Huawei trong vòng xoáy cấm vận
Động thái siết chặt cấm vận của Mỹ không chỉ đơn thuần gia tăng áp lực với Huawei, mà nhiều khả năng sẽ "bóp nghẹt" hãng công nghệ khổng lồ của Trung Quốc.
Vừa vươn lên số 1 thế giới, mảng smartphone của "gã khổng lồ" Huawei được dự báo sẽ suy yếu sau hàng loạt lệnh cấm vận từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
..............................
Mảng tiêu dùng, trong đó có smartphone, laptop và các thiết bị điện tử khác, của Huawei đạt doanh thu 66,93 tỷ USD năm 2019, chiếm hơn 50% tổng doanh thu của hãng.
Trong bảng xếp hạng Fortune Global 500 năm 2020 vừa được công bố, Huawei lần đầu tiên lọt vào Top 50, đứng thứ 49 và tăng 12 bậc so với năm 2019, xét về doanh thu trên toàn cầu. Trong khi đó, Apple giảm 1 bậc xuống vị trí 12, còn Samsung giảm 4 bậc xuống vị trí 19.
Để có được thành tựu này, Huawei đã đổ "tiền tấn" vào rất nhiều hạng mục, từ các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tỷ USD, đến tự cung cấp chip nhớ, hợp tác với các hãng lớn chuyên về camera, cho đến thiết kế sản phẩm tiên phong.
Không thể phủ nhận rằng smartphone của Huawei ngày càng đẹp, nhiều tính năng, camera hàng đầu, vi xử lý cạnh tranh "sòng phẳng" với Qualcomm và Apple.
Đầu những năm 2000, Huawei đã thực hiện một chiến lược "toàn cầu hóa" trong nỗ lực biến hình ảnh từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Trung Quốc sang tập đoàn dịch vụ di động toàn cầu như ngày nay.
Theo tinh thần này, Huawei đã thành lập loạt cơ sở hoạt động tại Plano, Texas vào năm 2001, và bắt đầu xây dựng các trung tâm R&D sản phẩm trên toàn nước Mỹ.
Năm 2011, Huawei đã đánh dấu kỷ niệm 10 năm hoạt động tại Mỹ với cơ sở R&D Futurewei rộng 200.000 m2 tại Santa Clara, California, bao gồm các phòng thí nghiệm nghiên cứu tiên tiến nhằm tập trung phát triển các giải pháp truyền thông thế hệ mới cho khách hàng Mỹ, đồng thời hỗ trợ các nỗ lực phát triển Huawei trên toàn cầu.
Nhưng tham vọng của Huawei ở Mỹ, đặc biệt là Futurewei, đã bị cản trở sau khi Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công bố một báo cáo tuyên bố tập đoàn này đang gây ra những rủi ro về an ninh quốc gia và quyền riêng tư của người tiêu dùng. Huawei từ lâu đã phủ nhận những cáo buộc này.
Trước những lo ngại về an ninh an toàn, vào tháng 5/2019, Nhà Trắng đã bổ sung Huawei và 69 doanh nghiệp liên kết vào "danh sách đen" xuất khẩu, hạn chế các công ty Mỹ bán linh kiện cho họ mà không có giấy phép.
Sau đó, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã gia hạn miễn trừ tạm thời, nhưng chủ yếu giới hạn trong việc cho phép bán các bộ phận của sản phẩm hiện hành - không phải là sản phẩm mới. Mỹ cũng đã thêm 45 chi nhánh Huawei vào "danh sách đen".
Hoạt động kinh doanh tại Mỹ của Huawei bị ảnh hưởng trên nhiều mặt, cấm mua linh kiện từ các nhà cung cấp quan trọng của Mỹ như Google, Intel và đe dọa doanh số thiết bị viễn thông của họ tại đây.
Futurewei tại Mỹ không thể chuyển tài sản trí tuệ hoặc bí mật thương mại cho trụ sở của Huawei tại Trung Quốc hay các chi nhánh trong "danh sách đen" khác trên toàn thế giới.
