Thái Nguyên là tỉnh ở vùng Trung du miền núi phía Bắc với cây chè là cây trồng chủ lực. Trong mục tiêu nâng cao giá trị cây chè, thời gian qua tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN).
Xem trước thời tiết để làm nông
Với hộ dân trồng chè, việc cập nhật diễn biến thời tiết có ý nghĩa lớn bởi lượng mưa, độ ẩm quyết định khâu chăm sóc, thu hoạch của người dân. Từ năm 2018, những trạm quan trắc cảnh báo, dự báo thời tiết ứng dụng công nghệ iMetos đã được lắp đặt ở nhiều vùng chè tỉnh Thái Nguyên.
Từ năm 2018, những trạm quan trắc cảnh báo, dự báo thời tiết ứng dụng công nghệ iMetos đã được lắp đặt ở nhiều vùng chè tỉnh Thái Nguyên. |
Ông Đồng Chí Minh, xã Tức Tranh (Phú Lương, Thái Nguyên), chia sẻ từ ngày có trạm quan trắc, bà con nông dân xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh rất thuận lợi, chủ động từ bón phân tới tưới nước. Sắp xếp lịch bón phân bằng cách cập nhật ở điện thoại dự báo thời tiết trong 5-7 ngày tới thế nào, từ đó quyết định bón phân mà không sợ bị rửa trôi.
Trạm quan trắc này nằm trong dự án ứng dụng công nghệ iMetos hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Với 5 trạm được lắp đặt ở 5 huyện của tỉnh gắn với các vùng cây trồng chủ lực, hoạt động bằng năng lượng mặt trời. Trạm quan trắc cung cấp thông số thời tiết, độ ẩm, nhiệt độ, lượng mưa, bức xạ mặt trời... Thông tin thời tiết dự báo từ 5-10 ngày kế tiếp, đảm bảo phạm vi chính xác 15-20km từ nơi đặt trạm.
Theo ông Nông Văn Nghị, Thư ký dự án Ứng dụng công nghệ iMetos hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên, dựa trên thông tin mà trạm quan trắc thu thập dự báo, có nhiều công cụ tính năng khác nhau được nghiên cứu hỗ trợ nông dân như lịch phun thuốc chủ động, bón phân trong 7 ngày, làm đất, xuống giống... người sản xuất nông nghiệp có thêm thông tin đầu vào để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Thái Nguyên là địa phương gần 70% xã ở khu vực Trung du miền núi, 30% dân số là dân tộc thiểu số. Vì vậy, 70% nguồn lực KHCN của tỉnh dành cho nông lâm nghiệp, nhằm tăng cường ứng dụng KHCN vào khu vực này. Trong đó, tập trung vào khoa học ứng dụng với việc nghiên cứu chuyển giao nhiều cây trồng, vật nuôi cho người dân.
Đưa công nghệ vào vùng dân tộc thiểu số
Cát Sâm vốn là cây trồng mọc tự nhiên ở đồi rừng huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Đây là loại cây dược liệu có nhiều tiềm năng, củ Cát Sâm có chứa saponin - hoạt chất quý có trong cây sâm Ngọc Linh, Đông trùng hạ thảo. Từ năm 2019, một dự án nghiên cứu quy trình trồng và chăm sóc Cát Sâm của trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên được thực hiện.
Sau 2 năm, dự án bắt đầu làm chủ quy trình trồng và chăm sóc Cát Sâm tự nhiên, bắt đầu đưa vào trồng thử nghiệm, thời gian thu hoạch củ là 4 năm. Theo tính toán, với mức giá 80 nghìn đồng/kg củ hiện tại, sau quy trình 4 năm, 1ha cho thu nhập 800 triệu đồng, tương ứng đạt doanh thu 200 triệu đồng/ha/năm. Điều này giúp nâng cao thu nhập cho bà con dân tộc ở miền núi.
Mô hình ứng dụng KHCN trong nhân giống chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ngựa bạch. |
Cách làm của tỉnh Thái Nguyên tại vùng nông thôn miền núi là lựa chọn đề tài khoa học gắn liền với thực tiễn sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn. Trên cơ sở mô hình thí điểm sẽ hoàn thiện quy trình ứng dụng khoa học công nghệ để lan toả tới các hộ miền núi khác. Đơn cử, như mô hình ứng dụng KHCN trong nhân giống chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ngựa bạch được HTX Chăn nuôi động vật bản địa ở xã Tức Tranh, huyện Phú Lương thực hiện.
Với kỹ thuật nhân giống và chăm sóc được chuyển giao, HTX được hỗ trợ xây dựng mô hình với 50 con ngựa cái và 5 ngựa đực, 3 năm sẽ sinh sản ra 100 con ngựa con. Quy trình công nghệ trong chế biến cao ngựa bạch và các sản phẩm khác cũng được chuyển giao cho HTX hứa hẹn tạo ra mô hình chăn nuôi công nghệ cao cho người dân địa bàn vùng núi.
Ông Trần Đình Quang, Chủ tịch HĐQT HTX Chăn nuôi động vật bản địa, cho biết hơn 1 năm thực hiện dự án, HTX đã giúp sinh sản ra 10 con ngựa con, dự kiến năm tới cho ra đời khoảng 50 con ngựa con. Một con ngựa con sinh ra trong vòng 6 tháng, bán 30-50 triệu/con, nếu không nuôi để thực hiện chức năng sinh sản thì có thể nuôi dùng làm ngựa thịt, nấu cao, sau 3 năm đạt 50-100 triệu đồng/con.
Theo bà Phạm Thị Hiền, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên, với xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, khi lựa chọn công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để đưa vào vùng dân tộc thiểu số thì phải lựa chọn KHCN mà bà con dân tộc có thể tiếp thu công nghệ đó. Từ thành công mô hình này mới có sức lan tỏa trên diện rộng, phát triển kinh tế của cả vùng.
Bài 2: Mở ra triển vọng mới trong sản xuất nông nghiệp
Thy Lê