Vào những năm 80 của thế kỷ trước, HTX Ánh Hồng và Đông Thành được biết đến là những cơ sở chuyên sản xuất gốm sứ xuất khẩu sang thị trường Liên xô (cũ) và Đông Âu. Tại các HTX này đã xuất hiện nhiều nghệ nhân tài hoa gắn bó tâm huyết với nghề cho đến hôm nay.
HTX đưa sản phẩm gốm sứ xuất ngoại
Năm 1976, ông Nguyễn Hải Đường rời quân ngũ từ chiến trường miền Nam trở về với thương tật ở chân và ảnh hưởng của chất độc da cam. Ông là thương binh hạng 4/4.
Say mê với nghề gốm, ông Đường đăng ký học lớp trung cấp kế toán, rồi xin vào làm việc tại HTX Gốm sứ Đông Thành. Sau nhiều năm gắn bó với HTX, vừa làm vừa học hỏi và đúc rút kinh nghiệm, ông Đường được tín nhiệm bầu giữ các chức vụ quan trọng trong HTX.
Năm 2012, Luật HTX ra đời, HTX Gốm sứ Đông Thành cũng hoạt động theo mô hình mới. Ông Đường trở thành Chủ tịch HĐQT HTX. Từ mô hình ban đầu có 7 thành viên tăng lên 23 thành viên cùng góp vốn sản xuất hoạt động trên quy mô 2ha nhà xưởng. Hiện, HTX có 5 lò hoạt động hết công suất, mỗi tháng tổ chức đốt 4 lần với số lượng từ 2.000 - 3.000 sản phẩm.
Khu trưng bày sản phẩm của HTX Gốm sứ Đông Thành (Ảnh: TL) |
Hiện nay, ngoài các sản phẩm bát, đĩa, chén..., HTX Gốm sứ Đông Thành còn tập trung sản xuất các sản phẩm như chum, vại, ang, chậu hoa, đôn… phục vụ nhu cầu của thị trường. Sản phẩm gốm sứ của HTX đã vươn đến thị trường tại nhiều quốc gia như Pháp, Úc, Nhật, Hàn Quốc...
Trung bình một năm, HTX Gốm sứ Đông Thành có doanh thu đạt 3-4 tỷ đồng, tạo việc làm cho 80 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định 8 triệu đồng/người/tháng.
Những nghệ nhân tâm huyết
Để nghề truyền thống phát triển, không chỉ có ông Đường mà còn nhiều thế hệ khác của HTX cũng “say nghề” không kém.
Theo Nghệ nhân ưu tú Lê Trọng Mỹ, nguyên Phó chủ nhiệm HTX Gốm sứ Đông Thành, dòng gốm sứ Đông Triều độc đáo ở tính chất gốm nặng lửa, nghĩa là có khả năng chịu nhiệt cao lên đến khoảng 1.300 độ C. Sản phẩm làm ra có khả năng chịu va đập tốt, khi vận chuyển có thể xếp chồng lên nhau không cần lót mà vẫn không vỡ. Có được điều đó là nhờ tỉnh Quảng Ninh có nguồn đất sét với hàm lượng nhôm cao và nhiều nguyên liệu để chế tạo ra loại men phù hợp.
Phát triển dòng gốm sứ Đông Triều lên một trình độ cao hơn, nghệ nhân Lê Trọng Mỹ còn chế tác thành những sản phẩm điêu khắc gốm. Đến nay, ông Mỹ đã có một số tác phẩm điêu khắc được trao giải thưởng như: “Mẹ con”, “Mũ rơm đi học”, “Sau giờ trực chiến”... Ông Mỹ cũng có 3 tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Gốm sứ Đông Triều có khả năng chịu nhiệt cao, khoảng 1.300 độ C |
Cũng theo ông Mỹ, muốn có sản phẩm gốm sứ nặng lửa cần phải chế ra loại men có cùng độ chịu nhiệt với đất sét, nếu không sản phẩm sẽ rạn nứt, phồng rộp. Men gốm tạo ra từ đất cao lanh loại 1 có hàm lượng nhôm cao, bột đá cộng với một số nguyên liệu là ô xit gốc sắt để hoà phối và tạo màu. Trước kia, nghệ nhân làng gốm còn đi tìm đất bùn ở cửa sông về phơi khô để chế ra men gốm.
Hiện nay, nguyên liệu làm men bán sẵn tiện lợi hơn nhiều, nhưng gốm mỹ nghệ Đông Triều vẫn có những bí quyết độc đáo ở màu men. Một trong những người nắm giữ bí quyết chế men gốm là Nghệ nhân ưu tú Đặng Đức Thạch, nguyên Phó Chủ nhiệm HTX Ánh Hồng (phường Mạo Khê).
Kế thừa kinh nghiệm làm nghề của nhiều nghệ nhân đi trước, ông Thạch đã pha chế 16 bài men nghệ thuật các loại, như: Men đen, men trắng, men nâu, men xanh các loại, men rạn, men sao, men rêu, phục chế men thời Lý, men ngọc thời Lý, thời Trần và các bài men chảy tổng hợp... Các mẫu sản phẩm của ông Thạch đã đạt trình độ nghệ thuật cao, có giá trị kinh tế và mỹ thuật.
HTX Gốm sứ Đông Thành và Ánh Hồng nói chung, các nghệ nhân làm gốm nói riêng đã trở thành điểm sáng tiêu biểu trong việc giữ gìn và phát huy nghề truyền thống tại tỉnh Quảng Ninh. Đó là những nhân tố tích cực, có nhiều đóng góp quan trọng trong việc khẳng định thương hiệu, uy tín của gốm sứ Đông Triều trên thị trường trong và ngoài nước.
Phương Thảo