TS. Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT) cho biết: Hiện nay, nhiều thị trường ngày càng khắt khe hơn về hàng rào kỹ thuật khi yêu cầu các vùng trồng và cơ sở đóng gói phải được giám sát chặt chẽ và được cấp mã số định kỳ.
Chưa tận dụng được lợi thế
Tuy nhiên vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số vùng trồng đã đề xuất. Điều này làm ảnh hưởng đến uy tín của chính loại nông sản đó cũng như uy tín của hàng Việt Nam.
Đáng chú ý, đối với các thị trường được cho là khó tính thì các HTX, doanh nghiệp lại làm khá tốt quy trình xuất khẩu, ngược lại như thị trường Trung Quốc, tỷ lệ vi phạm quy định rất nhiều. Phía Trung Quốc thường xuyên đưa ra cảnh báo đối với những đơn hàng mà phía Việt Nam đã xuất trong các hội nghị chuyên ngành giữa hai quốc gia.
Theo bà Hiền, Trung Quốc là thị trường vô cùng tiềm năng đối với nông sản Việt Nam. Nước này ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt hình thức biên mậu. Trung Quốc cũng tăng cường giám sát, yêu cầu bên xuất khẩu khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Điều này không phải không có cơ sở, bởi trong quá trình xuất khẩu, phía doanh nghiệp Trung Quốc đã phản ánh trong lô hàng vẫn có quả sầu riêng xanh, chưa đến độ thu hoạch. Hay trong lô hàng xuất sang Côn Minh (Trung Quốc), bị phát hiện có "gian lận thương mại" về mã vùng trồng.
Rõ ràng, chất lượng quả sầu riêng hiện vẫn chưa ổn định. Chính vì vậy mà giá sầu riêng của Việt Nam chỉ bằng 1/3 giá sầu riêng của Thái Lan.
Không chỉ thị trường Trung Quốc, các chuyên gia cũng cho rằng, các thị trường cao cấp như EU, Nhật Bản, Mỹ sắp tới sẽ áp dụng các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững, tiêu chuẩn cộng đồng… Chỉ tính trong lĩnh vực thủy sản, EU đã đặt ra những yêu cầu rất cụ thể buộc các nước xuất khẩu phải đáp ứng. Ngay như mắt lưới, thời gian đánh bắt thủy sản cũng có yêu cầu rõ ràng để tránh hủy diệt nguồn lợi thủy hải sản. Thậm chí HTX, doanh nghiệp đánh bắt thủy sản phải ghi rõ ngày đánh bắt, ngày cấp đông, xuất khẩu để thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc.
Khắt khe là vậy, nhưng thực tế tiềm năng từ các thị trường xuất khẩu là không hề nhỏ. Ngay như đối với quả sầu riêng, sau khi ký chính thức nghị định thư, các doanh nghiệp đăng ký nhu cầu xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc lên tới 1,3 triệu tấn/năm, gấp đôi khả năng cung ứng (sản lượng 670.000 tấn/năm) của Việt Nam hiện nay. Và theo Cục Bảo vệ thực vật, chỉ từ tháng 9 tới nay, đã có khoảng 30.000 tấn sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Chỉ khi mối liên kết giữa HTX và doanh nghiệp chặt chẽ hơn thì nông sản Việt Nam mới tiến xa bền vững hơn. |
Từ đây có thể thấy, nhu cầu về mặt hàng sầu riêng của Trung Quốc là không hề nhỏ. Điều này giúp các HTX, doanh nghiệp xuất khẩu cũng gia tăng được doanh thu so với tiêu thụ nhỏ lẻ trong nước hay xuất khẩu tiểu ngạch như trước đây.
Nhìn xa hơn, giá sầu riêng khi vào thời điểm mùa Đông ở Bắc Kinh (Trung Quốc) có khi lên đến 600 -800 nhân dân tệ/kg (loại ngon), tương đương 2 -2, 8 triệu VNĐ/kg. Trong khi theo các nhà xuất khẩu, sầu riêng của Việt Nam hiện mới có ở các sạp hàng ở một số tỉnh phía Nam Trung Quốc, chưa đủ hàng để vào thành phố Thương Hải, Bắc Kinh. Trong khi đây là hai địa phương có dân số đông, nhu cầu lớn về loại quả này. Nếu có mặt ở đây, giá sầu riêng của Việt Nam có thể cao hơn, từ đó giúp HTX, doanh nghiệp xuất khẩu lãi nhiều hơn.
