Chìa khóa phát triển kinh tế tập thể, HTX của tín đồ Tin Lành vùng DTTS trong xây dựng nông thôn mới
Có thể thấy rằng, những năm qua, trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và đô thị văn minh, đồng bào tín đồ Tin Lành luôn chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Đặc biệt, trong xây dựng NTM, phát triển kinh tế HTX ngày càng được chú trọng, khu vực kinh tế tập thể, HTX từng bước được củng cố, phát triển về tổ chức, cán bộ và thành viên. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX đa dạng hơn, bước đầu tạo được hiệu quả, hỗ trợ kinh tế hộ gia đình.
Để thúc đẩy xây dựng NTM, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (viết tắt là Nghị quyết 19). Trong đó, xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Các vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và phải dựa trên cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực, để giải phóng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, trước hết là lao động, đất đai, rừng và biển. Khai thác tốt các điều kiện thuận lợi trong hội nhập kinh tế quốc tế cho phát triển lực lượng sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng NTM là Chương trình trọng tâm của Nghị quyết 19.
Đặc biệt, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với tôn giáo, trong đó có Tin Lành xác định tín ngưỡng, tôn giáo (TNTG) là nhu cầu tinh thần của một bộ phận Nhân dân, phát huy giá trị tích cực về đạo đức và văn hóa của tôn giáo. Đồng thời, tiếp tục chủ trương đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định, đoàn kết tôn giáo là nguồn lực nội sinh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng NTM.
Tôn trọng quyền tự do TNTG, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo là chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước đã được cụ thể bằng pháp luật và bảo đảm trên thực tế. Đây là một trong những quyền cơ bản của công dân, được khẳng định trên nguyên tắc Hiến định (Hiến pháp năm 2013).
Luật TNTG năm 2016 và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật TNTG, các Chương trình, mục tiêu về phát triển vùng đồng bào DTTS. Tự do TNTG không chỉ đối với người Việt Nam có đầy đủ quyền công dân, mà đó còn là quyền của những người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp giáo dưỡng, cai nghiện, là quyền của người mang quốc tịch khác, đang cư trú, làm việc, học tập tại Việt Nam.
Chính sách, pháp luật về TNTG vùng đồng bào DTTS góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; động viên, khuyến khích chức sắc, tín đồ, nhà tu hành và các tổ chức tôn giáo đồng hành cùng đất nước. Đây chính là sự gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung của dân tộc – đất nước.
Thực hiện mục tiêu đó, các tổ chức tôn giáo ở nước ta đều xây dựng đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc – đất nước, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực nhập thế, hiện diện trên nhiều lĩnh vực xã hội; tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, như: “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo; “Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” của đạo Tin lành;
Dưới sự vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam các cấp, Ủy ban Dân tộc, các tổ chức, chức sắc, tín đồ các tôn giáo vùng đồng bào DTTS đã tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, nhất là các hoạt động giáo dục đạo đức, xây dựng phẩm chất, nhân cách con người Việt Nam; hoạt động từ thiện nhân đạo, cứu trợ, cứu tế và bảo trợ xã hội; xây dựng các quỹ khuyến học; xây dựng và trao tặng nhà tình thương; khám, chữa bệnh; cứu trợ xã hội, bảo trợ xã hội,… Hằng năm, các tổ chức Tin lành vùng đồng bào DTTS đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện nhân đạo, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng NTM địa phương.
Các tín đồ Tin Lành vùng đồng bào DTTS luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng hành cùng các cấp, các ngành vận động đồng bào có đạo, các tín đồ, chức sắc tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh tại địa phương.
Các vị chức sắc đã tham gia hoạt động tích cực trong hệ thống Mặt trận các cấp, các tổ chức tôn giáo, các vị chức sắc, nhà tu hành, chức việc đã vận động tín đồ thực hiện tốt các phong trào ở địa phương như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; vận động quỹ “Vì người nghèo”, quỹ "Đền ơn đáp nghĩa”, tham gia phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ”; cùng với cộng đồng dân cư luôn hưởng ứng thực hiện tốt các mô hình như: “Khu dân cư phòng chống tội phạm”, “Khu dân cư đảm bảo trật tự an toàn giao thông”; “Khu dân cư bảo vệ môi trường”, “Bảo đảm an ninh trật tự trong các họ đạo Tin Lành” và nhiều mô hình của các tổ chức thành viên cũng đang hoạt động có hiệu quả.
Vận động tín đồ phát huy truyền thống yêu nước của đồng bào có đạo, tích cực vận động con em các tôn giáo sẵn sàng tham gia các mô hình phát triển kinh tế, mô hình HTX, tổ hợp tác; tham gia các tổ bảo vệ dân phố, tổ nhân dân tự quản, phòng chống các tệ nạn xã hội... Từ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội cũng tham gia tích cực đã mang đến sự bình yên cho người dân địa phương.
Việc tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác Tôn giáo công tác phát triển KTTT, HTX các chính sách về dân tộc và việc giới thiệu các mô hình làm ăn có hiệu quả trong cộng đồng tín đồ Tin Lành vùng đồng bào DTTS cũng là tạo ra điều kiện tốt hơn cho phát triển các hình thức KTTT, HTX trong nông thôn.
