HTX Nồng Hoàn (Bắc Kạn) đang gặp khó khăn trong đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng, nhà kho để bảo quản chế biến nông sản vì thiếu vốn. Do đó, đến thời điểm này, nhà xưởng và khu vực bảo quản nông sản của HTX vẫn còn tạm bợ, hệ thống phun sương, tưới nước cho nấm chưa được đầu tư khoa học, đồng bộ.
Thách thức trong ứng dụng công nghệ
Còn tại HTX Hưng Thịnh (Hưng Yên) dù được hỗ trợ thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng hiện nay, HTX phải gửi máy móc như tủ sấy ở nhà thành viên vì chưa có trụ sở làm việc. Đây cũng là khó khăn khiến việc ứng dụng công nghệ, phát triển sản xuất của HTX chưa thực sự hiệu quả và tận dụng hết tiềm năng của địa phương.
Trái ngược với HTX Nồng Hoàn và HTX Hưng Thịnh, HTX thanh niên Như Cố (Bắc Kạn) không chỉ chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, thương mại điện tử, phát triển nguồn nhân lực mà còn được hỗ trợ nhà xưởng và nhà phơi sấy nông sản. Điều này giúp HTX không chỉ nâng cao được chuỗi giá trị mà còn thuận lợi trong tiếp cận khách hàng.
Rõ ràng việc đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số có hiệu quả hay không không chỉ đến từ nội lực của HTX mà còn từ sự hỗ trợ đúng và trúng từ phía cơ quan quản lý, ban ngành địa phương, từ đó tạo thành tổng thể sức mạnh giúp mô hình kinh tế tập thể nâng cao hiệu quả, ứng dụng máy móc, công nghệ hợp lý.
Ông Châu Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, HTX muốn tiếp cận được vốn phải có quyền sử dụng đất nhưng hiện nay, tổ hợp tác, HTX không có quyền sử dụng đất nên tạo ra không ít khó khăn trong tiếp cận hỗ trợ, từ đó khó đầu tư được máy móc.
Robot làm nông nghiệp đã phổ biến ở nhiều nước nhưng vẫn vắng bóng ở những cánh đồng Việt Nam. |
Trong khi mô hình HTX vốn thiếu nhân lực, vật lực, công nghệ nhưng mô hình này thực chất hoạt động không thua kém gì doanh nghiệp. Và không có HTX thì không liên kết được nhân dân, không phát triển được chuỗi.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tiến bộ khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Công nghệ cũng giúp mức tổn thất sau thu hoạch của nông sản giảm đáng kể, nhất là đưa mức tổn thất sau thu hoạch của ngành lúa gạo giảm xuống dưới 10%.
Hiện, mức độ cơ giới hóa trong khâu làm đất với các loại cây hàng năm như lúa, mía, ngô, rau đạt khoảng 94%, khâu thu hoạch lúa đạt 50% (tại các tỉnh đồng bằng đạt 90%). Tuy nhiên, GS-TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đào tạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng một số lĩnh vực trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ vẫn còn chưa đạt trình độ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2. Vì thế sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp vẫn còn thấp, chuỗi giá trị thực phẩm chưa phát triển.
Điều này cũng làm cho năng suất lao động của Việt Nam chỉ đạt mức 6,4 đô-la trên một giờ làm việc, chỉ bằng 2/3 Philippines, và không bằng 1/2 so với Thái Lan và 1/10 so với Singapore (Ngân hàng Thế giới).
Mặc dù hiện nay đã có một số doanh nghiệp, HTX đã áp dụng được công nghệ của nền nông nghiệp thông minh nhưng hầu hết các công nghệ đó là nhập khẩu, ít có công nghệ được sản xuất tại Việt Nam.
Đi cùng với đó, lực lượng lao động phục vụ ngành nông nghiệp nói chung, nhân lực của các HTX nói riêng hiện nay phần lớn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
HTX và ngành nông nghiệp đang thiếu nguồn nhân lực trình độ cao ở hầu hết các lĩnh vực như khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, nông hóa thổ nhưỡng, thủy lợi, quản trị mô hình kinh tế tập thể... Đây chính là thách thức đối với các HTX và ngành nông nghiệp Việt Nam.
Cần cái bắt tay từ nhiều phía
Khoa học công nghệ có tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp. Trong khi Việt Nam đang phấn đấu xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao, đảm bảo an ninh lương thực cùng với phát triển kinh tế bền vững.
Do đó, để nâng cao ứng dụng công nghệ trong ngành nông nghiệp, giới chuyên gia cho rằng việc HTX nâng cao nội lực, chủ động nghiên cứu và có giải pháp phù hợp trong sản xuất, cải tổ chất lượng nguồn nhân lực sẽ là điều kiện quan trong thu hút người dân tham gia HTX và thu hút sự đầu tư, hỗ trợ của cơ quan quản lý.
Ông Châu Văn Hòa, cho rằng để giải quyết việc khó khăn trong tiếp cận nguồn hỗ trợ trong nông nghiệp, nông thôn do HTX chưa có quyền sử dụng đất thì nên chăng các ngành chức năng tại địa phương cần sát cánh hỗ trợ HTX trong hoàn thiện phương án sản xuất kinh doanh khả quan và phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh này, từ đó làm cơ sở để HTX tiếp cận với nguồn hỗ trợ cũng như đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ phù hợp.
Bên cạnh đó, theo báo cáo thống kê, thị trường nông nghiệp được cho là có tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm với tốc độ 14 % trong giai đoạn 2021-2026. Trong đó, yếu tố tăng trưởng chính là gia tăng các sáng kiến của Chính phủ để triển khai các kỹ thuật nông nghiệp cải tiến.
Do đó, Nhà nước cần quan tâm nghiên cứu để có những sáng kiến công nghệ phù hợp giúp HTX, nông dân áp dụng hiệu quả và không tốn quá nhiều chi phí khi phải nhập các máy móc, công nghệ từ nước ngoài.
Như tại HTX gà đồi Yên Thế (Bắc Giang) nhờ tiếp cận dây chuyền tự động, cấp đông tế bào của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch mà quá trình sơ chế, giết mổ gà đã chuyên nghiệp. Mỗi ngày, HTX có thể giết mổ từ 1.000 con gà trở lên mà không làm thay đổi chất lượng thịt. Sản phẩm cũng thuận tiện khi cung ứng ra thị trường nhất là phục vụ các siêu thị, nhà hàng, xuất khẩu.
Như vậy sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, nhà khoa học trong việc hỗ trợ HTX là cần thiết và hết sức quan trọng bởi không phải địa phương nào cũng thuận lợi trong ứng dụng công nghệ để thúc đẩy nông nghiệp, trong khi đây là ngành chịu nhiều tác động từ thiên tai, biến đổi khí hậu.
Ngay như Yên Bái năm 2023 thu nhập cả tỉnh đạt 4.100 tỷ đồng nhưng chỉ sau 1 tuần bão lũ, sạt lở... do bão Yagi, tỉnh này đã thiệt hại tới 4.600 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc làm giảm quá trình đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số của HTX và cũng kéo giảm phát triển bền vững về kinh tế xã hội.
Ông Phạm Thanh Chung, Giám đốc HTX tiêu hữu cơ Lộc Quang (Đồng Nai), cho biết HTX rất mong nhận được sự hỗ trợ của các ban ngành để tiếp tục nâng cao quá trình chuyển đổi số, nhất là trong việc hoàn thiện mã số vùng trồng, tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước Hồi giáo.
Huyền Trang