Thôn Bản Vẽ cách trung tâm xã Nà Chì khoảng 5km về phía Tây Bắc, trồng và chế biến một loại chè đặc sản, đang từng bước tạo dựng uy tín và được người tiêu dùng đón nhận.
Trà của HTX chè Bản Vẽ đạt tiêu chuẩn OCOP (Ảnh: TL) |
Thiên nhiên ưu đãi nên đặc sản
Với khí hậu mát mẻ quanh năm cùng với điều kiện thổ nhưỡng tốt đã ban tặng cho cây chè ở Bản Vẽ hương vị riêng biệt. Có tổng diện tích diện tích 50 ha đang cho thu hoạch và hơn 20 ha trồng mới, chè Bản Vẽ là vùng nguyên liệu đặc biệt mang hương vị riêng của bà con người Tày địa phương. Chè Bản Vẽ khi pha có hương thơm dịu, có màu nước xanh nõn chuối pha với màu nâu cánh gián nhạt. Khi uống có vị chát nhẹ nhàng, vị ngọt tinh tế tạo nên sự riêng có.
Những cây chè cổ thụ còn không nhiều, nhưng đó là của quý mà cha ông để lại cho con cháu, từ những gốc chè cổ này đã sản sinh ra những nương chè xanh tươi cho búp thơm ngát, một nguồn sinh kế quan trọng cho bà con.
Có thể nói, nơi “nuôi dưỡng” sự sống của cây chè và cũng kết nối sinh kế cho bà con Bản Vẽ là HTX chè Bản Vẽ.
Qua tìm hiểu được biết, HTX chè Bản Vẽ được thành lập vào năm 2014 và tái cơ cấu hoạt động theo Luật HTX kiểu mới vào năm 2016. Để HTX đi vào hoạt động, UBND xã đã hỗ trợ 150 triệu đồng vốn cùng với 1 máy hút chân không, 1 máy sao chè loại lớn. Đến nay, HTX chè Bản Vẽ duy trì ổn định số lượng 22 thành viên. Từ khi HTX thành lập, tạo được thương hiệu, sản phẩm chè của thôn thuận lợi ra thị trường, giúp bà con yên tâm sản xuất.
"Những cây chè cổ đã có từ lâu lắm. Năm 2000, tôi cùng con trai trồng nương chè hơn 2 ha, những cây chè phát triển tốt xanh mướt cho hương vị đậm đà khó quên của đỉnh đèo quanh năm mây mù. Cây chè trở lại trong đời sống và dần trở thành một sản phẩm giúp bà con có thu nhập, đưa cái tên Bản Vẽ ra khