Tính từ ngày 23/10 đến nay, cổ phiếu VHM đã mất gần 15% chỉ sau 6 phiên giao dịch với “sắc đỏ” chiếm ưu thế hoàn toàn; vốn hóa theo đó giảm về hơn 178.000 tỷ đồng.
Cập nhật mới nhất trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), tính đến cuối phiên 29/10, Vinhomes đã mua được tổng cộng gần 48 ,2 triệu cổ phiếu quỹ, tăng thêm hơn 8,8 triệu đơn vị so với cuối phiên 28/10.
Cổ phiếu VHM tiếp tục giảm về mức 41.050 đồng/cp trong phiên 30/10. |
Theo kế hoạch, Vinhomes sẽ mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu quỹ (chiếm 8,5% tổng lượng cổ phiếu lưu hành) theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thoả thuận từ ngày 23/10 đến 21/11/2024. Mục đích mua lại được Vinhomes đưa ra là do thị giá cổ phiếu VHM đang ở mức thấp hơn so với giá trị thực của công ty nên việc mua lại cổ phiếu để đảm bảo quyền lợi của công ty và cổ đông. Theo quy định, mỗi ngày, Vinhomes sẽ đặt mua tối thiểu 11,1 triệu cổ phiếu và tối đa 37 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian diễn ra giao dịch.
Trước đó, đầu tháng 9, Vinhomes đã công bố kết quả lấy ý kiến cổ đông về việc mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu VHM. Việc mua lại cổ phiếu sau đó đã được cổ đông thông qua với tỷ lệ tán thành trên tổng số phiếu biểu quyết hợp lệ là 99,91%.
Ước tính số tiền Vinhomes có thể phải chi ra cho thương vụ này lên đến hơn 17.000 tỷ. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ mua cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam. Phía công ty khẳng định kế hoạch mua lại cổ phiếu sẽ được tài trợ bằng lượng tiền mặt có sẵn và dòng tiền hoạt động, nhờ vào doanh thu từ việc bán một số dự án. Do đó, việc mua cổ phiếu quỹ sẽ chỉ có tác động hạn chế đến các chỉ tiêu về thanh khoản và nợ vay của công ty.
Trở lại hiện tại, việc cổ phiếu VHM liên tục đi xuống đã trái với kỳ vọng của một bộ phận nhà đầu tư rằng giá cổ phiếu sẽ tăng khi có một lượng cầu lớn mua vào khiến nguồn cung ngày càng co hẹp lại.
Lý giải về xu hướng giảm giá cổ phiếu VHM, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho biết, đây là câu chuyện về cơ bản, khi một doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ thì muốn mua ở mức giá phù hợp với book value (giá trị sổ sách). Giá trị sổ sách của VHM năm nay khoảng 44.000 đồng/cp. Tính cả lợi nhuận năm nay và năm tới, giá trị sổ sách của VHM tăng lên khoảng 50.000 đồng/cp.
“Do vậy, giá từ 44.000 – 50.000 đồng/cp là hợp lý để Vinhomes mua lại cổ phiếu. Nếu mua đắt, khi đến đại hội đồng cổ đông công ty sẽ bị hỏi tại sao? Nếu mua quanh book value thì rất dễ để giải trình. Tôi cho rằng đây là vùng giá hợp lý của VHM”, ông Đức nói.
Nhận định thêm về cổ phiếu VHM theo phân tích kỹ thuật, ông Đức cho rằng cổ phiếu VHM đã kết thúc một nhịp tăng và bước sang nhịp điều chỉnh có thể về 41.000 – 42.000 đồng/cp. Ở vùng đáy trên, giá cổ phiếu sẽ bật lại, ở nhịp tăng mới có thể lên vùng 50.000 – 52.000 đồng/cp.
Trong một diễn biến khác, mới đây, Tập đoàn Vingroup đã có động thái mới với Vinhomes.
Cụ thể, Vingroup vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc sử dụng tài sản đảm bảo thuộc sở hữu của tập đoàn để đảm bảo các nghĩa vụ của CTCP Vinhomes liên quan đến các trái phiếu Vinhomes dự kiến phát hành riêng lẻ thành nhiều đợt với tổng mệnh giá không quá 4.000 tỷ đồng.
Trước đó, vào đầu tháng 10, Vingroup đã thông qua nghị quyết HĐQT về việc cấp bảo lãnh thanh toán và sử dụng tài sản thuộc sở hữu của tập đoàn để bảo đảm cho các trái phiếu do công ty con này phát hành riêng lẻ trong năm nay, với tổng mệnh giá tối đa không quá 6.500 tỷ đồng.
Châu Giang