Hi-Tech | Thứ năm, 27/8/2020 | 07:20 GMT+7
0 |

'Miếng bánh' khổng lồ từ bán hàng trên livestream giữa mùa dịch COVID-19

"Sóng" livestream đang thu hút cả những CEO, doanh nhân nổi tiếng toàn cầu, với những buổi bán hàng thu hút hàng chục triệu lượt xem, cùng doanh số không tưởng.

Năm 2020, livestream đã thể hiện một sức sống mãnh liệt chưa từng có. Hàng loạt nền tảng dần hoàn thiện và được coi là kênh bán hàng chính thống của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu.

.............................

Giữa đại dịch COVID-19, livestream đã thể hiện những tiềm năng khổng lồ, song hành cùng sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống mạng 5G với khả năng mang đến hình ảnh ổn định và rõ nét hơn. 

Không chỉ trong lĩnh vực bán lẻ, livestream cũng giành được vị thế nhất định trong giáo dục, giải trí và du lịch.

Ngành công nghiệp livestream đang có sự góp mặt của những doanh nhân nổi tiếng ở Trung Quốc. Họ sẵn sàng tham gia online bán hàng với mục tiêu đáp ứng cơn khát mua sắm trực tuyến tại đất nước tỷ dân trong mùa dịch.

Lei Jun – nhà sáng lập kiêm CEO của hãng Xiaomi - nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ 4 thế giới, vừa có buổi bán hàng livetream đầu tiên thành công mỹ mãn trên nền tảng Douyin vào ngày 16/8.

Buổi livetream của ông đạt 50 triệu lượt xem, thu về 210 triệu NDT (khoảng 30 triệu USD) doanh số bán tivi và điện thoại thông minh.

"Tất cả những con số kể trên đều phá vỡ kỷ lục", ông Lei nói trong một bài đăng trên Weibo vào ngày 17/8. Ông tiết lộ thêm rằng kết quả đó làm chính bản thân ông bất ngờ.

Trong buổi livestream kéo dài 2 giờ, Lei đã giới thiệu với các khán giả của mình hàng loạt sản phẩm của Xiaomi gồm cả tivi LUX Transparent Edition và dòng điện thoại mới Mi10 Ultra. Được ra mắt vào ngày 11/8 nhằm đánh dấu kỷ niệm 10 năm của công ty, Mi 10 Ultra hỗ trợ video 8K và có giá 5.299 NDT.

Với chiến dịch đích thân bán hàng trên Douyin, Lei đã gia nhập hàng loạt những sếp công nghệ lớn ở Trung Quốc trở thành những ngôi sao trên thị trường livetream đang phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy ở Trung Quốc.

Một ngôi sao bán hàng online khác trong giới công nghệ Trung Quốc là Luo Yonghao - CEO hãng điện thoại Smartisan Technology.

Trong buổi livestream bán hàng mở màn của mình, Luo Yonghao đã bán được một khối lượng khổng lồ hàng hóa, từ điện thoại thông minh Xiaomi đến dao cạo râu Gilette, đồ ăn nhẹ và nhiều thứ khác.

Tổng trị giá sản phẩm của buổi livestream này vào khoảng 110 triệu NDT (tương đương 15,5 triệu USD), thu hút hơn 48 triệu lượt xem.

Hồi đầu tháng 3/2020, Li Jing, Giám đốc công ty chuyên về trang trí nội thất Mendale Textile, kiếm được 3,5 triệu USD sau buổi livestream kéo dài 4 tiếng.

Trong khi đó, James Liang, Chủ tịch Trip.com, bán các gói du lịch trị giá 8,4 triệu USD sau 5 lần livestream, mỗi lần khoảng một giờ đồng hồ. Tương tự, ngày 10/3, bà Dong Mingzhu, "sếp" của Gree Electric, bán được số đồ gia dụng có tổng giá trị 43,7 triệu USD sau 3 tiếng livestream.

Tỷ phú Jack Ma, người sáng lập Tập đoàn Alibaba, cũng đã tham gia cuộc thi bán hàng online với ngôi sao livestream Austin Li Jiaqi.

Jack Ma vốn là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên tạo được tiếng vang lớn trong thị trường video phát trực tiếp của Trung Quốc vào năm 2018, khi ông thực hiện một chiến dịch trên nền tảng Taobao.

