chú trọng. Sản phẩm từ dứa chủ yếu được chế biến thành dứa hộp và các sản phẩm nước dứa, đây là những mặt hàng xuất khẩu lớn, có giá trị kinh tế cao.
Hiện, tỉnh Ninh Bình có một số doanh nghiệp chế biến dứa xuất khẩu. Các doanh nghiệp đã đưa dứa và các sản phẩm rau hoa quả khác của tỉnh đến với hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Nhờ chuỗi giá trị liên kết giữa nông dân, HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp, sản phẩm dứa sản xuất ra được đảm bảo tiêu thụ nhanh chóng với giá cả hợp lý, đảm bảo nguồn thu cho người nông dân. Nhờ phát triển bền vững cây dứa, nhiều hộ nông dân nơi đây có thu nhập từ 70-100 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ thu nhập từ 100-150 triệu đồng/ha, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Trải qua bao thăng trầm, đến nay, cây dứa vẫn phát triển mạnh, trở thành một trong những cây trồng chủ lực, cho thu nhập cao của người dân Tam Điệp. Hiện, thành phố có trên 1.500 hộ canh tác, tổng diện tích khoảng 3.500 ha, sản lượng dứa mỗi năm đạt 50.000 - 60.000 tấn.
Với thành công hiện tại, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Tam Điệp dự kiến thúc đẩy hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng máy móc vào sản xuất để giảm công lao động, tăng năng suất.
Để thích ứng với biến đổi khí hậu, Tam Điệp sẽ đẩy mạnh hỗ trợ người dân ứng dụng tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Vai trò của các HTX, tổ hợp tác cũng sẽ tiếp tục được nâng lên nhằm hình thành các liên kết, phát triển sản xuất lớn, nâng cao vị thế của các hộ sản xuất.
Mỹ Chí