Ông Trần Văn Thắng, HTX dịch vụ nông nghiệp xanh Sầu riêng, Bơ Krông Pắc (Đăk Lắk), cho biết trong quá trình xuất khẩu sầu riêng, HTX chỉ có thể xuất những quả tròn, đều, còn những quả xấu thì chỉ có thể chế biến hoặc tiêu thụ nhỏ lẻ trong nước. Bên cạnh đó, HTX cũng chưa có phương pháp xử lý vỏ quả sầu riêng nên phần nào ảnh hưởng đến quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm.
Chưa minh bạch trong sản xuất
Chia sẻ về vấn đề này tại Diễn đàn Ổn định chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn nông sản của các HTX nông nghiệp, bà Hồ Đức Minh, Giám đốc Công ty Vạn Xuân Phát chuyên liên kết với HTX để trồng và xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, cho biết thị trường hiện nay luôn đòi hỏi “hơn” như ngon hơn, giá cạnh tranh hơn, sản phẩm tiện dụng hơn.
“Cụ thể là tiêu chuẩn đầu tiên doanh nghiệp Trung Quốc cần là sầu riêng phải ngon, sầu riêng không ngon sẽ không mua lần sau”, bà Minh nói.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Trung Quốc cũng yêu cầu các tiêu chuẩn pháp lý phía cơ quan quản lý Trung Quốc và Việt Nam đã đưa ra thì doanh nghiệp, HTX phải tự động tuân thủ. Nếu sai, họ không hỗ trợ bất cứ một khâu nào.
Theo bà Minh, nhìn thực tế thì các tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã phía Trung Quốc đưa ra không xa vời hay quá khó khăn: quy định sản phẩm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vỏ sầu riêng không có bị tác động từ ngoại lực, đảm bảo các khâu bảo quản, đóng gói… Nhưng vấn đề đặt ra là không ít nông dân, thành viên HTX chỉ hiểu các tiêu chuẩn (mã số, nhật ký…) mà nước nhập khẩu đặt ra là làm khó quy trình sản xuất mà không hiểu rằng đó chính là cơ sở để sản phẩm của HTX có giá trị, là nền tảng để HTX tiến bộ trong sản xuất kinh doanh.
Minh bạch mọi khâu: canh tác, thu hoạch,sơ chế, chế biến, xuất hàng là điều HTX cần làm. |
Hiểu đơn giản, tiêu chuẩn là chuẩn mực chung nhằm xác định và giảm thiểu rủi ro dọc theo chuỗi cung ứng của khách hàng - với các hoạt động, quy trình, hệ thống, con người hoặc năng lực. Nhưng hiện nay, sản xuất của nhiều HTX vẫn còn tình trạng mô hình quản lý theo quy mô hộ gia đình, chưa tách biệt rõ vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của đội ngũ nhân sự.
Nhiều thành viên HTX vẫn giữ thói quen và tập quán trồng trọt/canh tác, thu hoạch cũ, chưa thực sự tự nguyện tuân thủ các quy định: Bảo hộ lao động, an ninh/bảo mật… Thậm chí có hộ dân chưa thấy rõ tầm quan trọng của việc lưu lại bằng chứng tuân thủ nên rất khó làm căn cứ để chứng minh quy trình sản xuất đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
Ngoài vấn đề về nhận thức, ông Bùi Phương Hòa, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết chi phí cũng là khó khăn đối với các HTX trong quá trình xây dựng, chứng nhận các tiêu chuẩn cho nông sản.
Trong quá trình sản xuất, người dân, HTX phải chi trả các chi phí về tạo lập các quy trình, chi phí xây dựng tiêu chuẩn, chi phí trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, chi phí kiểm nghiệm, giám định, quản lý. Trong khi các chứng nhận về tiêu chuẩn sản xuất, HTX định kỳ hàng năm phải duy trì (mã số vùng trồng) chứ không phải cấp một lần có thể dùng mãi mãi.
Đặc biệt, để được chứng nhận bất kỳ một tiêu chuẩn nào cho nông sản, HTX phải mất khá nhiều thời gian như thời gian kiểm soát các công đoạn theo tiêu chuẩn, thời gian lập và lưu trữ hồ sơ, thời gian đánh giá lại các hoạt động đã thực hiện và thời gian cập nhật, trao đổi thông tin. Điều này dễ làm các thành viên HTX nản lòng.