Sau khi liệt Huawei vào "danh sách đen", hành động đầu tiên được phía Mỹ đưa ra là cấm hãng này sử dụng dịch vụ Google trên các thiết bị di động.
"Ở thị trường ngoài Trung Quốc, việc thiếu dịch vụ Google là vấn đề lớn. Huawei có thể tạm thời tập trung vào những phiên bản cũ, giá rẻ cho thị trường đang phát triển, nhưng chiến lược này không thể kéo dài và cũng không giúp họ tiến xa", Bryan Ma, Phó chủ tịch IDC, nói với CNBC.
Khi không còn loạt dịch vụ của Google, như Gmail, YouTube, Search... smartphone Huawei kém hấp dẫn hơn hẳn ở thị trường ngoài Trung Quốc. Hãng đã phải thu hẹp quy mô, rút lui ở hàng loạt khu vực trọng điểm, như châu Âu, Đông Nam Á... Thành tích dẫn đầu thị phần toàn cầu quý II của Huawei phần lớn nhờ sự ủng hộ của người dùng Trung Quốc.
Đến giữa tháng 5/2020, Huawei tiếp tục chịu thêm "phát súng chí mạng" khi chính quyền Mỹ yêu cầu các công ty nước ngoài phải xin giấy phép sử dụng công nghệ, phần mềm Mỹ nếu muốn sử dụng chip do Huawei thiết kế.
Ngày 17/8, chính phủ Mỹ tiếp tục thu hẹp tầm ảnh hưởng của Huawei khi thêm 38 chi nhánh của công ty này vào "danh sách đen".
Mục đích là ngăn Huawei tiếp cận chip và công nghệ sản xuất chip, khiến công ty Trung Quốc không thể mua sản phẩm bán dẫn hay bất kỳ loại chip nào được sản xuất bằng phần mềm hoặc công nghệ Mỹ nếu không có giấy phép đặc biệt.
Động thái này cũng hạn chế tình huống Huawei sẽ "lách luật", sử dụng bên thứ ba để tiếp cận công nghệ chip trong thương mại.
Nhận định về việc mở rộng lệnh cấm Huawei hôm 17/8, ông Tim Culpan - nhà bình luận mảng công nghệ của Bloomberg, cho rằng đây là "đầu đạn hạt nhân nhắm thẳng về phía Huawei".
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nói về động thái mới nhất của Mỹ trong chương trình sáng 17/8 cùng Fox News. "Huawei ư? Tôi gọi họ là Spy-Wei (gián điệp). Họ là thảm họa. Chúng ta sẽ không chia sẻ thông tin tình báo với bất cứ quốc gia nào sử dụng thiết bị của họ", ông Trump nhấn mạnh.
Hãng phân tích Eurasia Group cảnh báo Huawei có thể "gần như hoàn toàn" bị cắt đứt khỏi nguồn vật liệu bán dẫn quan trọng của mình, sau khi Washington quyết định siết giới hạn đối với họ. Và Huawei sẽ không có nhiều lựa chọn để xoay xở.
Ngay cả khi Huawei tìm được một nhà cung cấp không sử dụng công nghệ Mỹ và cũng không đến từ Mỹ - việc vốn đã hiếm hoi, thì những doanh nghiệp đó cũng chưa chắc muốn chọc giận Washington.
Việc được người dùng Trung Quốc ủng hộ là lý do giúp Huawei "lên đỉnh" thị trường smartphone trong quý II/2020. Theo số liệu từ Canalys, 70% doanh số của hãng trong quý vừa qua được bán tại Trung Quốc. Số liệu của IDC cũng cho thấy, smartphone Huawei bán chạy nhất tại Trung Quốc với hơn 40 triệu máy, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở thị trường ngoài Trung Quốc, hãng đang chứng kiến sự suy giảm mạnh mẽ. Theo Canalys, doanh số bán hàng của hãng trong quý II vừa qua giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo giới phân tích, việc sụt giảm trên chủ yếu liên quan đến lý do không có loạt dịch vụ của Google, và đây là điều đã được dự đoán trước. Khi việc sản xuất chip cũng không thể thực hiện, sắp tới đây, doanh số smartphone Huawei còn giảm tiếp.
