Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, một trong những nguyên nhân được đánh giá là nông sản khó định lượng, hạn chế trong khâu đóng gói, bảo quản dẫn tình trạng “sáng là rau, chiều là rác”...
Vận chuyển khó khăn
Bà Hạnh phân tích, trong bối cảnh công nghệ 4.0 phát triển nhanh chóng hiện nay đã tạo điều kiện cho việc mua bán hàng hóa gặp rất nhiều thuận lợi, đặc biệt là việc phát triển các sàn thương mại điện tử. Việc ra đời các sàn thương mại điện tử đã giải quyết tốt nhu cầu mua bán cho xã hội ngày càng hiện đại, văn minh hiện nay.
Bởi thay bằng việc người tiêu dùng mua từ chợ truyền thống, các cửa hàng nhỏ, hệ thống chuỗi cửa hàng, siêu thị với thời gian cũng khá thì thương mại điện tử nhằm bổ xung đa kênh, giúp người tiêu dùng giảm thời gian, chi phí đi lại khi chỉ cần một cú "click chuột" máy tính hoặc qua smart phone.
Rõ ràng ai cũng dễ dàng nhận thấy sàn giao dịch thương mại điện tử thuận lợi và tiện ích như vậy, nhưng vì chưa đáp ứng được các yêu cầu đặc thù của thương mại điện tử nên đến nay có rất ít các mặt hàng nông sản được đưa lên bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Các chuyên gia cho rằng, để đưa nông sản vào các sàn thương mại điện tử, cần tích cực ứng dụng nền tảng công nghệ trong theo dõi và truy suất nguồn gốc. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Tổng Giám đốc sàn giao dịch thương mại điện tử Sendo cho rằng, các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp thường ít tiếp cận với công nghệ nên việc họ tiếp cận với các sàn giao dịch thương mại điện tử để bán hàng là rất khó, mà họ chủ yếu sản xuất và bán hàng theo hướng truyền thống là chợ truyền thống hoặc qua các thương lái.
Nêu thống kê của đơn vị mình, ông Dũng cho biết, Việt Nam hiện chỉ có khoảng trên 4% sản phẩm hàng hóa được đưa lên sàn thương mại điện tử. Đây là con số quá nhỏ so với sản phẩm sản xuất trong nước. Trên Sedo có 35.000 shop bán hàng thì chỉ có 10.000 shop bán hàng thực phẩm, chủ yếu là đồ ăn chín như bún chả, bánh cuốn, cơm văn phòng..., còn nông sản rất ít.
“Đến các mặt hàng được đóng gói, dễ dàng định tính, đánh giá chất lượng như điện thoại, tivi, tủ lạnh, quần áo, đồ gia dụng đã theo quy chuẩn còn chưa đưa lên các sàn thương mại điện tử nhiều thì các mặt hàng nông sản càng gặp khó khăn gấp bội khi đưa lên sàn thương mại điện tử”, ông Dũng nói.
Một trong những khó khăn nữa khi đưa nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử là niềm tin đối với người tiêu dùng và chi phí cho Logistics còn quá cao.
Ông Đinh Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần bưu chính Viettel Post cho rằng, việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn, nhất là nông sản vì nó không dễ dàng đóng gói, dễ hư hỏng nên rủi ro rất lớn. Bên cạnh đó, trọng lượng của các mặt hàng nông sản có sự thay đổi chứ không theo quy chuẩn nhất định.
“Chẳng hạn như quả mít người đặt mua 1 quả 3kg, nhưng khi vận chuyển đến có thể hơn hoặc kém. Bên cạnh đó, chất lượng hàng hóa không được kiểm chứng, mà chỉ là niềm tin của người mua với người bán khiến người tiêu dùng ít tin cậy. Đây là những khó khăn lớn mà nông sản khó khăn tham gia vào thương mại điện tử”, ông Sơn nói.
Tạo niềm tin từ ứng dụng nền tảng công nghệ
Nhưng không hẳn câu chuyện hàng nông sản đã hết cách để đưa lên quảng bá và bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Bằng chứng là câu chuyện mà bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp và Phát triển, Hiệp hội doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam kể cũng là một bài học đáng suy ngẫm. Đó là việc giải quyết bài toán “ế ẩm” của sản phẩm vải thiều Thanh Hà, tỉnh Hải Dương trong năm 2016 trở về trước. Khi đó, do chưa áp dụng công nghê, người dân chưa nắm được, công tác truyền thông còn hạn chế nên vải thiều bán rất khó và giá chỉ 5.000 đồng/kg.
Hội nghị thu hút đông đảo HTX, doanh nghiệp tham gia. |
Tuy nhiên, sau khi được Trung tâm Doanh nghiệp và Phát triển, Hiệp hội doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam cung cấp nền tảng công nghệ theo dõi việc chăm sóc, bảo quản nông sản, truy suất nguồn gốc thông qua hệ thống camera theo dõi và tập huấn cho 25 HTX trong việc đóng gói, bán hàng và đã bán được 25 tấn hàng/ngày. Đặc biệt, với 1 nhóm sản xuất chỉ có 10 người năm 2020, dù gặp dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra cũng là một kinh nghiệm để nhiều HTX học hỏi kinh nghiệm
Bà Phạm Thị Lý nói rằng, việc vận dụng nền tảng công nghệ để bán hàng và tiêu thụ hầu hết vải thiều Thanh Hà với giá 50 nghìn đồng/kg năm 2020 đã cho thấy rõ hiệu quả từ việc ứng dụng nền tảng công nghệ trong chăm sóc, theo dõi và bán hàng thông qua sàn thương mại điện tử, qua Facebook, zalo...
“Nếu sử dụng nên tảng công nghệ người tiêu dùng chỉ cần ngồi nhà có thể xem được hệ thống tưới tiêu, chăm sóc, bảo quản và đặt mua nông sản trên smart phone hoặc qua hệ thống máy tính thông qua camera theo dõi được lắp đặt tại vườn vải”, bà Lý nhấn mạnh.
Rõ ràng, trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, không có cách nào khác là doanh nghiệp, HTX và người dân phải tiếp cận và áp dụng công nghệ để thay đổi cuộc chơi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, HTX phải thường xuyên tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, cơ quan chức năng và chính quyền các cấp cần tổ chức các hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại thường xuyên, liên tục, bền bỉ, thì mới có thể thành công.
Đặc biệt là rất cần sự tham gia vào cuộc của chính quyền địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX đầu tư mua nền tảng công nghệ để tiêu thụ nông sản.
Phạm Duy