Mẫu số chung của thị trường giai đoạn này là sự hoảng loạn của nhà đầu tư, nhiều phiên giao dịch chứng kiến tình trạng bán tháo trên toàn thị trường, đặc biệt là tại các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Hơn nữa, sau chuỗi ngày dài giảm giá, liên tiếp dính bẫy tăng giá (bull trap), giới đầu tư dường như đã không còn mặn mà với thị trường. Thanh khoản thị trường cũng giảm mạnh từ 10.000 tỷ đồng xuống 3.000 – 4.000 tỷ đồng/ phiên nếu tính cả giao dịch thỏa thuận.
Ngân hàng – “đầu tàu” kéo lùi
Trên thị trường chứng khoán, ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, hay còn được gọi với cái tên “cổ phiếu vua”, là không hề nhỏ.
Hiện nay, chỉ tính riêng sàn HoSE có 11 cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết với tổng giá trị vốn hóa đạt hơn 644.340 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20% toàn sàn.
Trong đó có 3 ngân hàng nằm trong danh sách 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường là Vietcombank (VCB), Techcombank (TCB), VietinBank (CTG). Ngoài ra, BIDV (BID), VPBank (VPB), MB (MBB), HDBank (HDB) cũng là những doanh nghiệp thuộc xếp hạng vốn hóa lớn.
Trước đó, theo dự báo của các công ty chứng khoán, chuyên gia kinh tế, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2018, nhóm “cổ phiếu vua” sẽ tiếp tục là “đầu tàu” dẫn dắt thị trường tăng trưởng. Diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu này trong quý I/2018 dường như đã chứng minh dự đoán của các chuyên gia ngày càng đúng đắn.
Tuy nhiên, sang quý II, “đầu tàu” tăng trưởng cổ phiếu ngân hàng đã “đi lùi”, góp phần đẩy các chỉ số giảm mạnh. Trên thị trường, nhiều mã cổ phiếu lao dốc 30- 40%, biến thành quả tăng trưởng trong quý I về con số 0.
Có mức giảm mạnh nhất là cổ phiếu BID của ngân hàng BIDV, đã lao dốc từ vùng giá 45.000 đồng hồi cuối quý I xuống còn 23.000 đồng/cp (phiên 12/7), tương đương mức giảm 48,8%.
CTG của VietinBank cũng giảm gần 40% từ vùng giá 36.200 đồng tại thời điểm đầu quý II xuống còn 21.800 đồng/ cp (phiên 12/7).
Ngay cả “ông lớn” VCB cũng ghi nhận mức giảm hơn 29% kể từ đầu quý II tới nay; STB giảm 33,4%; VPB giảm 37,2% tính theo giá đã điều chỉnh; HDB giảm 30%…
Trên sàn HNX, cổ phiếu SHB đã giảm 42,7% từ vùng giá 13.100 đồng hồi đầu quý II xuống còn 7.500 đồng/cp; ACB cũng đã giảm 29,1% so với đầu quý.
Theo một số nhà đầu tư, đà sụt giảm của nhóm “cổ phiếu vua” một phần đến từ yếu tố thị trường, nhưng nguyên nhân chính là cổ phiếu này đã có khoảng thời gian tăng rất mạnh trước đó, cần được điều chỉnh để về đúng với thị giá.
Nhiều cổ phiếu đã giảm xuống mức thấp nhất trong một năm |
Bao giờ cho đến “ngày xưa”?
Không chỉ nhóm cổ phiếu ngân hàng sụt giảm mạnh, nhiều cổ phiếu thuộc danh sách vốn hóa lớn cũng lao dốc trong thời gian qua.
Điển hình như cổ phiếu GAS của PV GAS ghi nhận mức giảm 40% kể từ đầu quý II, PLX của Petrolimex giảm hơn 33%, MSN của Masan Group giảm 31%…
Đặc biệt, mặc dù là cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường, được nhiều nhà đầu tư tin tưởng, VIC của Vingroup cũng không thoát khỏi đà giảm chung của thị trường. Tuy nhiên, mức giảm thấp chưa đến 5% đã đóng góp phần lớn trong việc kìm hãm sự “lao dốc” của thị trường.
Gây chú ý nhất phải kể đến những cổ phiếu đã từng được coi là tiềm năng, được giới đầu tư săn đón như BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn, POW của PVPower, HVN của Vietnam Airlines… cũng đều giảm “sốc” hơn 30% chỉ trong 3 tháng.
Theo một thống kê mới đây, toàn thị trường đã có đến 53 mã cổ phiếu đang ở mức giá thấp nhất trong vòng một năm, trong đó có 26 mã giảm giá trên 50% so với mức giá cao nhất một năm, nhiều cổ phiếu còn ở mức giá thấp nhất lịch sử.
Nhìn vào sự ảm đạm của thị trường trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư không khỏi cảm thấy tiếc nuối quãng thời gian thăng hoa hồi cuối năm 2017 và quý I/2018.
Trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư tỏ ra chán nản với việc thị trường tăng điểm được một phiên thì lại giảm tới 3 phiên. Tâm lý hoang mang bao trùm cả thị trường chứng khoán khi mỗi ngày, tiền trong tài khoản nhà đầu tư lại “bốc hơi”.
Nhiều công ty chứng khoán vẫn đưa ra những nhận định rằng thị trường đã xuất hiện nhiều cổ phiếu ở vùng giá hấp dẫn nhưng cũng không khiến giới đầu tư hứng thú giải ngân.
Sự “hờ hững” của các nhà đầu tư dẫn đến thanh khoản luôn duy trì ở mức thấp, lực bán bị kích hoạt chỉ trong một thời gian ngắn, thậm chí có phiên giao dịch chỉ trong 15 phút ATC.
Bên cạnh đó, bối cảnh kinh tế và chính trị thế giới còn rất phức tạp, nên các nhà đầu tư trong nước chưa nóng vội khi tham gia bắt đáy.
Trên thực tế, đã là nhà đầu tư, ai cũng mong mình đạt được thành quả, nhưng thị trường không phải lúc nào cũng thuận theo quy luật. Nếu là nhà đầu tư nhỏ lẻ luôn phải xây dựng sẵn hai kịch bản xấu và tốt để kịp thời đối phó trong khả năng có thể, bởi nhà đầ utư nhỏ lẻ không thể quyết định được thị trường, mà thị trường quyết định kết quả đầu tư của nhà đầu tư.
Linh Đan