Lại Sơn là một trong 3 xã đảo (cùng với An Sơn và Nam Du) thuộc làng nuôi cá lồng bè ở khu vực quần đảo Nam Du - được mệnh danh là "làng triệu phú trên biển”. Hiện, người dân trên địa bàn xã nuôi 2 giống cá chủ lực là cá bống mú và cá bớp, đồng thời nuôi thử nghiệm thành công một số loài cá mới có giá trị cao.
Nâng cao trình độ, kỹ thuật
Theo thống kê, xã đảo Lại Sơn hiện nay có trên 100 hộ nuôi cá, với hơn 700 lồng bè, sản lượng ước đạt hơn 1.000 tấn/năm, nhiều nhất là cá mú, cá bớp, có chất lượng vượt trội, được thị trường đánh giá rất cao, giá bán ổn định.
Đào tạo nghề giúp người dân địa phương nâng cao giá trị sản xuất (Ảnh TL). |
Xã được đánh giá có mật độ nuôi cá lồng bè nhiều nhất tỉnh Kiên Giang. Nhờ chính quyền địa phương làm tốt công tác tập huấn, nâng cao trình độ, giúp người dân chăm sóc, áp dụng tốt khoa học kỹ thuật, vùng biển nơi đây không bị ô nhiễm, đàn cá phát triển mạnh.
Ông Đặng Tiến Linh, xã Lại Sơn, phát triển 8 lồng nuôi với các loài cá như bóng cọp, bóng mú và bóng sao cho hay, với các hộ có lồng bè sẵn, chỉ cần đầu tư thêm con giống khoảng 30 triệu đồng, sau 18 tháng, trừ chi phí có thể thu lãi khoảng 50 triệu đồng/bè (10 - 20 m2).
Theo ông Linh, để có được thành công hiện tại, ông cùng nhiều hộ nuôi cá lồng địa phương đã được xã tạo điều kiện tham gia các lớp dạy nghề về nuôi trồng thủy sản an toàn, các khóa tập huấn chuyên đề, tập huấn đầu vụ…
Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng thường xuyên thông tin về thời tiết, dịch bệnh cho các hộ nuôi để có hướng chủ động ứng phó, đặc biệt là trong những tháng giao mùa.
Nhờ được dạy nghề, nâng cao kiến thức, nên các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn xã Lại Sơn đã chủ động được sản xuất và đầu ra, vừa mang lại lợi nhuận cao vừa giải quyết được nhiều việc làm tại chỗ, tái đầu tư năm sau cao hơn năm trước.
Lãnh đạo UBND xã Lại Sơn cho biết, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đào tạo nghề, mở các lớp tập huấn nhằm tổ chức lại nghề nuôi biển theo hướng liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ cao, để từ đó có thể mở rộng mô hình nuôi xa bờ và lồng nuôi chịu được sóng to, gió lớn.
Hướng tới du lịch sinh thái
Không chỉ chú trọng nâng cao hiệu quả sản xuất đơn thuần, những năm gần đây, xã Lại Sơn còn chủ động kết hợp nuôi cá lồng với phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho người dân.
Lại Sơn đang kết hợp nghề nuôi cá lồng với du lịch sinh thái (Ảnh TL). |
HTX Tiến Đạt, với 10 thành viên là các hộ nuôi cá lồng tại địa phương, đang là điểm sáng phát triển nuôi trồng kết hợp du lịch làng bè. Để phát triển nghề cá và phục vụ phát triển du lịch, HTX đã phối hợp với các ngành chức năng để áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất.
Hiện, các lồng cá của HTX được sắp xếp thành từng khu cụm riêng, tạo cảnh quan thông thoáng, giúp tàu bè du lịch có thể neo đậu dễ dàng, đồng thời bảo đảm dòng chảy, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Vào cao điểm mùa du lịch từ tháng 8 đến tháng 4 hàng năm, HTX đón khoảng 10.000 lượt khách/tháng. Lượng khách lớn cũng giúp đầu ra của HTX thuận lợi hơn. Hiện, ngoài phục vụ các dịch vụ ăn uống, tham quan khu vực nuôi trồng thủy sản, HTX còn mở rộng sang dịch vụ câu cá để đáp ứng nhu cầu của du khách và tạo thêm thu nhập cho thành viên.
Mục tiêu của HTX trong thời gian tới là sẽ tích cực kết nối với các doanh nghiệp để phát triển chuỗi nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó là kết nối với các công ty du lịch mở các tour và phát triển các dịch vụ liên kết phục vụ du khách.
Theo lãnh đạo UBND xã Lại Sơn, thành công của HTX Tiến Đạt đang mở thêm hướng đi mới, đem lại hiệu quả bền vững cho người dân gắn bó với nghề nuôi cá lồng trên địa bàn. Thời gian tới, bên cạnh hoạt động đào tạo nâng cao kỹ thuật nuôi cá, xã sẽ đẩy mạnh tập huấn, nâng cao kỹ năng về du lịch cho người dân, cải thiện chất lượng dịch vụ để thu hút du khách…
Hưng Nguyên