Số liệu của Trung tâm chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho thấy, khối lượng và giá trị xuất khẩu chè tháng 3/2024 đạt 10.000 tấn và 16 triệu USD, lũy kế 3 tháng đầu năm đạt 28.000 tấn và 45 triệu USD, lần lượt tăng 30% và tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Mới có 8.000ha chè hữu cơ
Đóng góp vào những con số này là công sức của không ít HTX sản xuất chè trên cả nước đang đẩy mạnh mở rộng vùng nguyên liệu, đạt chứng chỉ sản xuất hữu cơ, liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra, xuất khẩu.
Bà Trần Thị Bình, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Thành Đạt (Phú Lương, Thái Nguyên) cho biết HTX đang sản xuất chè hữu cơ, tuy nhiên các thành viên HTX rất muốn nhận được sự hỗ trợ để nâng cao chất lượng, mở rộng đầu ra, nhất là trong xuất khẩu để phát triển mô hình HTX do phụ nữ làm chủ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.
Điều mà Giám đốc HTX Thành Đạt mong muốn cũng là suy tư, trăn trở của không ít chuyên gia, doanh nghiệp. Tại buổi tìm hiểu về thị trường Úc tổ chức ngày 2/5, GS. TS Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Nông nghiệp hữu cơ Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, thông tin Việt Nam đang có diện tích chè trên 100.000ha nhưng giá xuất khẩu chỉ 1,6 USD/kg là rất thấp.
Đặc biệt, diện tích chè hữu cơ Việt Nam hiện khá khiêm tốn với khoảng 8.000ha, chỉ chiếm 6% diện tích chè trên cả nước. Ngay Thái Nguyên dù có diện tích chè lớn gần 23.000ha nhưng cũng mới có 100ha chè hữu cơ được chứng nhận. Đặc biệt, diện tích chè Việt Nam đạt chứng nhận hữu cơ EU hiện cũng chưa lớn, chỉ 2.500ha.
Trong khi đó, để xuất khẩu chè sang các thị trường "khó tính", trong đó có thị trường Úc, việc các HTX phải đạt các tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ, thậm chí là chứng nhận hữu cơ quốc tế là rất cần thiết bởi đây là một trong những thị trường yêu cầu rất chặt chẽ về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông David Lyons, Chủ tịch kiêm Giám đốc sáng lập Hiệp hội văn hóa Trà Úc, cho biết vấn đề nhập khẩu hàng hóa vào Úc rất khó, nhất là sản phẩm nông nghiệp vì người Úc có tính bảo vệ an toàn sinh học cao. Các cơ quan chức năng kiểm tra gắt gao các giấy tờ, chứng nhận liên quan. Trà dù là một trong những mặt hàng có độ rủi ro thấp về an toàn sinh học nhưng điều này vẫn có thể xảy ra với những đơn vị sản xuất của Việt Nam nếu như cơ quan chức năng Úc kiểm tra và thấy các chất gây hại cho sức khỏe và môi trường.
Chè đang là cây trồng chủ lực của nhiều HTX. |
Ông Phạm Văn Tiến, HTX Trà Cao Sơn (Thái Nguyên) chia sẻ, đầu ra vẫn là khó khăn đối với HTX sản xuất chè hữu cơ. Đi liền với đó là nâng cao kỹ năng sản xuất cho người dân, thành viên trong HTX.
Một khó khăn nữa mà các HTX trồng chè đang gặp phải đó là dù liên kết người dân để sản xuất nhưng thực chất nhiều HTX vẫn là những nhà sản xuất nhỏ nên gặp không ít khó khăn trong đầu tư, liên kết khi xuất khẩu chè ra thị trường nước ngoài.
Theo các chuyên gia, dù đã có nhiều HTX liên kết với doanh nghiệp, người dân phát triển vùng chè nguyên liệu đạt chứng nhận nhưng vẫn còn tình trạng các nhà sản xuất khó có thể thu gom được 100.000 - 200.000 tấn chè/năm để cung cấp ra thị trường, phục vụ xuất khẩu.
Trong khi đó, biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ khiến những vùng chè, đặc biệt là vùng chè cổ thụ mất 60-70% sản lượng, lá hóa gỗ nhanh, thời gian thu hái lá ngắn, thậm chí cây chè có thể chết rất nhanh.
Tăng cạnh tranh từ thương hiệu, bao bì
Hiện nay, Việt Nam vẫn xếp thứ 5 về xuất khẩu chè trên thế giới nhưng có một thực tế là chè Việt hiện chủ yếu xuất thô, sản phẩm chưa thực sự đặc sắc nên rất khó cạnh tranh. Điều này khiến những người trồng chè, những HTX sản xuất chè chưa thực sự thu được giá trị kinh tế lớn từ loại cây trồng này.
