Mới đây, một tờ báo của Anh đưa ra nhận định nhu cầu về kho vận và logistics ở Việt Nam ngày càng cao từ việc đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.
Bán lẻ thúc đẩy nhu cầu kho vận
Tờ báo này cũng trích dẫn chia sẻ của ông Hamza Harti - Giám đốc điều hành của FM Logistic tại Việt Nam (đang có trung tâm phân phối trị giá 30 triệu USD tại Bắc Ninh chuyên phục vụ cho các nhà bán lẻ dự trữ hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm, đồ uống...): sức tăng trưởng của thị trường bán lẻ và thương mại điện tử (TMĐT) là động lực để thúc đẩy nhu cầu kho vận.
“Sức nóng” của TMĐT và ngành bán lẻ đang thúc đẩy nhu cầu kho vận ngày càng tăng ở Việt Nam. |
Minh chứng cho điều này, trong đầu tháng 11/2020, FM Logistic (một tập đoàn của Pháp chuyên về kho vận) đã công bố thỏa thuận hợp tác với VinShop (đóng vai trò trung gian giữa các cửa hàng nhỏ lẻ và các công ty tiêu dùng ở Việt Nam) trong việc cung cấp các dịch vụ kho bãi và vận chuyển đơn hàng, nhất là hỗ trợ cho ứng dụng trực tuyến.
Hoặc như nhà bán lẻ Aeon của Nhật Bản cho biết, đang khảo sát để xây dựng trung tâm thương mại thứ 3 ở Tp.HCM trong năm 2021 trước các đánh giá lạc quan về xu hướng kinh doanh tại Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là còn nhiều dư địa phát triển và đặc biệt hấp dẫn các nhà bán lẻ Nhật Bản với những kế hoạch đầu tư tỷ USD trong tương lai gần, nhất là trong việc phát triển các đại siêu thị và kho vận.
Giới phân tích cho biết xu hướng đầu tư nổi bật trong năm 2020 ở Việt Nam phải kể đến mảng kho vận, hậu cần và trung tâm dữ liệu. Dù chịu tác động bởi dịch Covid-19, nhưng sự quan tâm từ các nhà đầu tư vẫn mạnh mẽ, do Việt Nam được xem là cường quốc công nghiệp mới ở khu vực. Điều này sẽ hỗ trợ cả cung và cầu đối với ngành kho vận ở Việt Nam.
“Chúng tôi ghi nhận số lượng lớn nhà đầu tư tái khẳng định "khẩu vị" của họ đối với lĩnh vực hậu cần và trung tâm dữ liệu”, bà Regina Lim - một giám đốc nghiên cứu thị trường vốn nhận định.
Giới chuyên gia cho rằng, các nhà bán lẻ ở Việt Nam đã và đang đầu tư vào các trung tâm phân phối gần hơn với các bến xe và cảng, là những cách giúp đảm bảo giảm thiểu gián đoạn xảy ra nếu có thêm những biến động tương tự như dịch Covid-19.
Ngoài ra, thị trường chuỗi cung ứng lạnh nói chung và kho lạnh nói riêng tại Việt Nam cũng được đánh giá là có những bước phát triển mới trong năm nay. Đặc biệt là với một số mặt hàng thực phẩm, nông sản trong những thời điểm bị dịch Covid-19 dẫn đến tiêu thụ bị chậm lại và nhu cầu kho lạnh lại càng tăng lên.
“Đòn bẩy” từ thương mại điện tử
Còn theo nhận định của một công ty nghiên cứu thị trường, mảng TMĐT cũng có thể được xem là nhân tố cho sự tăng trưởng của ngành kho vận ở Việt Nam.
Theo đó, làn sóng nhu cầu bất ngờ buộc các nhà sản xuất hàng thiết yếu phải chật vật tìm diện tích kho hàng đáp ứng và xem xét lại mọi mặt của chuỗi cung ứng. Và sự phát triển của TMĐT dự kiến sẽ là "đòn bẩy" cho sự phát triển của ngành kho vận, hậu cần tại Việt Nam ở hiện tại và trong tương lai.
Điển hình như Lazada - một công ty TMĐT nằm trong Top 3 tại Việt Nam (cùng với Tiki và Shopee), cũng đã đầu tư vào 3 kho lớn với tổng diện tích 22.000 m2 ở Tp.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội, cùng với mạng lưới 34 trung tâm phân phối trên toàn quốc.
Ông Xuân Phạm - giám đốc marketing của một công ty kho vận, nhận định: Nhu cầu mua sắm cuối năm sẽ gia tăng, và các nền tảng thương mại sẽ liên tục tung các chiến lược khuyến mãi và quảng cáo để thúc đẩy nhu cầu giao dịch điện tử.
“Do đó, các bên tham gia cần xử lý đơn hàng nhanh hơn và hiệu quả hơn bao giờ hết để có thể đáp ứng được lượng đặt hàng nhộn nhịp trong những dịp này. Đơn vị nào có thể giao hàng nhanh trong 24 tiếng hứa hẹn sẽ chiếm được tình cảm và thị phần tốt nhất”, ông Phạm chia sẻ.
Chuyên gia nghiên cứu thị trường Trang Bùi cho biết, lượng đơn hàng tăng cao đột ngột đã buộc các công ty TMĐT phải giữ nhiều hàng hơn ở những địa điểm gần khách hàng, thúc đẩy nhu cầu kho bãi linh hoạt.
Một số công ty tư vấn về bất động sản công nghiệp cũng ghi nhận nhiều yêu cầu từ phía khách hàng TMĐT lớn, với nhu cầu thuê nhà kho gần trung tâm có diện tích 10 - 15ha. Xu hướng này sẽ phát huy điểm mạnh trong những sự kiện mang tính biến động cao như đại dịch Covid-19 hay mùa cao điểm.
Dẫn kinh nghiệm từ Thái Lan, giới chuyên gia cho biết, TMĐT phát triển nhanh chóng đã mang lại những thay đổi đáng kể trong chuỗi cung ứng và hoạt động logistics tại nước này, đặc biệt ở phân khúc kho và giao hàng chặng cuối. Các mạng lưới nhà kho lớn và nhỏ phân bố trên khắp Thái Lan đang từng bước hình thành và ngày càng tối ưu hơn.
Central Group, Aden, DHL Express Thái Lan, Kerry Express, Lazada, Pomelo và Shopee đã rất thành công trong việc phát triển kho vận cho TMĐT tại Thái Lan. Ngoài ra, khối lượng hàng hóa được xử lý tại các sân bay của nước này tăng đáng kể, do nhu cầu liên tục được tạo ra bởi TMĐT.
Thế Vinh