Đó là một trong những thông tin được chia sẻ tại Hội nghị xúc tiến hợp tác hành lang thương mại Đường bộ - Đường biển quốc tế mới Trùng Khánh (Trung Quốc) – TP.HCM diễn ra chiều 24/9. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế năm 2024, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai thành phố lớn.
Thông tin từ hội nghị, cho thấy quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được những thành tựu quan trọng, với kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2024 đạt 112,2 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc tiếp tục là đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, trong khi Việt Nam giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN và lớn thứ 5 trên thế giới.
TP.HCM và Trùng Khánh đang hợp sức thúc đẩy thương mại và đầu tư. |
Phó Thị trưởng Chính quyền thành phố Trùng Khánh, ông Trịnh Hướng Đông nhấn mạnh, Trùng Khánh nằm ở điểm kết nối giữa “Một vành đai, một con đường” và vành đai kinh tế sông Dương Tử.
Theo ông Trịnh Hướng Đông, hiện con đường thương mại quốc tế mới trên đất liền và biển đã hình thành chuyến tàu liên vận đường sắt - đường biển, xe chuyến xuyên biên giới và chuyến tàu liên vận quốc tế, kết nối trong nội địa với 72 thành phố và 154 ga tàu tại 18 tỉnh (khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương) Trung Quốc, đồng thời tiếp cận 538 cảng tại 125 quốc gia và khu vực trên toàn cầu.
Việt Nam là một điểm nút quan trọng trong Con đường thương mại quốc tế mới trên đất liền và biển. Lãnh đạo TP Trùng Khánh mời gọi các doanh nhân Việt Nam tận dụng tối đa con đường lớn này, đến Trùng Khánh để tham quan, tìm kiếm thêm cơ hội đầu tư và kinh doanh.
Trong những năm gần đây, Trùng Khánh đã phát huy vai trò là trung tâm tổ chức vận tải và logistics lớn. Trung tâm này đã kết nối các tỉnh khu vực phía Tây Trung Quốc và các nước ASEAN, phía Bắc kết nối với thị trường lớn ở châu Âu thông qua chuyến tàu Trung Âu; phía Nam mở rộng ra thị trường Đông Nam Á, thúc đẩy tuyến đường trở thành một đại lộ quốc tế toàn diện phủ sóng phía Tây, phục vụ toàn quốc, kết nối với ASEAN và hòa nhập với toàn cầu.
Ông Trịnh Hướng Đông bày tỏ tin tưởng rằng, con đường này “từ không đến có, từ có sẽ tốt hơn, chắc chắn sẽ trở thành con đường mở cửa, hợp tác và thịnh vượng cho các quốc gia dọc theo con đường”.
Chia sẻ thông tin với Thị trưởng Trùng Khánh, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, TP.HCM có sứ mệnh là trung tâm kinh tế của cả nước, với hệ thống các phương tiện giao thông đồng bộ gồm đường hàng không, đường sông, đường biển, đường bộ, đường sắt. TP.HCM quyết tâm đến năm 2035 xây dựng 180km đường sắt đô thị và mời gọi Trùng Khánh tham gia vào hệ thống đường sắt đô thị tại thành phố.
Cũng theo ông Hoan, TP.HCM muốn xây dựng huyện Cần Giờ thành trung tâm logistics và xây dựng cảng trung chuyển Cần Giờ (đang ở giai đoạn kế hoạch) tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Cảng trung chuyển Cần Giờ sau khi xây dựng có thể kết nối được với cảng Trùng Khánh, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế.
Cụ thể, việc hợp tác này không chỉ giúp giảm chi phí logistics mà còn tăng cường khả năng đổi mới, chia sẻ công nghệ và nâng cao hiệu quả trong chuỗi cung ứng.
TPHCM cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để hợp tác thương mại và logistics giữa hai địa phương phát triển mạnh mẽ.
“Đây là dự án lớn, nếu Trung ương đồng ý, TP.HCM sẽ kêu gọi các nhà đầu tư cùng tham gia và TP.HCM mong Trùng Khánh có thể tham gia tư vấn hoặc đầu tư", ông Hoan nói.
Hồng Hương