Đặc biệt là có sự hỗ trợ cần thiết của Nhà nước và các tổ chức đối với tín đồ Tin Lành vùng đồng bào DTTS khu vực KTTT, HTX, như lựa chọn sản phẩm để sản xuất, kinh doanh của HTX, hỗ trợ về tài chính và vốn đầu tư, hỗ trợ về thông tin thị trường, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý THT, HTX và đào tạo nghề cho thành viên, người lao động... đối với tín đồ Tin Lành vùng đồng bào DTTS trong khu vực KTTT, HTX.
Bên cạnh nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức kinh tế, xã hội có tác động quan trọng đến sự phát triển KTTT, HTX của tin đồ Tin Lành vùng đồng bào DTTS. Theo kinh nghiệm của các nước, những tổ chức như các hiệp hội (Liên minh HTX, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề NT, Liên hiệp các tổ chức KH&CN...) , các trung tâm tư vấn hỗ trợ phát triển (Trung tâm xác tiến đầu tư; Trung tâm thông tin, Trung tâm hỗ trợ HTX, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...), các câu lạc bộ kinh doanh, các tổ chức hỗ trợ địa phương, tổ chức phi chính phủ... có vai trò nhất định đối với quá trình phát triển HTX.
Đơn cử, trong Đề án Phát triển NN và xây dựng NTM tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025 ban hành xác định: Xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; văn hóa - xã hội tiến bộ, dân chủ được phát huy, môi trường sinh thái được bảo vệ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hệ thống chính trị được củng cố vững chắc.
Từ đó, thí điểm một số mô hình để nhân rộng ra các địa phương, như Dự án KH&CN hỗ trợ và phát triển làng nghề sản xuất nấm ở xã Đức Nhuận (huyện Mộ Đức), mô hình HTX dịch vụ NN, NT Tịnh Trà (huyện Sơn Tịnh), mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN nâng cao hiệu quả sản xuất lúa trên đất dồn điền đổi thửa tại HTX NN Bình Dương (huyện Bình Sơn), mô hình HTX đánh bắt hải sản xa bờ và dịch vụ hậu cần nghề cá theo Đề án xây dựng và phát triển 10 HTX tại các xã vùng cửa biển, nơi tập trung nhiều tàu thuyền đánh bắt thủy sản của địa phương giai đoạn 2021-2025.
Thời gian qua, số lượng HTX vùng đồng bào DTTS theo đạo Tin lành ở nông thôn đã tăng lên theo hướng đa dạng về hình thức và lĩnh vực hoạt động. Khu vực KTTT, HTX ở khu vực nông thôn hoạt động đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực kinh tế, cả trong nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Đặc biệt, số HTX trong lĩnh vực kinh tế biển được phát triển mạnh; KTTT, HTX đã thu hút nhiều thành viên, tạo việc làm cho nhiều lao động theo đạo Tin Lành vùng đồng bào DTTS; HTX được phát triển đã tạo ra điều kiện để tập trung và khả năng làm tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Sự tăng trưởng mức tập trung vốn là điều kiện để các đơn vị trong khu vực KTTT, HTX theo đạo Tin Lành vùng đồng bào DTTS đổi mới kỹ thuật, công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, tạo khả năng làm tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư.
KTTT, HTX của tín đồ Tin Lành vùng đồng bào DTTS được phát triển đã đóng góp quan trọng vào thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Trước hết là đóng góp vào các tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất ở nông thôn.
KTTT, HTX đã trở thành “bà đỡ” cho kinh tế hộ phát triển, nhiều HTX đã góp phần không nhỏ trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho nhân dân địa phương. Đóng góp về thu nhập của các HTX cao hơn so với kinh tế cá thể, tiểu chủ. Nhiều lao động theo Tin Lành vùng đồng bào DTTS được theo học ở các ngành nghề khác nhau. Hầu hết các HTX đều tham gia tích cực vào hoạt động xã hội như xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, xây dựng công trình công cộng...
Tiếp tục đưa KTTT, nòng cốt là HTX thực sự là thành phần kinh tế quan trọng, góp phần cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của kinh tế quốc dân, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị của tín đồ Tin Lành vùng đồng bào DTTS và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong xây dựng NTM.
Nâng cao nhận thức về phát triển KTTT, HTX trong xây dựng nông thôn mới
Trong thời gian tới, việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, sự cần thiết và nội dung phát triển KTTT, HTX cho tín đồ Tin Lành khu vực DTTS phải được đặt lên hàng đầu. Phải làm cho họ hiểu rõ và đúng quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển KTTT trong xây dựng NTM để có sự hưởng ứng tích cực và để tìm tòi các giải pháp, tạo động lực phát triển.
Tạo điều kiện, tiền đề kinh tế - xã hội cần thiết cho phát triển KTTT, HTX của tín đồ Tin lành vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường có sự định hướng của Nhà nước.
Có thể thấy, trong xu thế hiện nay, phát triển KTTT, HTX đối với tín đồ Tin Lành vùng đồng bào DTTS không chỉ là sự tăng tiến về kinh tế, mà còn nhằm phát triển xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào Tin Lành sinh sống. Điều này hướng đến phát triển bền vững, nhất là ở khu vực nông thôn. Phát triển KTTT, HTX không chỉ tạo ra điều kiện vật chất, kinh tế mà còn góp phần thúc đẩy các quan hệ xã hội, cộng đồng văn hóa tiến bộ và bảo vệ môi trường sống ở nông thôn. Những thành tựu của xây dựng NTM lại tạo ra nhu cầu và điều kiện tốt hơn cho phát triển KTTT, HTX.