Giống nếp Hương Bàu có mùi thơm, dẻo, dùng để làm nhiều loại bánh như bánh tét, bánh chưng vào các dịp lễ tết. Loại nếp này là đặc sản riêng có của các xã cánh đông Thăng Bình.
Giống nếp quý trở lại
Có thời gian hạt nếp này bị mai một vì quá trình thu hoạch cũng khó khăn bởi không thể đưa máy móc vào ruộng, thân cây nếp lại rất dai, khó cắt và thu hoạch tốn nhiều công lao động chỉ còn vài hộ trong thôn sản xuất.
Giống nếp Hương Bàu đã được huyện Thăng Bình khôi phục (Ảnh: TL) |
Theo ông Nguyễn Văn Tự (67 tuổi thôn Bình Khương), diện tích trồng nếp Hương Bàu rất hạn chế, mỗi năm gia đình ông chỉ sản xuất 200m2 diện tích giống nếp quý này rồi cất giữ cẩn thận để bán vào dịp Tết Nguyên đán. Vì giá thời điểm lúc đó lên đến 30.000 đồng/kg gạo nếp.
Vừa qua, Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình đã trồng thử nghiệm giống nếp hương bàu khoảng 10ha tại thôn Bình Khương (Bình Giang) và thôn Vân Tiên (Bình Đào).Toàn bộ giống nếp được sản xuất trên chân đất cát và đất bùn pha cát, đảm bảo nước tưới và được gieo cấy theo hàng.
Qua một thời gian gieo trồng cho thấy, nếp Hương Bàu có thời gian sinh trưởng dao động 130 - 135 ngày, đẻ nhánh khỏe, dạng hạt tròn có màu vàng sáng. Khi hạt đủ độ chín có mùi thơm đặc trưng, cơm dẻo, khả năng chịu úng khá, đặc biệt thích nghi trên nhiều chân đất khác nhau.
Theo ông Lê Văn Để - Giám đốc Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình, qua trồng thử nghiệm tại 2 địa phương Bình Đào và Bình Giang thì năng suất nếp ở xã Bình Đào cao hơn với khoảng 2 tạ/sào. Hiện giá bán nếp thịt 10.000 đồng/kg.
“Xu hướng của huyện Thăng Bình trong thời gian tới là nhân rộng giống nếp hương bàu ra toàn bộ khu vực các xã cánh đông của huyện. Bởi huyện muốn giữ lại giống nếp quý truyền thống để tạo nên đặc sản quê hương. Hiện trung tâm cũng đang tiến hành nghiên cứu mẫu mã, đăng ký sản phẩm độc quyền. Đây cũng là một trong loại giống nếp đưa vào chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện Thăng Bình” - ông Để cho biết thêm
Hướng tới đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh
Theo ông Phan Văn Phát - Chủ tịch UBND xã Tiên An, hạt nếp cái Hương Bàu thơm ngon, có độ dẻo cao, hương thơm đặc trưng, được sử dụng để làm các loại xôi, bánh vốn yêu cầu độ dẻo, trong khi các loại nếp khác không đáp ứng được nên giống nếp quê này rất được ưa chuộng.
Hạt nếp cái hương bầu thơm ngon, có độ dẻo cao, hương thơm đặc trưng, được sử dụng để làm các loại xôi, bánh vốn yêu cầu độ dẻo (Ảnh: TL) |
Sau khi cây nếp cái Hương Bàu được phục tráng giống thành công, xã Tiên An đã thành lập 2 nhóm hộ chuyên trồng nếp.
Bên cạnh đó, HTX nông nghiệp Tiên An sẽ mở rộng liên kết với nông dân một số xã dọc ven sông Trường Giang của huyện Thăng Bình để khuyến khích người dân vừa sản xuất lại giống nếp truyền thống của quê hương, vừa kết hợp với du lịch trải nghiệm đồng quê. Qua đó góp phần tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao được thu nhập cho các hộ dân.
“Để bà con yên tâm canh tác, HTX Nông nghiệp Tiên An hiện thu mua cho bà con mỗi ký nếp hạt với giá 30.000 đồng, toàn bộ sản phẩm bà con làm ra được HTX bao tiêu hết” - ông Phát cho biết thêm.
Theo Ban lãnh đạo HTX Nông nghiệp Tiên An, hiện cả xã hiện có 3ha trồng nếp, cho ra 2 tấn nếp, toàn bộ được phơi sấy, xay xát, đóng gói đưa ra thị trường tiêu thụ. Thời gian tới xã sẽ mở rộng diện tích trồng nếp để mở rộng thị trường.
Sản phẩm "Nếp cái hương bàu" đã được chấm 3 sao cấp huyện và đã tham gia cuộc thi OCOP cấp tỉnh. Mặc dù hiện nay vẫn chưa có nhiều sản phẩm được tạo ra từ loại nếp quê, song việc phục hồi vùng trồng nếp, gìn giữ đặc sản quê cũng là tín hiệu đáng mừng trên đất Tiên An.
Nhật Nam