Ông Nicole Peng, nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Canalys, cho rằng nếu không thể tiếp tục với chip Kirin, Huawei có thể chuyển sang sản phẩm của MediaTek.
Dù vậy, ông Peng cho rằng việc chuyển qua dùng chip của MediaTek sẽ "xói mòn lợi thế cạnh tranh" của Huawei khi nói đến phần cứng.
"Việc không còn chip Kirin chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu “tạo sự khác biệt và độc nhất” trên smartphone của hãng", Peng nhận xét.
Chip Kirin có ưu điểm nhanh, công nghệ tiên tiến, tích hợp AI, xử lý đồ họa tốt và có 5G. Trong khi chip MediaTek chưa có được những điểm nhấn này.
Không thể tiếp tục sản xuất Kirin sẽ khiến vị trí của Huawei trên thị trường smartphone không còn chắc chắn, đặc biệt là với smartphone cao cấp. Việc này cũng làm tổn hại đến hình ảnh thương hiệu quốc gia vốn rất quan trọng với Huawei.
Bên cạnh đó, việc dựa trên một chip kém mạnh hơn từ đối thủ có thể khiến Huawei mất lợi thế "sân nhà", bởi các công ty đồng hương khác, như Vivo, Oppo và Xiaomi, cũng đang hợp tác với MediaTek hay Qualcomm.
Theo chuyên gia công nghệ Mawston, tương lai của Huawei ảm đảm, nhưng không phải đã hết hy vọng. Hiện, Huawei có 5 lựa chọn đáng chú ý, nhưng không giải pháp nào hoàn hảo.
Thứ nhất, hãng có thể tiếp tục thiết kế các bộ vi xử lý Kirin và chuyển sang hợp tác với SMIC - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc, thay vì TSMC. Tuy nhiên, SMIC cũng sử dụng trang thiết bị của Mỹ, nên nhiều khả năng không thể nhận đơn hàng của Huawei. Ngoài ra, về mặt công nghệ, SMIC cũng thua kém TSMC.
Thứ hai, Huawei có thể đặt hàng chip của Unisoc (Trung Quốc). Unisoc tự thiết kế và sản xuất chip, nhưng là dành cho các sản phẩm giá rẻ, công nghệ không cao và khó đáp ứng được các tiêu chuẩn của Huawei. "Unisoc sẽ cần nhiều năm để cải tiến cả về chất lượng và sản lượng", Mawston nhận định.
Thứ ba là mua chip của MediaTek. Đây được cho là lựa chọn khả thi nhất. Ngoài ra, Huawei cũng đang sử dụng chip của MediaTek cho các mẫu điện thoại tầm trung và giá rẻ. Tuy nhiên, hãng Đài Loan cũng phải đánh giá xem liệu họ có đủ nguồn lực và năng lực để đáp ứng được đơn hàng đầy tham vọng của Huawei hay không.
Thứ tư là mua chip của Samsung. Hãng Hàn Quốc đang thiết kế và sản xuất chip Exynos. Tuy nhiên, họ có thể sẽ không muốn chia sẻ với Huawei - đối thủ đáng gờm nhất trên thị trường smartphone, nhất là khi Huawei vừa mới chiếm ngôi đầu của Samsung...
Cuối cùng, Qualcomm đang xin chính phủ Mỹ cấp giấy phép để họ tiếp tục hợp tác với Huawei.
Dù vậy, Mawston cho rằng sẽ không có nhiều thay đổi trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong tháng 11. Kết quả bầu cử nhiều khả năng sẽ tác động lớn đến số phận của Huawei.
"Lệnh cấm của Mỹ kéo dài bao lâu còn phụ thuộc ai sẽ thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 3 tháng tới", Greg Austin, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế của Singapore, nhận định.
................................
Nhật Minh