Tiêu biểu như trà Ô long hữu cơ của vùng núi cao Việt Nam được đánh giá là có màu sắc rất ưa nhìn, mùi thơm rất lạ. Tuy nhiên, có một thực tế đó là ở Úc hiện nay cũng có nhiều trà Ô long từ Trung Quốc, SriLanka… nhưng sản phẩm của các nước này có tính nhận diện cao hơn so với sản phẩm trà Ô long của Việt Nam.
Theo ông David Lyons, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ trà cần được các đơn vị sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam lưu ý nếu muốn xuất khẩu vào Úc. Bởi tại đây, các thương hiệu chè lớn như Bushells, Lan Choo, Nerada, Billy và T2 được người Úc coi là thương hiệu mang tính biểu tượng. Tên thương hiệu có ý nghĩa văn hóa hoặc lịch sử đối với người tiêu dùng.
“Việc xây dựng và tiếp thị thương hiệu có vai trò quan trọng. Người tiêu dùng Úc mua các loại trà từ những thương hiệu này bởi vì bà, mẹ của họ đã mua hay những thương hiệu này dễ nhớ, thân thiện từ đó giúp các thương hiệu thu hút được lượng khách hàng thân thiết lớn”, Chủ tịch kiêm Giám đốc sáng lập Hiệp hội văn hóa Trà Úc chia sẻ.
Ngoài ra, việc tìm hiểu, đóng gói bao bì phù hợp với thị trường hướng đến cũng cần được quan tâm. Và muốn làm được điều này, các đơn vị sản xuất trà Việt Nam nên mua những sản phẩm trà từ Úc để học hỏi. Bao bì không chỉ dừng ở việc có thêm tiếng Anh mà phải có sự đầu tư nghiên cứu chuyên sâu.
Có một điều mà các HTX, doanh nghiệp cần quan tâm đó là thị phần mà ngành siêu thị tại Úc đang kiểm soát thị trường, sản phẩm trà cũng đang chịu sự độc quyền của chuỗi siêu thị. Các siêu thị thường đánh dấu sản phẩm trà giảm giá để thu hút người mua. Việc giảm giá xuất phát từ biên lợi nhuận mỏng từ dòng trà, từ đó gây ảnh hưởng đến doanh thu của đơn vị xuất khẩu. Điều này cho thấy siêu thị là một phân khúc rất khó tham gia ở Úc nếu như các HTX, doanh nghiệp Việt không có sự hỗ trợ của các chuyên gia.
Không những vậy, mảng bán lẻ trà đặc sản tại Úc cũng thu hút hàng trăm nhà bán lẻ trực tuyến với quy mô khác nhau. Trong khi trà đặc sản của Việt Nam vẫn bị lép vế so với trà đặc sản của Ấn Độ, SriLanka tại Úc do bao bì không nổi bật, sản phẩm chưa có thương hiệu...
Từ đây có thể thấy, áp lực cạnh tranh trong đưa hàng vào thị trường Úc là không hề nhỏ. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, việc tìm ra điểm mạnh, sự khác biệt của sản phẩm cũng như đẩy mạnh chế biến các sản phẩm như trà sữa ít đường, trà có bọt, trà đóng chai… theo quy trình bảo đảm sức khỏe và phù hợp với xu hướng hạn chế đồ uống có cồn sẽ giúp các HTX mở rộng đầu ra cũng như thuận lợi trong thâm nhập thị trường Úc.
Ông Thân Dy Ngữ, Công ty TNHH Hiệp Thành, khuyến nghị việc lập nhóm nhà sản xuất nhỏ như các HTX, tổ hợp tác và các doanh nghiệp liên kết lại để cùng với nhau tập hợp được sản lượng trà đa dạng đủ lớn để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu là cần thiết.
Điều này có thể thấy được từ thành công của HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà (Lào Cai). Là một đơn vị xuất khẩu chè vào nhiều thị trường khó tính, HTX này đang liên kết với doanh nghiệp phát triển mạnh vùng chè hữu cơ từ vườn ươm, quy trình trồng, tận dụng phế thải ủ phân… HTX khuyến khích thành viên ứng dụng quy trình sản xuất, chú trọng xây dựng thương hiệu ngay từ khi bắt tay vào sản xuất. Đến nay, thành viên HTX luôn tự hào về thương hiệu vùng chè của mình thay vì thương hiệu cá nhân lẻ tẻ. Hiện, 95% sản lượng chè của HTX Bắc Hà được xuất khẩu đến thị trường 40 nước, qua đó giúp người dân gắn bó với cây chè.
Huyền Trang