Ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.Hà Nội cho biết, Hà Nội đặt mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước và khu vực, với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học là chủ thể, các doanh nghiệp là trung tâm.
Không ngừng đổi mới, sáng tạo
Trong thời gian qua, Hà Nội đã ban hành và triển khai đồng bộ nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động đổi mới công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và phát triển thị trường khoa học công nghệ, thu hút, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, Luật Thủ đô sửa đổi mới được thông qua sẽ tạo đột phá, tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế quản lý khoa học và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp.
Hà Nội đặt mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước và khu vực. |
Thông tin một số kết quả nổi bật về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hà cho biết, hoạt động đổi mới sáng tạo đã lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các cơ quan, viện trường và doanh nghiệp.
Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023. Hà Nội hiện đang đứng đầu toàn quốc về số lượng doanh nghiệp khoa học công nghệ trên địa bàn với 168 trên tổng số khoảng 800 doanh nghiệp khoa học công nghệ của cả nước (chiếm 21%).
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở KH&ĐT) Đặng Thị Hương cho biết, thành phố Hà Nội hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (chiếm 26,32% doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước). Đến nay, đã có 32 vườn ươm doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực (chiếm 38,1% tổng số vườn ươm của cả nước). Có 14 tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh (chiếm 40% cả nước).
"Thực tế này đã thể hiện sự tham gia tích cực của cộng đồng vào phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Thành phố, cũng như tính hiệu quả của các cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mà thành phố Hà Nội đã ban hành", bà Đặng Thị Hương nhấn mạnh.
Thiết kế gói chính sách riêng
Thực tế, trong những năm qua, với phương châm "lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ", "cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh", cải cách hành chính, "đồng hành cùng doanh nghiệp", thành phố Hà Nội luôn quan tâm công tác hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.
Với những thành tựu đang có, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thiện Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố; đến năm 2030, Hà Nội là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước và đến năm 2045, Hà Nội trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực châu Á.
Để đạt mục tiêu, Hà Nội sẽ tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. |
Để đạt được những mục tiêu cao hơn, theo ông Nguyễn Trường Phi (Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Bộ KH&CN), cần các cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính, khuyến khích doanh nghiệp quan tâm và ngày càng mạnh dạn đầu tư cho phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp Thủ đô, ngoài các cơ chế, chính sách hỗ trợ chung còn được hưởng các ưu đãi đặc thù được quy định tại Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024. Tuy nhiên, để các chính sách này thực sự đi vào thực tiễn cần sự đồng bộ hơn nữa giữa các bộ ngành, địa phương .
Theo ông Phi, doanh nghiệp được phân ra thành các nhóm khác nhau dựa trên mục tiêu phát triển, đó là: Nhóm doanh nghiệp lớn, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhóm doanh nghiệp khoa học công nghệ và nhóm khởi nghiệp sáng tạo.
Để đáp ứng được nhu cầu của các nhóm đối tượng khác nhau thì cần đưa ra những gói chính sách riêng làm sao để các nhóm này có thể "hấp thụ" được khi chính sách được đưa ra.
Cần phải nói thêm, dù nhu cầu đổi mới sáng tạo hiện nay có tiềm năng rất lớn, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Thủ đô nói riêng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, như thiếu vốn, thiếu nhân lực chất lượng cao, thiếu thông tin về công nghệ mới, khó khăn trong việc tiếp cận thị trường...
Trong bối cảnh đó, để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp Thủ đô, các chuyên gia đề xuất Hà Nội hỗ trợ thành lập hiệp hội đầu tư mạo hiểm để kéo nguồn vốn từ nước ngoài cho doanh nghiệp; có cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm; tăng cường sự hợp tác giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề tầm cỡ, quy mô lớn...
Hà Nội tuyên dương doanh nghiệp, công nhân lao động sáng tạo năm 2024 Ngày 2/10, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tuyên dương "Sáng kiến, sáng tạo trong công nhân, viên chức, lao động Thủ đô" và tôn vinh 10 doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động năm 2024. Đây là hoạt động thiết thực của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Hà Nội chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024); chào mừng kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024). Năm 2024, đã có trên 95.500 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, trên 2.000 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở. Từ hơn 800 sáng kiến và đề tài khoa học được lựa chọn đề nghị từ cấp trên cơ sở, Hội đồng thi đua LĐLĐ Thành phố đã xét chọn và công nhận 100 công nhân lao động đạt danh hiệu "Sáng kiến, sáng tạo trong công nhân viên chức lao động Thủ đô" năm 2024 và quyết định tặng Bằng khen của Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố cho 100 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào "Lao động sáng tạo" năm 2024. Trong tổng số trên 800 sáng kiến gửi về LĐLĐ TP. Hà Nội, có 736 sáng kiến tính được giá trị làm lợi bằng tiền với số tiền làm lợi hơn 563 tỷ đồng. Những sáng kiến cải tiến từ người lao động đã và đang đóng góp tích cực vào việc tăng cường sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, giúp họ vượt qua khó khăn, khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước. Tại Hội nghị vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ Hà Nội Lê Đình Hùng khẳng định sáng kiến không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức, nâng cao năng suất lao động mà còn tạo ra nhiều giá trị mới, mang lại sự phát triển lâu dài. Nhiều sáng kiến đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguyên vật liệu, cải thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường, có ý nghĩa tích cực về mặt an sinh xã hội, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn Thủ đô. |
Nam Phong