Đó là chưa kể, so với Thái Lan, Việt Nam cũng có lợi thế về điều kiện khí hậu, vị trí địa lý tiếp giáp nên việc vận chuyển sầu riêng tươi sang Trung Quốc sẽ nhanh hơn Thái Lan 1 ngày. Ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruits), cho biết Việt Nam chỉ mất từ 1,5 - 2 ngày là có thể đưa hàng đến chợ ở Trung Quốc. Thời gian vận chuyển ngắn sẽ giúp giảm chi phí và bảo đảm chất lượng cho nông sản.
Còn nhiều việc phải làm
Cơ hội cũng có nhưng trước những yêu cầu kỹ thuật xuất khẩu không chỉ của Trung Quốc mà nhiều nước hiện nay, làm sao để các HTX, doanh nghiệp có thể tận dụng những tiềm năng, tận dụng các cơ hội để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như khẳng định thương hiệu nông sản của Việt Nam?
Trước thực trạng trên, TS. Phan Thị Thu Hiền cho rằng, HTX và doanh nghiệp cần chủ động các biện pháp bảo vệ mã số vùng trồng của mình, kịp thời thông báo tới các cơ quan quản lý hàng hóa xuất khẩu từ những vấn đề liên quan đến mã số của mình. Đồng thời cần chủ động vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với các địa phương để cấp mới, liên kết các vùng trồng đã được cấp mã số để giữ vững và nâng cao chất lượng nông sản.
“HTX cần coi mã số vùng trồng là tài sản riêng của mình để có những phương án bảo vệ phù hợp. Nếu HTX tiến hành ủy quyền mã số vùng trồng cũng cần chọn những doanh nghiệp uy tín để tránh hậu quả đáng tiếc”, bà Hiền nói.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT HTX trái cây Krông Pắk (Đắk Lắk), cho biết HTX đã có 16 mã vùng trồng. Vừa qua, khi được xuất khẩu sầu riêng chính ngạch thì vụ mùa đã hết, nhiều người đặt vấn đề mua quota nhưng HTX không đồng ý vì lợi ích trước mắt mà thực hiện đóng mã để bảo vệ lợi ích của thành viên và người dân.
"Để có được một mã vùng trồng là rất kỳ công. Nhưng khi có mã vùng trồng, doanh nghiệp thu mua cũng sẽ ưu tiên hơn, từ đó giá sẽ tăng lên, thành viên hưởng lợi", ông Tuấn nói.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty CP Bagico (Bắc Giang), nhìn chung Việt Nam vẫn chưa có tiêu chuẩn chung cho quả sầu riêng nên chất lượng loại nông sản này chưa ổn định. Bên cạnh đó, tuy có những lợi thế nhưng vẫn đang kém người Thái tính chuyên nghiệp và quy mô sản xuất. Ở những vùng chuyên canh trồng sầu riêng của Thái Lan, chất lượng, mẫu mã sầu riêng rất đẹp, chỉn chu.
Chính vì vậy, chỉ trông chờ vào những tiềm năng sẵn có là chưa đủ mà cần kết hợp với khả năng tổ chức, phân phối duy trì chất lượng, phải làm ăn tốt, bài bản thì mới có tiềm năng bền vững. Nhất là đối với các thị trường phát triển, khó tính như EU, Mỹ, Nhật thì không chỉ sản xuất theo quy trình, HTX, doanh nghiệp còn phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về sản xuất xanh, sản xuất bền vững.
PGS. TS. Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết thực tế hiện nay, khoảng cách giữa nông dân, HTX với người dùng vẫn còn xa. Việt Nam có rất nhiều HTX, và cũng có rất nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, mối liên kết giữa HTX và doanh nghiệp lại chưa bền chặt. Chính vì vậy, “chỉ khi mối liên kết giữa HTX và doanh nghiệp chặt chẽ hơn thì nông sản Việt Nam mới tiến xa và bền vững", TS. Bùi Bá Bổng chia sẻ.
Huyền Trang