Tiêu thụ giảm sút, lo ngại những biến đổi khó lường về chính sách khiến nhà đầu tư thiếu niềm tin về triển vọng cổ phiếu ô tô. Hầu hết cổ phiếu nhóm ngành này đều giảm giá từ đầu năm 2018 đến nay.
Theo VAMA, tổng doanh số bán hàng trong 6 tháng đầu năm 2018 của toàn thị trường ô tô Việt Nam đạt 125.659 xe, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Rào cản chính sách
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 6/2018, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 21.913 xe, giảm 5% so với tháng 5/2018, tăng 10% so với tháng 6/2017.
Trong đó, bao gồm 15.185 xe du lịch; 6.281 xe thương mại và 447 xe chuyên dụng. Theo đó, doanh số xe du lịch giảm 1%; xe thương mại giảm 8% và xe chuyên dụng giảm 42% so với tháng trước.
Cũng theo VAMA, kết thúc tháng 6/2018, Toyota Việt Nam dẫn đầu các thương hiệu với 4.268 xe, giảm 10% so với tháng trước đó và giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp theo là Vinamazda với 2.681 xe Thaco Kia 2.354 xe, Thaco Truck 2.311 xe, và Honda Việt Nam với số xe bán được là 2.262 xe.
Về thị phần, Trường Hải tiếp tục sở hữu thị phần lớn nhất chiếm 41% nhờ danh mục sản phẩm đa dạng. Vị trí thứ hai vẫn thuộc về Toyota với 20,9%, tiếp đến là Honda với 9,1%, Ford, 7,8%.
Về các hãng xe sang, nhờ vào việc kinh doanh cả xe lắp ráp và nhập khẩu, trong tháng 6, lượng tiêu thụ xe Mercedes tăng đột biến, lên 791 xe, tăng 3,7% so với tháng trước. Tổng doanh số mà hãng này thu được trong 6 tháng đầu năm, ước đạt 2.941 xe.
Trong khi đó, đối thủ Lexus chỉ bán được một xe trong tháng 6, nhưng vẫn là mức tăng so với tháng 5 không bán được xe nào. Trước đó, trong giai đoạn từ tháng 2 – tháng 5, Lexus cũng chỉ tiêu thụ được tổng cộng 3 chiếc xe tại Việt Nam.
Theo VAMA, lũy kế 6 tháng đầu năm, toàn thị trường bán được 106.678 xe lắp ráp, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái; xe nhập khẩu chỉ đạt 19.039 chiếc, giảm 49% sản phẩm với cùng kỳ.
Nguyên nhân của chênh lệch này một phần đến từ việc cắt giảm nguồn cung xe nhập khẩu nguyên chiếc từ một số nhà sản xuất ô tô, ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối.
Động thái này được cho là do ảnh hưởng từ Nghị định 116 có hiệu lực từ 1/1/2018 về việc siết chặt các quy định tiêu chuẩn đối với xe nhập khẩu về xuất xứ, kiểu loại, mức độ khí thải…
Sau khi Nghị định 116 ra đời, các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực ôtô tại Việt Nam như Toyota, Honda đã bất ngờ thông báo ngưng mọi hoạt động xuất xe sang Việt Nam, do quy định mới về rào cản phi thuế quan của Nghị định 116.
Tính trong vòng hơn một năm qua, cổ phiếu HAX đã giảm 72,6% từ vùng giá 59.700 đồng/cp |
Cổ phiếu lao dốc
Tình hình tiêu thụ kém khả quan kể trên ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp phân phối ô tô đang niêm yết, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng tới giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này, bên cạnh yếu tố thị trường.
Hiện tại, trên sàn niêm yết có ba doanh nghiệp phân phối ô tô là Haxaco (mã: HAX) dẫn đầu về thị phần phân phối dòng xe Mercedes với 34%; Savico (mã: SVC) phân phối nhiều hãng xe như Toyota, Ford, Honda… ; và City Auto (mã: CTF) đơn vị phân phối xe Ford lớn thứ hai tại Việt Nam.
Kết thúc quý I/2018, HAX chỉ lãi ròng gần 2 tỷ đồng, giảm tới 93% so với cùng kỳ 2017 do thu nhập từ tiền thưởng và hỗ trợ từ Mercedex Benz Việt Nam giảm hơn 57%, xuống chỉ còn hơn 19 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của Haxaco đạt 1.319 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu năm. Nợ vay tài chính đạt 771 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ vay ngắn hạn, chiếm 83% nợ phải trả. Sau khi trừ các khoản chi phí, Haxaco lỗ thuần gần 17,8 tỷ đồng.
Cổ phiếu HAX cũng lao dốc mạnh từ vùng giá 23.600 đồng/cp (sau điều chỉnh vào tháng 3/2018), xuống còn 16.300 đồng/ cp, tương đương giảm 31% so với đầu năm. Nếu tính trong vòng hơn một năm qua, cổ phiếu này đã giảm 72,6% từ vùng giá 59.700 đồng/cp.
Tương tự HAX, cổ phiếu SVC của Savico cũng đã giảm mạnh so với thời điểm đầu năm 2018. Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/7, SVC đóng cửa tại mức giá 42.000 đồng/ cp, giảm 20,7% từ vùng giá 53.000 đồng/cp.
Là nhà phân phối xe Ford, dòng xe được lòng người tiêu dùng Việt, nhưng cổ phiếu CTF của City Auto cũng không nằm ngoài xu hướng chung, khi giảm 26,7% từ vùng giá 23.400 đồng/ cp hồi đầu năm về 17.150 đồng/cp như hiện tại.
Ngoài cổ phiếu của ba doanh nghiệp phân phối, những mã cổ phiếu khác cùng nhóm ngành như HTL, TMT, HHS… cũng đã lao dốc mạnh trong thời gian qua.
Lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, nhưng cổ phiếu HHS của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy cũng đã giảm 28,4% kể từ đầu năm đến nay. Hiện cổ phiếu này đang giao dịch vùng giá “trà đá” 3.630 đồng/cp.
Cổ phiếu TMT của CTCP ô tô TMT cũng đã giảm hơn 27% từ cùng giá 9.400 đồng/cp hồi đầu năm xuống còn 6.850 đồng/cp. Thậm chí, cổ phiếu HTL của CTCP Kỹ thuật và Ô tô Trường Long đã giảm tới 51%, cùng với thanh khoản “hẻo” trong vòng nửa năm qua.
Câu chuyện doanh số tiêu thụ ô tô trong những tháng giữa năm không phải là bất thường, bởi đây là mùa mua sắm thấp điểm. Trong những năm trước, doanh số sẽ tăng vào những tháng cuối năm, thường là bắt đầu vào tháng 9.
Tuy nhiên, với sự ảnh hưởng của những chính sách điều chỉnh trong ngành ô tô như hiện nay, các doanh nghiệp sẽ xoay sở và làm quen thế nào để cải thiện tình hình kinh doanh, nhằm “cứu” giá cổ phiếu?
Linh Đan