Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc HTX rau củ quả Liên Ấp, cho hay Liên Ấp là một thôn có thế mạnh về nông nghiệp, với hơn 90% số hộ làm làm nghề. Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, Liên Ấp chịu sự tác động lớn của quá trình công nghiệp, đô thị hóa, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp.
Linh hoạt thích ứng
Để phát huy hiệu quả tiềm năng đất đai, HTX rau củ quả Liên Ấp được thành lập, dần trở thành điểm tựa hỗ trợ, khuyến khích hàng trăm hộ nông dân địa phương tích tụ ruộng đất sản xuất rau, củ quả, nông sản theo hướng an toàn gắn với chuỗi giá trị.
Cụ thể, trong sản xuất, HTX là “đầu mối” từ cung ứng nguyên liệu, cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, đến bao tiêu sản phẩm giúp nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập và cung cấp nhiều sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Đáng chú ý, 70% các công đoạn sản xuất, vốn đòi hỏi nhiều công lao động trước đây tại HTX đã được cơ giới hóa. Bên cạnh những loại máy móc cơ bản như máy cày, máy làm đất, máy cắt, thì thành viên HTX cũng đang ứng dụng một phần hệ thống tưới hiện đại.
Ứng dụng công nghệ cao giúp HTX, nông dân ở Bắc Ninh nâng cao giá trị sản xuất (Ảnh: BBN). |
“Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, máy móc hiện đại đang giúp HTX giảm công lao động, tiết kiệm 20-40% chi phí đầu vào (tùy mỗi công đoạn), đồng thời tăng năng suất, chất lượng nông sản”, Giám đốc HTX Nguyễn Văn Hiệp chia sẻ.
Với những thành công trong chuyển đổi sản xuất từ manh mún sang tập trung, ứng dụng một phần công nghệ cao, HTX đang có bước phát triển ổn định, với 110 thành viên, sản xuất hơn 20 ha các loại rau, củ, quả như: rau xanh các loại, su hào, mướp, cà chua… Bên cạnh đó, HTX cũng triển khai 10 ha trồng các loại cây hoa quả.
Doanh thu bình quân của HTX hiện đạt gần 300 triệu đồng/ha/năm. Điển hình như mướp thu nhập 18-20 triệu đồng/sào/năm; cà chua 20-25 triệu đồng/sào/năm, cải bắp 8-10 triệu đồng/sào/năm…
Trong HTX có khoảng 20 hộ thu nhập đạt hơn 100 triệu đồng/năm. Năm 2023, nhờ duy trì sản xuất rau an toàn, HTX rau của quả Liên Ấp tạo công ăn việc làm cho 150 gia đình trong thôn và 300 lao động đủ các lứa tuổi vào sản xuất, thu nhập ổn định từ 5- 7 triệu đồng/tháng.
Nâng cao giá trị
Nhắc đến các HTX tiêu biểu ở Bắc Ninh cũng không thể không kể tới HTX Nông nghiệp xanh Phú Cường, thôn Lương Pháp (Quỳnh Phú, Gia Bình), thành lập từ đầu năm 2022, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch trải nghiệm.
Hiện, trên diện tích hơn 5 ha đất sản xuất, HTX chia thành 3 khu: Khu trồng các loại rau hữu cơ, hoa, cây ăn quả; khu du lịch trải nghiệm; khu dịch vụ ăn uống.
Kể từ trước Tết Nguyên đán đến nay, dù đang trong những ngày đông giá rét, nhiệt độ ngoài trời bất lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng diện tích 2 ha trồng dưa chuột của HTX sinh trưởng, phát triển tốt, cho thu hoạch gần 300 kg/ngày. Toàn bộ sản lượng dưa của HTX đều được tiêu thụ tại các trường học, nhà hàng, cửa hàng thực phẩm sạch với giá từ 6.000- 10.000 đồng/kg.
Ngoài trồng 2-3 vụ dưa chuột/năm, HTX luân canh trồng dưa hấu, bí xanh, bí đỏ kết hợp trồng các loại cây ăn quả như chuối đỏ, đu đủ, mít...
Bắc Ninh đang chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp (Ảnh: BBN). |
“Nhờ khu nhà lưới hiện đại, HTX gần như không còn lo hiện tượng thời tiết cực đoan, đồng thời giảm đáng kể các loại sâu, bệnh hại. Chất lượng các loại rau quả cũng từ đó nâng lên, đạt năng suất vượt trội”, Giám đốc HTX Phú Cường Bùi Xuân Quế hồ hởi nói.
Cũng theo vị đại diện HTX, việc sản xuất hiện đại là cơ sở để HTX phát triển thêm dịch vụ du lịch trải nghiệm. Cụ thể, với ý tưởng, mong muốn giúp cho học sinh các cấp từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT có điều kiện trải nghiệm thực tiễn sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái để tránh xa những tác động tiêu cực từ các trò chơi, thiết bị điện tử… các thành viên HTX đã đầu tư, quy hoạch 0,5 ha hình thành khu du lịch sinh thái với ao cá, đường hoa, cây cảnh, nhà chòi câu cá…
Hiện, mỗi ngày, HTX thu hút hàng trăm học sinh tham quan, kết hợp với trải nghiệm trồng, chăm sóc, thu hoạch cây rau màu… nhất là trong dịp nghỉ hè. Với định hướng đi đúng cùng sự cố gắng, nỗ lực của các thành viên, năm 2023 HTX Nông nghiệp xanh Phú Cường đạt doanh thu hơn 500 triệu đồng.
“100% sản phẩm của HTX hiện đều là những sản phẩm hữu cơ, trong suốt quá trình sản xuất tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay các chế phẩm độc hại để phòng trừ sâu, bệnh hại vì vậy sản phẩm của HTX luôn được các trường học, cửa hàng thực phẩm, siêu thị đón nhận, tin dùng mặc dù giá cả có thể cao hơn 10-15%”, anh Bùi Xuân Quế nói thêm.
Phát triển bền vững
Có thể thấy nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang có những chuyển biến tích cực, với những đóng góp quan trọng từ các HTX, tổ hợp tác.
Những thành công trên cũng phù hợp với định hướng chuyển tư duy “từ sản xuất nông nghiệp, sang kinh tế nông nghiệp” nhằm khai thác, phát huy tối đa tiềm lực từng địa phương, giúp người nông dân làm chủ cuộc sống, giảm sự phụ thuộc vào khu vực công nghiệp.
Hiện, tỉnh Bắc Ninh đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút nguồn lực để phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, qua đó tạo ra những sản phẩm giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện có hàng trăm cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao tổng diện tích trên dưới 500 ha; trong đó, nhiều cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích trên 154 ha, gần 100 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính với tổng diện tích gần 100 ha, cho thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh dự kiến sẽ có thêm nhiều giải pháp, tập trung thu hút nguồn lực để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, gia tăng giá trị sản phẩm.
Trong đó, tỉnh tập trung quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng tập trung, quy mô lớn phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế của từng vùng. Khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp đứng ra tích tụ bằng các hình thức góp vốn chia theo lợi nhuận, cổ phần để tạo thành vùng hàng hóa tập trung đủ lớn phục vụ cho các chuỗi liên kết, xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như vay vốn ngân hàng, hỗ trợ giống, vật tư, kinh phí thực hiện dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Lệ Chi