"Xứ gốm" Phù Lãng đang rất thành công trong xóa đói, giảm nghèo (Ảnh Tư liệu) |
Điểm sáng An Trạch
An Trạch là một thôn thuần nông, nhiều năm liền tỷ lệ hộ nghèo của thôn thuộc vào hàng cao nhất của xã Phù Lãng nói riêng, toàn huyện Quế Võ nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, các chính sách thúc đẩy kinh tế của thôn đã phát huy tác dụng, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên.
Sau nhiều năm gặp khó khăn, với quyết tâm thoát nghèo, bám đất, bám làng giữ đất mẹ quê cha, 7 hộ dân thôn An Trạch đã thành lập HTX tổng hợp An Thịnh.
Hoạt động theo Luật HTX 2012, HTX nhận được sự quan tâm lớn từ địa phương, đặc biệt trong khâu dồn điền đổi thửa. Đến nay, HTX tập trung được 12,7ha ruộng, chia ra thành 7 trang trại, kinh doanh theo mô hình kinh tế VAC (vườn - ao - chuồng).
Để có vốn hoạt động, thành viên HTX tự nguyện đóng góp được 1 tỷ đồng. Mỗi thành viên cũng đầu tư hàng trăm ngày công để thuê máy đào ao, bê tông hóa bờ vòng, xây dựng hệ thống chuồng trại bằng xi măng, gạch ngói để nuôi lợn, ngan, vịt và thả cá, trồng rau sạch.
Giám đốc HTX Nguyễn Văn Chí cho biết: “Bên cạnh đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, HTX chú trọng đào tạo kỹ thuật cho thành viên, người lao động. Nhờ đó, HTX đã có được thành công đáng kể ngay trong năm đầu tiên thực hiện mô hình”.
Đến nay, hệ thống ao cá mang lại cho HTX nguồn thu 3 - 4 tỷ đồng/năm, mô hình nuôi ngan, vịt thịt có lãi ổn định với mức giá bình quân 60.000 - 70.000 đồng/kg, mô hình chăn nuôi lợn cũng bắt đầu có lãi.
Nhờ sản xuất ổn định, doanh thu của HTX liên tục được nâng lên giúp thu nhập của thành viên HTX được cải thiện. Hiện, lương bình quân của thành viên HTX ở mức 5 – 6 triệu đồng/người/tháng. Vào mùa cao điểm, HTX tạo việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương.
Kể từ năm 2017, HTX phát triển thêm mô hình mới là nuôi cá sấu, tạo thêm nguồn thu nhập ổn định giúp thành viên làm giàu bền vững. Đây là mô hình được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ HTX An Thịnh liên kết với một công ty nuôi cá sấu ở Thái Bình, mua 200 con cá sấu, mỗi con trị giá 1,6 triệu đồng.
Kết quả giảm nghèo ở Phù Lãng có đóng góp lớn của các HTX (Ảnh TL) |
Nông dân bứt lên cùng HTX
Phù Lãng hiện có 3 HTX là HTX An Thịnh, HTX Gốm Tại và HTX Trung Thành. Bên cạnh điểm sáng HTX An Thịnh, 2 HTX còn lại cũng đang hoạt động khá hiệu quả, không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cao cho thành viên mà còn góp phần tích cực vào quá trình xóa đói, giảm nghèo của xã.
HTX sản xuất Gốm Tại là một trong những đơn vị đi đầu trong việc đổi công nghệ sản xuất gốm thủ công truyền thống sang công nghệ mới hiện đại và dần thay thế sức lao động của con người, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện, HTX đang có nền tảng kỹ thuật hiện đại, sử dụng máy nghiền và lọc đất sét nguyên liệu, áp dụng công nghệ cao để tạo sản phẩm gốm tinh xảo, nung đốt sản phẩm bằng lò ga thay thế cho lò đốt than củi, mở ra hướng đi mới trong việc phát triển của làng nghề truyền thống.
Nhờ sản xuất tiên tiến, 100% thành viên HTX Gốm Tại đã vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả, có "của ăn của để".
Theo UBND xã Phù Lãng, bên cạnh chú trọng phát triển HTX, xã cũng đang thúc đẩy nhiều phương án để giúp người dân thoát nghèo, bứt lên làm giàu.
Điển hình, xã luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển ngành nghề sản xuất gốm truyền thống tại làng nghề Phù Lãng, tích cực mở rộng sản xuất gắn với tìm đầu ra cho sản phẩm gốm.
Lực lượng lao động các thôn làm việc tại các khu công nghiệp, tham gia xuất khẩu lao động ngày càng tăng, góp phần tăng thu nhập cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hiện, Phù Lãng có trên 800 lao động làm việc trong khu vực làng nghề sản xuất gốm truyền thống, 1.800 lao động làm việc tại các khu công nghiệp, 30 người đi xuất khẩu lao động, 200 hộ kinh doanh, buôn bán vừa và nhỏ...
Những chính sách phát triển toàn diện giúp tỷ lệ hộ nghèo của xã Phù Lãng liên tục được kéo giảm, còn dưới 5% theo chuẩn mới. Thu nhập bình quân của người dân tăng lên 35 - 40 triệu đồng/người năm.
Nhật Minh