Tại Hội thảo "Hà Nội - Thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở" vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định, 70 năm qua, từ ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng (10/10/1954), Hà Nội đã và đang thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục tiêu xây dựng Hà Nội thành Thủ đô xã hội chủ nghĩa bình yên, tươi đẹp, phồn thịnh về vật chất, tinh thần.
Đô thị thông minh là tất yếu
Những thành tựu phát triển của Thủ đô không chỉ thể hiện qua sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, qua diện mạo hiện đại, phồn thịnh của đô thị, mà còn được minh chứng qua những chủ trương chính sách, chiến lược phát triển dài hạn, hướng tới một thành phố thông minh, xanh, bền vững.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội xác định rằng việc xây dựng một đô thị thông minh là điều tất yếu và cấp thiết.
Thành phố thông minh là mục tiêu của Hà Nội nhằm tạo nền tảng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. |
Thành phố thông minh không chỉ là giải pháp để giải quyết những thách thức về dân số, môi trường, giao thông và quản lý tài nguyên, mà còn là nền tảng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tối ưu hóa quản lý đô thị và phát triển xanh, toàn diện, bao trùm, bền vững.
Chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn là chìa khóa để Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và đặc biệt là nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong phát triển, chuyển đổi số không chỉ giúp xây dựng một hệ thống dịch vụ công minh bạch, hiện đại và hiệu quả, mà còn góp phần vào quá trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô và của đất nước, đem đến hạnh phúc cho người dân.
Hướng tới thành phố xanh - thông minh - hiện đại
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải, trong tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu trở thành một đô thị thông minh, hiện đại và bền vững, thành phố kết nối toàn cầu.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc chuyển đổi số, đề án 06 của Chính phủ, ứng dụng công nghệ số, xây dựng cơ sở dữ liệu số kết nối, các nền tảng số, phát triển hệ sinh thái thanh toán thông minh là yếu tố then chốt.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, nhiều đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chuyên ngành được duyệt đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ đầu tư xây dựng và quản lý đô thị, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô. Diện mạo đô thị Thủ đô đã có nhiều thay đổi, từng bước được hiện đại hóa, vị thế của Thủ đô ngày càng được nâng cao trong phạm vi toàn quốc, khu vực và quốc tế.
Nhiều chiến lược sẽ được đưa ra để Hà Nội hoàn thành mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, xanh, hiện đại. |
Để hướng tới những mục tiêu xa hơn, Hà Nội đang thực hiện Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, được Phó Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt vào ngày 16/6/2024.
Nhiệm vụ trên là dấu mốc quan trọng thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, thành phố Hà Nội với nhiều yêu cầu đổi mới nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển đô thị bền vững, bảo đảm tầm nhìn chiến lược dài hạn, thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết các vấn đề của đô thị như dân số, hạ tầng, nhà ở, môi trường…
Mục tiêu của Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 là phát triển Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; người dân Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.
Hà Nội cũng dự kiến thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, thành phố trực thuộc; quản lý chặt chẽ phát triển nhà ở cao tầng ở khu vực trung tâm; triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị; phát triển không gian ngầm đô thị; xây dựng khu vực nông thôn hài hoà với đô thị, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, bảo vệ môi trường cảnh quan, tạo sự bền vững.
Để thực hiện được các mục tiêu quan trọng trên, theo chuyên gia, Hà Nội cần có một nền tảng thể chế pháp lý mạnh mẽ và toàn diện hơn trên cơ sở phân cấp, phân quyền và tăng chính sách đặc thù, đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới thay vì chỉ ở quy mô quốc gia như hiện nay.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, phát triển và quản lý không gian kiến trúc đô thị cần chú ý tạo ra các cơ sở pháp lý mang tính hệ thống hơn để nâng cao chất lượng của công tác quy hoạch.
Đồng thời cần bảo đảm thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch và quản lý quy hoạch; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hướng tới thông minh hóa quá trình phát triển và quản lý đô thị.
"Đây là mô hình chính quyền đô thị đổi mới, thích hợp trong phân công, phân cấp quản lý. Hà Nội cần có mô hình chính quyền thích hợp, đủ năng lực quản lý. Các khu vực thành phố hình thành trong tương lai có vị thế liên kết chặt chẽ với Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng. Do đó, phải nâng tầm vai trò để các thành phố này không chỉ là của Thủ đô, mà còn là đầu mối liên kết với các vùng", TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định.
Hà Đô