Chị Võ Thị Chút sinh ra và lớn lên ở miền quê sơn cước, vùng trung du miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam. Sau khi tham gia lớp tập huấn marketing do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức, ý tưởng kinh doanh trong chị nhen nhóm hình thành.
Cơ duyên đến với nghề làm bột quế
Mặc dù ban đầu khởi nghiệp bằng nghề nuôi heo theo mô hình chăn nuôi sạch, nhưng sau một lần tham gia lớp tập huấn kỹ năng phát triển kinh tế do các cấp Hội LHPN tổ chức. Cơ duyên với cây quế đã tìm tới, chị Chút gặp hai người phụ nữ là chủ các cơ sở sản xuất nhang lớn đang có nhu cầu tìm nguồn nguyên liệu từ bột lá cây quế.
Chị Võ Thị Chút chính là tấm gương điển hình của người phụ nữ vươn lên (Ảnh: TL) |
Ngay lập tức trong đầu chị nảy sinh ý tưởng thành lập cơ sở sản xuất bột quế để cung cấp cho các cơ sở làm nhang. Nói là làm, chị Chút tự mày mò tìm hiểu thông tin về cách chế biến cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm bột quế nói chung và bột quế làm từ lá của cây quế nói riêng.
Trong một lần được tham gia hoạt động “Ngày phụ nữ sáng tạo”, do Hội LHPN tỉnh tổ chức, nghe được câu chuyện về cách làm hương trầm của hai người phụ nữ đến từ huyện Thăng Bình. Chị bảo, lúc đó mình như “hạn hán gặp trời mưa”, mừng quá tranh thủ giờ giải lao tìm gặp, tiếp cận nói chuyện, hỏi địa chỉ, xin số điện thoại của hai chị.
"Vậy là cơ hội đầu ra cho sản phẩm bột quế xem như sắp chạm đến thành công. Tôi về nhà, vài ngày sau cùng với con trai mang bột quế đi Thăng Bình tìm gặp hai chị, sản phẩm được chấp nhận”, chị Chút chia sẻ.
Từ việc tích góp được số vốn 50 triệu đồng từ chăn nuôi heo và vay Ngân hàng Chính sách xã hội 150 triệu đồng. Mượn người thân, bà con và bạn bè thêm được gần 200 triệu đồng, chị lại bắt tay vào một hướng đi mới
Nhờ chăm chỉ làm ăn, chỉ sau 2 năm, gia đình chị Chút đã hoàn trả được hơn 400 triệu đồng vốn vay ban đầu từ các ngân hàng và của người thân trong gia đình. Từ chỗ mỗi ngày xưởng chỉ sản xuất khoảng 3 tạ bột lá quế đến nay đã nâng công suất lên hơn 1,5 tấn.
Đáng nói, xưởng sản xuất của chị Chút còn giải quyết việc làm cho 6 lao động trực tiếp, hàng chục lao động thời vụ tại xưởng và hàng trăm chị em phụ nữ làm công việc thu gom lá quế ngay trên mảnh vườn của mình mà trước đây thường bỏ đi.
Hiện, đã có hơn 20 cơ sở lớn, nhỏ liên kết kinh doanh với chị, đặc biệt có sáu cơ sở lớn: Bình Định, Quảng Ngãi, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế và Đà Nẵng.
Góp phần xóa đói giảm nghèo
Từ những thành công bước đầu, chị Chút bắt đầu mở rộng địa bàn thu mua nhánh và lá quế tại các huyện Quế Sơn, Hiệp Đức và Phước Sơn... Theo đó, THT kinh doanh các sản phẩm từ quế được thành lập với năm thành viên và chị Chút là Tổ trưởng THT.
Lá quế được chọn lựa đạt chuẩn rồi mang đi sản xuất (Ảnh: TL) |
Sự ra đời của THT đã tạo thêm sức mạnh liên kết, chia sẻ thông tin thị trường và giá cả đầu ra ổn định cho sản phẩm. Lúc đầu, THT sản xuất từ 15-30 tấn/năm, nhưng đến nay, mỗi năm, THT sản xuất được khoảng 400 tấn bột quế và 50 tấn quế chi (phiến) làm thuốc bắc và quế vỏ.
Lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tiên Mỹ cho biết, vệc thu gom lá quế diễn ra từ tháng 2 đến tháng 9, công việc này tạo thu nhập thêm cho nhiều chị em phụ nữ lúc nông nhàn với mức thu nhập mỗi ngày hơn 150.000 đồng/ người.
Những chị em phụ nữ làm việc trực tiếp tại cơ sở bột lá quế của chị Chút trước đây đa phần thuộc diện hộ nghèo nhưng hiện nay với mức lương ổn định tại xưởng gần 5 triệu đồng/ người/ tháng nhiều chị em đã vươn lên thoát nghèo.
Ngoài ra, nhiều năm nay chị Chút còn giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn luân phiên canh tác trên diện tích hơn 2.500 m2 đất trồng lúa và 1.500 m2 đất đồi của gia đình mình mà không hề nhận một đồng tiền thuê.
Làm công việc đứng máy xay lá quế tại xưởng được 3 năm, chị Hồ Thị Loan ở thôn 5, xã Tiên Mỹ cho biết, nhờ có công việc ở gần nhà ổn định nên chị không còn phải đi xa làm thuê như trước đây nữa.
Chị Chút còn giúp tạo vốn cho gia đình chị mua hai con bò cái hiện đang cho sinh sản nên thu nhập của gia đình hiện nay được cải thiện nhiều đảm bảo nuôi cho 3 con ăn học. Gia đình chị cũng đã xin ra diện hộ nghèo.
Từ những hiệu quả mà mô hình sản xuất bột lá quế của chị Chút mang lại, Chị Chút chính là một trong những tấm gương điển hình của người phụ nữ giàu nghị lực, thắp sáng niềm tin cho biết bao phụ nữ khác trong con đường đi tìm thành công cho chính bản thân.
Không những vậy còn làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người dân nơi đây về giá trị của cây quế và việc cần bảo tồn, phát triển giống quế quý đặc trưng của vùng đất xứ Tiên.
Nguyễn Đan