SeABank vừa công bố thông tin giao dịch cổ phiếu của người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ ngân hàng.
Theo đó, ông Lê Tuấn Anh tiếp tục đăng ký bán ra 2 triệu cổ phiếu SSB bằng phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh trong khoảng thời gian từ ngày 19/11 đến 17/12 với mục đích cơ cấu tài chính cá nhân.
Ông Lê Tuấn Anh tiếp tục đăng ký bán ra 2 triệu cổ phiếu SSB. |
Ngay trước đó, ông Tuấn Anh đã bán thành công 1,5 triệu cổ phiếu SSB theo hình thức khớp lệnh. Giao dịch được thực hiện trong khoảng thời gian từ 17/10 tới 12/11. Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu mà ông Tuấn Anh sở hữu là 51,97 triệu cổ phiếu, tương đương 1,833% vốn.
Nếu giao dịch tới đây thành công, số lượng cổ phiếu mà ông Tuấn Anh sở hữu dự kiến sẽ giảm xuống còn hơn 49,97 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,763% vốn tại SeABank.
Được biết, ông Tuấn Anh liên tục bán ra cổ phiếu SSB bắt đầu từ cuối tháng 8 đến nay. Đây cũng là giai đoạn cổ phiếu này bắt đầu giảm mạnh, từ mức 20.000 đồng/cp. Hiện, cổ phiếu SSB đang lình xình quanh mức giá 17.000 đồng/cp.
Chốt phiên ngày 14/11, thị giá cổ phiếu SSB dừng ở mức 16.750 đồng/cp, giảm gần 17% so với mức đỉnh tại phiên ngày 23/8. Tạm tính theo mức giá này, ông Tuấn Anh có thể thu về khoảng hơn 33 tỷ đồng nếu bán hết số cổ phiếu đã đăng ký.
Đáng chú ý, không chỉ ông Tuấn Anh mà cha của ông là ông Lê Hữu Báu - người đồng sáng lập của Tập đoàn BRG (BRG Group) cùng Madame Nga - cũng là vợ ông Báu, đã bán thành công 43,37 triệu cổ phiếu SSB trong thời gian cuối tháng 10 - đầu tháng 11 vừa qua, nhằm “giảm tỷ lệ sở hữu để đáp ứng quy định của Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024”.
Hiện tại, Madame Nga đang nắm hơn 111 triệu cổ phiếu SSB, tương đương tỷ lệ sở hữu 3,936%. Còn con gái Madame Nga - bà Lê Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch HĐQT SeABank, sở hữu hơn 65 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ là 2,316%.
Trong diễn biến liên quan, ngày 15/11, SeABank tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2024.
Nội dung họp Đại hội xoay quanh tờ trình về việc bầu bổ sung thành viên Ban kiểm soát cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2023 - 2028, nâng số lượng thành viên Ban kiểm soát từ 3 lên 5 thành viên.
Hai ứng viên bầu bổ sung vào Ban kiểm soát SeABank lần này là ông Nguyễn Ngọc Quỳnh và ông Lương Duy Đông. Đây đều là những nhân sự cốt cán, có nhiều năm làm việc tại SeABank.
Trong đó, ông Quỳnh là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản SeABank (SeABank AMC), Thành viên HĐTV Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF); còn ông Đông là Trưởng Ban kiểm soát PTF.
Trước thềm ĐHĐCĐ bất thường năm 2024, HĐQT SeABank ngày 14/11 đã có quyết định miễn nhiệm các chức vụ trên của ông Nguyễn Ngọc Quỳnh và ông Lương Duy Đông kể từ ngày 15/11/2024.
Mặt khác, được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, SeABank đã chính thức hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 24.957 tỷ đồng lên 28.350 tỷ đồng, tương đương tổng tỷ lệ tăng gần 13,6%.
Phần vốn gia tăng thêm của SeABank được thực hiện thông qua việc phát hành cổ phiểu để trả cổ tức năm 2023 và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Kế hoạch này nằm trong lộ trình tăng vốn đã được ĐHĐCĐ thường niên 2024 của SeABank thông qua.
Về tình hình kinh doanh, SeABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm ở mức 4.508 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023, thực hiện 76,6% kế hoạch lợi nhuận cả năm (5.888 tỷ đồng). Ước tính riêng trong quý III/2024, lợi nhuận của SeABank ở mức 1.269 tỷ đồng, tăng 11%.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, tổng tài sản SeABank đạt 288.518 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng là 196.890 tỷ đồng. Tính đến cuối quý III/2024, tỷ lệ nợ xấu của SeABank ở mức 1,87%.
Châu Anh