Cuộc thi bán hàng gần đây xem ai có thể bán nhiều son môi hơn bằng cách phát trực tiếp trên nền tảng Youku, đã thu hút hàng triệu người xem. 

Kết quả, Austin Li Jiaqi, với biệt danh "vua son môi", đã giành chiến thắng với doanh thu 145 triệu USD khi kết hợp bán hàng cùng doanh nhân nổi tiếng Jack Ma.

Rõ ràng, livestream trong thương mại điện tử đang lớn dần và phát triển hơn từng ngày. Các chuyên viên cao cấp tại các công ty lớn coi bán hàng thông qua livestream là chuyện hiển nhiên.

Trung Quốc hiện nay là thị trường bán hàng livestream lớn nhất thế giới. Thống kê mỗi tháng tại các kênh livestream, có hơn 100 triệu người xem, doanh thu vượt con số 4,4 tỷ USD trong năm 2019.

Nhiều CEO cũng đã nhìn ra "miếng bánh béo bở" này, chính vì thế họ đã gia nhập và thu về hàng triệu USD trong thời gian qua.

Trung Quốc đang có hơn 900 nền tảng video trực tuyến, bao gồm 10 triệu người dùng đang hoạt động kiếm hàng tỷ USD từ livestream giải trí kết hợp thương mại điện tử.

Theo SCMP, vào năm 2017, cộng đồng livestream tại các nền tảng này đã mang về 4,5 tỷ USD (tương đương 100 nghìn tỷ VND).

Vài năm trước, nhiều người nghĩ rằng ngày tàn của ngành công nghiệp livestream ở Trung Quốc đã đến khi số người xem trực tuyến giảm, hàng chục triệu NDT mỗi năm mà các streamer kiếm được không còn bền vững.

Tuy nhiên, cho đến nay, lĩnh vực này vẫn không ngừng tăng trưởng nhờ các tính năng giải trí, thương mại được nâng cấp không ngừng.

Đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 càn quét toàn cầu, người dân buộc phải ở trong nhà nhiều đã khiến lượng người xem livestream tăng kỷ lục.

Zhang Dingding, nhà bình luận ngành công nghiệp Internet và cựu giám đốc của công ty nghiên cứu Sootoo có trụ sở tại Bắc Kinh, nói: "Livestream trong ngành thương mại điện tử là một mô hình đầy sáng tạo, cho phép người dùng tương tác và cùng tham gia. Sự tương tác góp phần thúc đẩy các giao dịch".

Những bước phát triển mới của ngành livestream cho thấy lĩnh vực này có khả năng phục hồi nhanh chóng sau COVID-19. Theo nghiên cứu của iiMedia, số người dùng các ứng dụng phát trực tiếp sẽ đạt 526 triệu trong năm nay.

"Tôi mong đợi ngành livestream sẽ tiếp tục phát triển sau đại dịch. Tuy nhiên, dự kiến số người dùng sẽ giảm xuống sau khi đạt mức kỷ lục vì người dân Trung Quốc sẽ có ít thời gian nhàn rỗi hơn trong tương lai", Mark Tanner, người sáng lập và giám đốc điều hành của công ty tư vấn China Skinny có trụ sở tại Thượng Hải nhận định.

Cơ hội đi kèm với thách thức, khi thị trường càng trở nên khốc liệt thì vấn đề càng nảy sinh nhiều. Một trong số đó là bài toán giữ chân khách hàng.

Nhiều thương hiệu đang sử dụng các KOL (người nổi tiếng) để bán hàng, song không ít hãng đã quên mất rằng, doanh thu lớn từ những KOL tên tuổi gắn chặt với KOL ấy thay vì bản thân nhãn hàng. Nói cách khác, doanh số của sản phẩm không liên quan đến chất lượng sản phẩm và độ uy tín của thương hiệu, mà đến từ độ nổi tiếng của KOL.

Tuy vậy, livestream có thể cải thiện hình ảnh nhãn hàng và độ nhận biết thương hiệu. Hình thức này có thể mang đến lợi ích lâu dài cho các nhãn hàng như tăng độ trung thành của khách hàng, gia tăng hình ảnh thương hiệu, mang đến những giá trị của marketing truyền miệng (word of mouth) và cải thiện sự quay lại của khách hàng.

