Từ 2-6/7, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chứng kiến một tuần giao dịch giảm điểm mạnh nhất từ cuối tháng 5 đến nay, khi giảm tới 4,5% từ mức 960 điểm về 917 điểm do lo ngại về chiến tranh thương mại, khối ngoại tiếp tục bán ròng, tỷ giá tăng cao…
Đà giảm của TTCK thời gian qua phần nào phản ánh tâm lý hoảng loạn của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư trong nước.
Thị trường đã rẻ hơn nhiều
Theo công ty Chứng khoán VCSC, áp lực bán khiến thị trường giảm điểm xuất phát từ nhiều yếu tố. Đầu tiên phải kể đến là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất lên 4 lần trong năm 2018.
Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ công bố áp thuế đối với hàng hóa nhập từ Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD có hiệu lực từ ngày 6/7, khiến căng thẳng thương mại thế giới gia tăng.
Yếu tố tiếp theo là đồng Nhân dân tệ trượt giá 1,8% so với đồng USD sau khi Trung Quốc công bố giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và tăng cung tiền khiến tiền đồng trượt giá 1,1%. Cuối cùng là hiệu ứng lan truyền khi dòng vốn thế giới chảy khỏi các thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, tuần qua, TTCK toàn cầu đã ghi nhận sự khởi sắc bất chấp những thông tin lo ngại chiến tranh thương mại đã thành hiện thực. Đồng USD cũng có diễn biến thuận lợi khi chỉ số DXY đến cuối tuần thậm chí đã về dưới mức 94 – vùng gần đáy trong một tháng trở lại đây.
Với những diễn biến trong khoảng thời gian qua, hiện tại PE của TTCK Việt Nam đã quay về gần mức 17 lần, trong khi mức đỉnh là gần 22 lần khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại.
Mức PE này của Việt Nam đã thấp hơn nhiều các quốc gia trong khu vực như: Indonesia (19,5 lần), Philippines (18,5 lần), Malaysia (17,3 lần)…
Điều này chứng tỏ định giá tại TTCK Việt Nam đã không còn đắt, nếu bóc tách sức ảnh hưởng từ một số cổ phiếu “đặc biệt” thì PE trung bình của TTCK Việt Nam sẽ giảm xuống chỉ còn 14 lần. Đây là con số khả quan cho sự hấp dẫn của thị trường.
Trong một nhận định mới đây của công ty Chứng khoán HSC cũng cho biết mặt bằng định giá của 70 mã lớn hiện đã giảm về hơn 14,5 lần, nghĩa là thị trường hiện đã rẻ hơn rất nhiều.
Mặc dù trên thực tế tình hình thế giới vẫn còn nhiều bất ổn và sẽ phức tạp hơn bởi tranh chấp thương mại, TTCK Việt Nam đã giảm khá mạnh trong một thời gian ngắn và hiện đã có giá trị tốt để đầu tư.
Việc liên tiếp lao dốc trong thời gian vừa qua đã khiến nhiều cổ phiếu trong nhóm ngân hàng – nhóm cổ phiếu được cho là đang dẫn dắt thị trường, rẻ đi đáng kể. Điển hình, trong quý II vừa qua, mã HDB đã để mất tới 36% giá trị, MBB mất 24%; BID mất 40%; CTG mất 30%; VCB mất 18%…
TTCK Việt Nam đã giảm khá mạnh trong một thời gian ngắn và hiện đã có giá trị tốt để đầu tư |
Mảnh ghép khối ngoại
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018 (VBF), ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, cũng cho rằng mặt bằng giá trị các công ty niêm yết tại Việt Nam thuộc loại khiêm tốn nếu không muốn nói là khá rẻ và hấp dẫn.
TTCK Việt lao dốc đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng có nhiều nguyên nhân đã được giải tỏa.
Tuy nhiên, “nút thắt” quan trọng nhất khiến thị trường bị kìm hãm là động thái bán ròng của khối ngoại vẫn đang được duy trì.
Trong tuần qua, khối ngoại đã duy trì bán ròng hơn 1.700 tỷ đồng trên cả hai sàn giao dịch, gấp 3 lần số bán ròng trong tuần trước.
Hoạt động bán ròng suốt từ tháng 4 tới nay (loại trừ giao dịch đột biến Vinhomes, Yeah1…) đã ảnh hưởng không tốt tới diễn biến thị trường trong cùng giai đoạn.
Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, TTCK đã có phiên hồi phục mạnh mẽ, nhưng đà hồi phục này đã không duy trì được đến phiên đầu tuần này (9/7), khi Vn-Index tiếp tục giảm nhẹ 0,26% về mốc 915,12 điểm.
Nhóm ngân hàng sau khi “bốc đồng” buổi sáng đã bị chốt lời khá mạnh và nhiều cổ phiếu như VCB, SHB, TCB, VIB… đã giảm điểm. Những cổ phiếu khác như TPB, HDB, VPB, BID, MBB… cũng bị thu hẹp đáng kể đà bứt phá.
Điều quan trọng là khối ngoại tiếp tục bán ròng 160 tỷ đồng trong phiên 9/7, khiến thị trường càng thêm ảm đạm, thanh khoản thị trường vẫn tiếp tục “èo uột” với trị giá đạt 2.770 tỷ đồng.
Do đó, nói động thái của khối ngoại là “nút thắt” quan trọng của TTCK là không hề quá lời. Một động thái giảm bán ròng hoặc quay trở lại mua ròng, sẽ là một cú hích giải tỏa tâm lý cho nhà đầu tư trong bối cảnh hiện tại.
Cùng với đó, tuần này, kết quả kinh doanh quý II của một số doanh nghiệp dần hé lộ cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới diễn biến thị trường.
Theo dự báo của công ty Chứng khoán HSC, lợi nhuận ước tính 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp vẫn sẽ tích cực và EPS năm nay tăng khoảng 24%.
Mặc dù khởi đầu tuần mới không mấy thuận lợi, nhưng theo nhận định của HSC, tuần giao dịch 9 – 13/7 có thể sẽ tăng điểm nhẹ với thanh khoản được cải thiện.
Cùng với những thông tin hỗ trợ tích cực về tình hình kinh tế, trong một vài phiên tới, “mảnh ghép” khối ngoại sẽ tham gia vào diễn biến chung của thị trường.
Linh Đan