Theo Giám đốc Sở Tài chính thành phố Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại lớn cho Thủ đô trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.
Đến trung tuần tháng 9/2024, ước tính thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp sau cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão là trên 2.287 tỷ đồng (22.848 ha lúa bị gẫy, đổ, dập nát; 13.832 ha lúa bị ngập; 10.830 ha rau màu bị ngập, ảnh hưởng; 9.045 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng; 4.212 ha thủy sản bị ảnh hưởng; 3.299 con gia súc bị chết; 453.104 con gia cầm bị chết, thất lạc…).
Nỗ lực khôi phục sản xuất
Để khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão, sớm ổn định đời sống nhân dân, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở NN&PTNT và chính quyền địa phương các cấp xây dựng phương án triển khai thực hiện các phương án phục hồi sản xuất.
Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết bổ sung 213 tỷ đồng hỗ trợ khôi phục sản xuất cây vụ Đông. |
Kết quả đánh giá sơ bộ thiệt hại của ngành nông nghiệp cho thấy, ước tính 2.287 tỷ đồng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực trồng trọt và thủy sản, lĩnh vực chăn nuôi thiệt hại ít hơn.
Đáng chú ý, trong khi thời điểm hiện tại, theo cơ quan chuyên môn đánh giá, thời tiết không phù hợp để hỗ trợ phát triển thủy sản do mùa Đông sắp tới. Từ nay đến cuối năm 2024, việc phát triển sản xuất trồng trọt chỉ có thể tập trung vào một số cây trồng vụ Đông để khôi phục sản xuất.
Phát triển cây vụ Đông là cơ hội để hộ nông dân tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống góp phần tăng sản lượng nông sản hàng hóa, đặc biệt là một số loại nông sản có giá trị chất lượng cao. Vì vậy để khôi phục nhanh sản xuất nông nghiệp sau bão, bù đắp sản lượng lương thực thực phẩm bị sụt giảm cần tập trung nguồn lực hỗ trợ sản xuất trồng trọt.
Từ những lý do thực tiễn nêu trên và để kịp thời góp phần ổn định tình hình sản xuất sau thiên tai bão lũ và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết về Hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ Đông góp phần khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Đối tượng áp dụng nghị quyết là các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện sản xuất cây vụ đông năm 2024 tại các diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại từ 30% trở lên do bão số 3 và mưa lũ sau bão. Chủng loại cây trồng được hỗ trợ là cây đậu tương, ngô, khoai tây, khoai lang, lạc, rau các loại.
Cụ thể, mức hỗ trợ sau khi đánh giá mức độ thiệt hại tại diện tích sản xuất nông nghiệp do cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, với đậu tương, ngô, lạc là 12 triệu đồng/ha; khoai tây, khoai lang là 30 triệu đồng/ha; rau các loại là 10 triệu đồng/ha.
Nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách cấp Thành phố cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện để hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định có tổng kinh phí dự kiến trên 213 tỷ đồng.
Đối tượng áp dụng nghị quyết là các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện sản xuất cây vụ Đông năm 2024 tại các diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại từ 30% trở lên do cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão số 3. Chủng loại cây trồng được hỗ trợ là cây đậu tương, cây ngô, cây khoai tây, cây khoai lang, cây lạc, cây rau các loại. Thời gian áp dụng vụ Đông năm 2024.
Đề xuất hỗ trợ người trồng đào, quất
Cũng tại kỳ họp thứ 18, HĐND thành phố Hà Nội diễn ra sáng 4/10, khi thảo luận về Nghị quyết Hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ Đông, đại biểu Lê Thị Thu Hằng (quận Tây Hồ) nêu ý kiến, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn quận có 65ha/99ha diện tích cây đào bị mất trắng (chiếm 65,4%); có trên 27,5/tổng số 30ha quất bị thiệt hại (chiếm trên 90%).
Riêng cây đào thiệt hại khoảng 39 tỷ đồng, thiệt hại với cây quất là 25 tỷ đồng. Quận đã báo cáo đề xuất và gửi về Sở NN&PTNT hỗ trợ 60 triệu đồng/ha với hoa đào; hỗ trợ 90 triệu đồng/ha quất.
Hà Nội sẽ xem xét chính sách đặc thù hỗ trợ người trồng đào, quất bị thiệt hại do bão số 3. |
Căn cứ Nghị quyết số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, tại khoản 6, Điều 5 nêu: Các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại chưa đưa trong quy định tại điều 1,2,3,4 thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, đặc điểm sản xuất và nhu cầu của địa phương quy định mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp.
Trên cơ sở quy định đó, đại biểu Lê Thị Thu Hằng đề xuất, ở nghị quyết này quy định giao cho các địa phương. Và như quận Tây Hồ hoàn toàn có điều kiện về ngân sách để áp dụng mức hỗ trợ phù hợp. Vì vậy, quận mong muốn có cơ chế để thực hiện hỗ trợ trong vụ đông xuân này.
“Áp lực là hỗ trợ người dân trên địa bàn sớm, kịp dịp Tết Nguyên đán, vì thế cần cơ chế của thành phố cho phép sử dụng ngân sách quận để hỗ trợ”, đại biểu Lê Thị Thu Hằng nêu.
Theo Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách (HĐND thành phố Hà Nội) Hồ Vân Nga, đề xuất của quận Tây Hồ là chính xác, vì có thể quận không cần nguồn tiền hỗ trợ của Thành phố nhưng cần cơ chế cho phép của HĐND. Điều này là do HĐND cấp tỉnh mới được quyết các nội dung mức chi vượt trên mức chi đã quy định của địa phương mà phù hợp với yêu cầu, khả năng ngân sách của địa phương.
Với đề xuất của đại biểu Lê Thị Thu Hằng, Sở Tài chính thống nhất với Ban Kinh tế - Ngân sách, sẽ xem xét trình cơ chế đặc thù, tăng thêm so với nghị quyết của Chính phủ và quyết định của UBND thành phố Hà Nội.
Đông Phong