Theo nhiều chuyên gia, dù livestream còn tồn tại rất nhiều thách thức và không ai có thể dự báo một cách chính xác xu hướng nào sẽ xảy ra sắp tới, các nhãn hàng tốt nhất nên tham gia hình thức này nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Xiaomi là một trong những thương hiệu thành công trong việc biến đổi livestream thành công cụ hiệu quả để quảng bá thương hiệu và PR. Đây cũng là nhãn hàng đầu tiên tổ chức họp báo online giới thiệu sản phẩm Xiaomi 10 hậu đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, Louis Vuitton lại là thương hiệu không mấy thành công với hình thức này. Nội dung livestream của Louis Vuitton bị chỉ trích là không tương thích với tính cao cấp và định vị thương hiệu sang trọng, dẫn đến ấn tượng xấu trong mắt người tiêu dùng.

“Nhờ có” đại dịch, hình thức livestream đang được sử dụng theo nhiều cách khác nhau mà trước đó chưa từng được nghĩ đến.

Trong tương lai, livestream sẽ được dùng trong y khoa, hàng không, blockchain, AI và mở rộng sang các lĩnh vực đa dạng khác nhau khi được kết hợp cùng mạng viễn thông 5G và các công nghệ tiên tiến như VR/AR.

Tại Việt Nam, livestream được xem là công cụ mô phỏng tốt nhất trải nghiệm mua sắm “như ngoài đời”. Người bán và người mua có thể tương tác được với nhau, được trực tiếp nhìn sản phẩm một cách chân thực vì không thể chỉnh sửa, mang lại độ tin cậy cao.

Đặc biệt, trong thời dịch bệnh, livestream chính là cách mà các doanh nghiệp duy trì kết nối trực tuyến với khách hàng dễ dàng và thường xuyên, hạn chế rủi ro lây nhiễm virus.

Livestream trên các nền tảng mạng xã hội hay thương mại điện tử tại Việt Nam đang thu hút hàng trăm nghìn lượt xem mỗi ngày. Nhiều tài khoản livestream trong nước cũng đạt được lượng người xem cao kỷ lục, mang về doanh số khủng cho các doanh nghiệp.

Chính vì thế, tận dụng các trang mạng xã hội hoặc các sàn thương mại điện tử để bán hàng online cũng được xem là “con đường hốt bạc” trong thời gian tới.

Dịch bệnh khiến thói quen mua sắm của nhiều người Việt thay đổi. Hiện nay, nhiều người muốn hướng đến sự tiện lợi nên đã tìm đến các trang mạng xã hội hay các sàn thương mại điện tử để mua sắm.

Dự báo trong tương lai, hình thức bán hàng qua livestream sẽ trở thành một phương thức tiếp thị không thể thiếu, gây ảnh hưởng lớn đến doanh số, mang tới nguồn thu khổng lồ cho nhiều doanh nghiệp.

..............................

Long Hưng

 

Tin khác

Đăng nhập

Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay

Đăng ký
Qui định
Quy định về đăng ký tài khoản và nội dung "Ý kiến của bạn" trên Vnbusiness

Hình đại diện và tên đăng ký ko phản cảm, ko có các thông tin bao gồm: link web, số điện thoại, email hoặc tên riêng..mang tính quảng cáo, thương mại cho cá nhân, tổ chức hoặc mang nội dung gây hại cho các tổ chức, cá nhân khác.

Các hoạt động của User ko vi phạm pháp luật và các qui định của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Nội dung bình luận ko chia sẻ link, số điện thoại, email hoặc quảng cáo cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào

Nội dung bình luận không vi phạm đạo đức, pháp luật, thuần phong mỹ tục Việt Nam

Nội dung bình luận không vu cáo, bôi nhọ, miệt thị, xuyên tạc, gây hại cho tổ chức, cá nhân

Nội dung bình luận không chửi bới, thô tục

Khi phạm qui, tài khoản sẽ bị khóa tạm thời.

Thông báo

Đăng ký thành công. Hãy kiểm tra email và kích hoạt tài khoản

Quên mật khẩu