Chuẩn hóa quy trình sản xuất
Theo các chuyên gia, thị trường các nước ngày càng mở rộng, tuy nhiên đi cùng với đó là các tiêu chuẩn thị trường ngày càng khắt khe buộc các HTX phải làm nếu muốn xâm nhập các thị trường.
Trong đó, muốn HTX hoạt động hiệu quả, cần nâng cao chất lượng sản phẩm và muốn nâng cao chất lượng sản phẩm thì các mô hình này cũng cần đáp ứng được các tiêu chuẩn của các thị trường, từ đó đưa nông nghiệp Việt ngày càng tiến xa hơn.
Thực tế hiện nay, khó khăn của các HTX là không chỉ phải đáp ứng được các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu mà còn phải chịu những tác động của biến đổi khí hậu. Điều này vô tình làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu, ảnh hưởng đến nguồn thu, thương hiệu của HTX.
Chính vì vậy, theo bà Hồ Đức Minh, cách duy nhất để phát triển trong bối cảnh kinh doanh hiện nay là cần minh bạch trong mọi khâu của quy trình sản xuất. Muốn vậy, HTX cần đi từ điều đơn giản nhất là ghi chép nhật ký.
“Nếu nông dân, HTX chưa tuân thủ việc ghi chép nhật ký thì không thể minh bạch được sản xuất và cũng không thể đáp ứng được các tiêu chuẩn chứ chưa nói đến việc đưa ra phương pháp xử lý, kiểm soát vùng trồng nếu HTX chẳng may gặp rủi ro”, bà Minh nhấn mạnh.
Không chỉ thị trường Trung Quốc mà gần đây, trái cây hay sản phẩm mì tôm của Việt Nam xuất sang vào EU không chỉ bị cảnh báo về dư lượng chất ethylene oxide vượt ngưỡng trong gói phụ gia và cả trong mì. Chính vì vậy, thị trường này yêu cầu cơ quan quản lý Việt Nam phải giám sát, đánh giá lại quy trình sản xuất thì mới được xuất khẩu.
Trước đòi hỏi các tiêu chuẩn pháp lý của các nước nghiêm ngặt như hiện nay, TS. Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho rằng ngoài áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP… hài hòa với các tiêu chuẩn chứng nhận theo yêu cầu của thị trường, các HTX cần lập kế hoạch tổ chức sản xuất và chế biến xuất khẩu một cách cụ thể đi liền với đầu tư máy móc thiết bị và nghiên cứu sản xuất sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu.
Hiên nay, các nước nhập khẩu nông sản của Việt Nam đều yêu cầu rất khắt khe về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng yêu cầu của mỗi nước lại khác nhau. Ngay các tiêu chuẩn chất lượng HACCP cũng thay đổi hàng năm, nên HTX cần đào tạo cán bộ kỹ thuật có kỹ năng quản lý và giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm cho quá trình sản xuất và chế biến.
Theo các chuyên gia, đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu là điều cần thiết và cần làm ngay. Không ít HTX đã chủ động xây dựng các chuỗi giá trị, hoàn thiện các tiêu chuẩn xuất khẩu nhưng vẫn còn nhiều HTX lay hoay vì nguồn lực có hạn trong khi các chính sách, các quy định về tiêu chuẩn chất lượng thì thường xuyên thay đổi, chưa có sự thống nhất.
Để tháo gỡ vấn đề này, ông Bùi Phương Hòa cho rằng trước tiên, Nhà nước cần nhất quán các chính sách trong phát triển mô hình kinh tế tập thể, phát triển nông nghiệp và cần cam kết các quy định xuyên suốt giữa các bộ ngành nhằm tạo môi trường đào tạo hoặc hỗ trợ chi phí cho các HTX trong việc hoàn thiện các tiêu chuẩn chất lượng cho nông sản.
Bên cạnh đó, các nhà phân phối nên chủ động tìm hiểu khách hàng là các HTX để định hướng cho họ về đầu ra và chia sẻ lợi ích, tính minh bạch trong sản xuất HTX. Các nhà phân phối cũng cần cam kết tuân thủ tiêu chuẩn, giữ chữ tín trong liên kết với đối tác để không gây mất niềm tin với HTX, tránh đưa HTX vào thế khó trong liên kết.
Huyền Trang