Theo số liệu của Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn, đến nay, toàn tỉnh có 173 HTX nông nghiệp (trong đó có 160 HTX nông, lâm nghiệp, 13 HTX thủy sản) tăng hơn 2 lần so với năm 2016. Không chỉ tăng về số lượng, nhiều HTX nông nghiệp còn đóng vai trò quan trọng trong đổi mới hình thức tổ chức sản xuất.
"Bà đỡ" cho nông dân
Tính đến thời điểm hiện tại, một số hộ dân ở xã Cai Kinh (huyện Hữu Lũng) đang hoàn thành nốt việc thu hoạch khoai tây. Nếu như ở một số nơi, sau thu hoạch, người dân loay hoay tìm hướng tiêu thụ thì ở Cai Kinh, tất cả sản phẩm của bà con được bao tiêu toàn bộ.
Lý do là bởi, hầu hết người trồng khoai tây ở đây đều tham gia vào HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông – lâm nghiệp xã Cai Kinh. Theo ông Trần Ngọc Oánh - Giám đốc HTX, trong vụ khoai này, 49 thành viên của HTX tham gia trồng 10ha, đã thu hoạch hơn 90%. Đối với giá khoai tây trắng vẫn duy trì được mức giá 6.700 đồng/kg như mọi năm, còn khoai tây vàng có giá cao hơn. Trừ hết chi phí, người dân thu lãi 1,7-2 triệu đồng/sào khoai tây.
Nhìn vào đây có thể thấy được vai trò "bà đỡ" rõ nét của HTX khi không chỉ giúp đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần giúp xã Cai Kinh hoàn thành tiêu chí số 13, qua đó hết năm 2019, xã Cai Kinh đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).
Khoai tây ở Cai Kinh luôn được đảm bảo nguồn tiêu thụ từ HTX (Ảnh: TL) |
Tương tự, sự ra đời và đi vào hoạt động của HTX Thiên Phú (xã Cường Lợi, huyện Đình Lập) cũng tạo chuyển biến rõ nét trong phát triển sản xuất cho nhiều hộ dân trong xã.
Bà Hoàng Thị Hùng, Giám đốc HTX cho biết, từ xưa đến nay, kinh tế của nhiều hộ dân trong xã Cường Lợi chủ yếu đến từ việc khai thác nhựa thông nhưng đầu ra tiêu thụ không đều dẫ đến thu nhập của bà con khá bấp bênh.
Nhận thức được những khó khăn này, để giúp đỡ bà con trong xã, HTX Thiên Phú đã tìm kiếm thị trường và tổ chức thu mua với giá bằng hoặc có thời điểm cao hơn giá thị trường. Hiện nay, HTX bao tiêu sản phẩm nhựa thông cho bà con thôn Quang Hòa, thôn Nà Van xã với diện tích khoảng 500 ha. Không chỉ vậy, HTX còn mở rộng thị trường khai thác, thu mua sang khu vực các tỉnh Tây Bắc như: Yên Bái 700 ha, Sơn La 200 ha và thu mua tại các tỉnh miền Trung như: Nghệ An, Hà Tĩnh…
Đặc biệt, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, năm 2017, HTX đã trồng hơn 100 ha thông tại thôn Quang Hòa, tạo việc làm mùa vụ cho khoảng 200 lao động với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM trên địa bàn xã Cường Lợi.
Hiệu ứng tích cực
Bên cạnh những mô hình điển hình kể trên, trong những năm qua, việc thành lập và đi vào hoạt động của nhiều HTX nông nghiệp trong tỉnh Lạng Sơn đã góp phần quan trọng vào việc đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập và hoàn thành tiêu chí 13 trong xây dựng NTM.
Không chỉ trồng thông, HTX Thiên Phú còn trồng nhiều loại cây có hiệu quả kinh tế cao như Sachi (Ảnh: TL) |
Thông tin về công tác xây dựng nông thôn mới gắn với HTX, ông Vy Kim Truyền - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, với vai trò thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Lạng Sơn, Liên minh HTX tỉnh đã chủ động phối hợp, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới HTX tại các xã trong lộ trình đạt chuẩn NTM. Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, đào tạo, tập huấn, Liên minh HTX tỉnh còn có các giải pháp hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp như vốn vay ưu đãi, hỗ trợ xúc tiến thương mại…
Đồng thời, để hỗ trợ các HTX ở các xã đã đạt chuẩn và phấn đấu đạt chuẩn NTM, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình xây dựng NTM, giai đoạn 2010-2019, tỉnh đã hỗ trợ trên 117 tỷ đồng cho các xã và các xã đã lựa chọn hỗ trợ cho các HTX, tổ hợp tác tham gia thực hiện các dự án phát triển sản xuất.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 173 HTX nông nghiệp, doanh thu bình quân đạt 430 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân từ 3,5-4 triệu đồng/lao động/tháng, tăng gần 1 triệu đồng/người/tháng so với năm 2016. Toàn tỉnh đã có 111 xã đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất.
Nhìn chung, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đều là các mô hình kinh tế xuất phát từ lợi ích của người nông dân, bởi hầu hết thành viên HTX đều là các hộ nghèo, cận nghèo. HTX đã góp phần giải quyết việc làm, từng bước giúp các hộ dân làm quen với hình thức liên kết sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế.
Trước đó, tại một cuộc kiểm tra thực tế, ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các HTX trong việc triển khai các mô hình sản xuất. Tuy nhiên, nhiều khó khăn vẫn còn trước mắt, ông Thiệu yêu cầu các HTX nêu cao hơn tính chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để tháo gỡ, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động.
Minh Khuê