Các hoạt động này không chỉ nhằm mục tiêu hỗ trợ các HTX phát triển bền vững, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng chuỗi giá trị nông sản, mà còn góp phần tích cực vào việc củng cố, xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược quan trọng giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản.
Thị trường tiềm năng
Việt Nam hiện có 110.000 tổ hợp tác (THT), 24.618 HTX, trong đó có 1.580 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, đã và đang sản xuất, chế biến hàng triệu tấn rau củ quả, nông sản mỗi năm, nhưng việc tìm thị trường tiêu thụ ổn định bền vững, nhất là những thị trường lớn, có tiềm năng còn khó khăn. Trong khi đó, theo số liệu thống kê mới nhất từ Liên Hợp Quốc, dân số hiện tại của Nhật Bản là hơn 126.605 nghìn người, chiếm 1,63% dân số thế giới. Nhật Bản đang đứng thứ 11 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ. Dân số đông, nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm sạch của người dân rất lớn và là thị trường tiềm năng để các HTX, doanh nghiệp Việt Nam khai thác, xuất khẩu nông sản.
Nông sản Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới |
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Việt Nam và Nhật Bản là hai nước từ nhiều năm qua đã thiết lập và xây dựng được mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp, không ngừng phát triển. Cả hai nước đều có nhu cầu hợp tác nhằm tận dụng lợi thế bổ sung trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng để chiếm lĩnh và mở rộng thị phần tại thị trường trong nước cũng như các nước tham gia CPTPP
“Việc đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm đi kèm với nâng cao năng lực chế biến, đưa thương hiệu hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam ra thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng là một trong những nhiệm vụ chính của Bộ NN&PTNT đang triển khai nhằm tiếp tục khẳng định vị thế của nông sản Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mở cửa thị trường nông sản”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nông sản Việt Nam đã có mặt tại 200 nước và vùng lãnh thổ, trong đó một số mặt hàng như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, tôm, cá tra… đã chiếm thị phần khá lớn trên thị trường thế giới. Nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng rất cao sau khi thực thi hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Liên minh Kinh tế Á - Âu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết: “Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Mỹ và Trung Quốc) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Hàn Quốc) của Việt Nam. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Nhật Bản đạt 38,52 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt xấp xỉ 19 tỷ USD, nhập khẩu 19,52 tỷ USD, tăng 2,71% so với năm 2018”.
Tăng cường hợp tác, xúc tiến thương mại
Trước thị trường đầy tiềm năng này, tháng 11/2019, Đoàn công tác của Liên minh HTX Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo đã có chuyến thăm và làm việc với một số cơ quan của Nhật Bản và đã xây dựng nhiều chương trình hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển KTTT, HTX nhanh, bền vững.
Cụ thể, Đoàn công tác đã có chuyến thăm và làm việc với Liên đoàn HTX tiêu dùng Nhật Bản (JCCU), Liên minh HTX Nhật Bản (JCA), Tổng cục HTX - Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF), Liên hiệp Trung ương các HTX nông nghiệp Nhật Bản (JA-Zenchu)...
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, thông qua chuyến thăm và làm việc của Đoàn công tác Liên minh HTX Việt Nam, không chỉ thấy được sự phát triển của nông nghiệp, mà còn đúc rút được những kinh nghiệm quý để Việt Nam có thể học tập, triển khai áp dụng vào Việt Nam một cách phù hợp trong thời gian tới.
“Chuyến thăm và làm việc của Liên minh HTX Việt Nam tại Nhật Bản nhằm tăng cường hợp tác, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, trao đổi nông dân và kỹ sư giữa Việt Nam và Nhật Bản. Liên minh HTX Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các HTX, doanh nghiệp muốn đầu tư vào Việt Nam và cùng nhau phối hợp trong các hoạt động quốc tế, đồng thời sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm phát triển HTX tiêu dùng tại Việt Nam”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho biết.
Để khẳng định thêm mối quan hệ hợp tác bền vững giữa Việt Nam - Nhật Bản, ngày 4/2, Đoàn HTX tỉnh Nagakawa đã thăm và làm việc với Liên minh HTX Việt Nam. Tại cuộc làm việc, bà Phạm Thị Hồng Yến – Trưởng ban Quan hệ Quốc tế (QHQT) của Liên minh HTX Việt Nam, khẳng định quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản là quan hệ đối tác chiến lược quan trọng, nên khu vực KTTT, HTX cũng cần phải tiếp tục xây dựng và thúc đẩy cho tương xứng với quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản.
“Mong rằng chúng ta tiếp tục hợp tác chặt chẽ và ngày càng mở rộng hơn trong thời gian tới. Về nguồn lao động, Liên minh HTX Việt Nam sẽ tuyển chọn những nông dân trẻ, tiêu biểu để đào tạo tiếng Nhật, đào tạo kỹ năng, kỹ thuật sản xuất đảm bảo khoa học, sau đó đưa sang làm việc tại một số HTX, đơn vị sản xuất nông nghiệp tại Nhật Bản để họ đảm bảo làm việc tốt và ổn định thu nhập. Phía Việt Nam cũng mong muốn các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, đặc sản của HTX hai nước được thông thương thông qua xúc tiến thương mại và đầu tư giữa hai nước để nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu”, bà Yến chia sẻ.
Ông Yanagishita Kenichi, Chủ tịch HTX tỉnh Nagakawa cho biết, Chính phủ Nhật Bản hiện đã có chính sách về lao động nhập cư tại Nhật Bản, nên các HTX cũng tuân thủ quy định này. Tuy nhiên, có một số HTX nuôi gà ở Nagakawa rất cần lao động đến làm việc, nên Liên đoàn sẽ có đề xuất cụ thể để có thể tuyển chọn lao động là người Việt Nam sang làm việc. Về hoạt động xúc tiến thương mại nông sản giữa hai nước, thời gian qua, Nhật Bản luôn tạo điều kiện để hàng hóa nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường tiêu thụ tại Nhật Bản. Minh chứng là năm 2019, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt xấp xỉ 19 tỷ USD, gần tương đương với kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Việt Nam.
“Thời gian tới, Nagakawa sẽ từng bước có kiến nghị với Chính phủ để có điều chỉnh cho phù hợp, đồng thời mong muốn nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản phải thực sự đảm bảo chất lượng, an toàn và đúng quy chuẩn”, ông Yanagishita Kenichi nhấn mạnh.
Phạm Duy