Sản phẩm trầm hương của vùng sông Tiên không chỉ là nguồn nguyên liệu dồi dào cung ứng cho làng trầm cảnh mỹ nghệ Trung Phước (Nông Sơn), mà còn được chế tác thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng có giá trị cao, đã được xuất sang các thị trường Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc…
"Thủ phủ" cây dó bầu
Tiên Phước là xứ sở của cây dó bầu hương - loại cây được cho là tạo trầm tốt nhất. Hơn 20 năm qua, nghề trồng dó bầu, khoan cấy ghép trầm đã từng bước phát triển trên địa bàn huyện.
Tiên Phước được mệnh danh là "thủ phủ" của cây dó bầu (Ảnh: TL) |
Doanh thu của ngành sản xuất trầm hương, trầm cảnh mỗi năm khoảng 160 tỷ đồng, lợi nhuận thu được 30 tỷ đồng. Nghề sản xuất trầm hương, trầm cảnh cũng đã giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động tại địa phương, với thu nhập bình quân mỗi tháng từ 4,5 - 5 triệu đồng/người, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trồng cây dó bầu.
Đến nay, diện tích trồng dó bầu tại Tiên Phước không ngừng phát triển, ước tính lên tới 420 ha với hàng trăm hộ ươm và trồng dó thành công. Toàn huyện hiện có 200 công ty, tổ hợp tác và HTX chế tác trầm hoạt động, phần lớn đều "ăn nên làm ra".
Nhận thấy ưu thế và giá trị thương hiệu trầm hương đem lại, thời gian qua, huyện Tiên Phước đã triển khai hoạt động xúc tiến quảng bá sản phẩm. Từ nguồn khuyến công, địa phương đã hỗ trợ, tạo điều kiện để các cơ sở, doanh nghiệp trầm hương tham gia gian hàng trưng bày tại các kỳ hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước.
Không chỉ hỗ trợ, đào tạo nâng cao tay nghề cho nghệ nhân, huyện cũng hướng tới hỗ trợ xây dựng website, showroom trưng bày sản phẩm trầm hương, trầm cảnh bên cạnh một số đặc sản khác của Tiên Phước, đăng ký nhãn hiệu tập thể nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Trong chiến lược phát triển chuỗi giá trị trầm hương, việc ứng dụng công nghệ vào khâu sản xuất, chế tác sản phẩm là rất quan trọng nhằm cải tiến sản xuất.
Theo ông Hoàng Văn Trưởng, Chủ tịch Hội trầm hương Quảng Nam: "Làm ăn hiện đại hơn thì phải biết cách tận dụng phụ phẩm từ cây dó bầu, vừa tránh ô nhiễm môi trường vừa tránh thất thoát một lượng lớn tinh dầu".
Hiện nay, do không đủ vốn để đổi mới kỹ thuật, mở rộng sản xuất, sản phẩm của nhiều cơ sở chỉ dừng lại ở mức thủ công, còn đơn điệu, độ tinh xảo, tính đa dạng và sức cạnh tranh còn yếu.
Bên cạnh đó, đã có một số cơ sở chủ động ứng dụng công nghệ, thiết bị chiết xuất tinh dầu trầm, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng và đạt được những kết quả bước đầu.
Đầu tư công nghệ gắn bảo vệ môi trường
Với mong muốn tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương để phát triển sản xuất, HTX Tân Tiến Phong (xã Tiên Phong) đã đầu tư máy móc sản xuất hương quế, hương trầm bảo đảm chất lượng.
Nghề sản xuất trầm hương, trầm cảnh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Tiên Phước, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương (Ảnh: TL) |
Trong quá trình sản xuất, HTX chỉ sử dụng những nguyên liệu từ thiên nhiên, không ngâm tẩm hóa chất để bảo đảm sức khỏe con người và hạn chế ô nhiễm môi trường không khí.
Qua đó, HTX đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động, với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi tháng, HTX sản xuất khoảng 5 tạ hương quế, 1 tạ hương trầm với các sản phẩm chính là hương nụ, hương vòng, hương cây.
Còn ở HTX Nhật Linh, với nỗ lực tìm hướng đi mới và khác biệt, tạo dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ trầm hương nhân tạo được can thiệp bằng giải pháp tự nhiên, không có hóa chất, an toàn đối với sức khỏe con người để xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.
Hiện nay, HTX Nhật Linh đang huy động nguồn lực đầu tư xây dựng xưởng sản xuất chế biến trầm hương, trầm mỹ nghệ, hương trầm, hương quế, phụ kiện trang trí nội thất xe ô tô bằng nguyên liệu trầm hương thô Tiên Phước và tạo sản phẩm xuất khẩu.
Thời gian tới, HTX hướng tới xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lẫn tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm cho chủ rừng với điều kiện người trồng tuân thủ theo kỹ thuật với HTX.
Đáng chú ý là mô hình của HTX Trầm hương Tiên Phước (thị trấn Tiên Kỳ). Với mẫu mã đa dạng phong phú, các kiểu họa tiết đẹp mắt, hàm chứa nhiều ý nghĩa nhân sinh, chiếc vòng trầm mang thương hiệu của HTX Trầm hương Tiên Phước không chỉ được ưa chuộng ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang Trung Quốc và các quốc gia Đông Á.
Vừa qua, sản phẩm Hương trầm (Hương nụ) của HTX đã đạt hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh và vòng đeo tay từ trầm hương đạt hạng 4 sao OCOP cấp tỉnh.
Hy vọng rằng, từ những thành công của các HTX trong việc đầu tư phát triển nghề trầm sẽ mở ra hướng nâng cao chất lượng trầm, góp phần nâng tầm thương hiệu trầm hương vươn xa hơn nữa.
Ngọc Giang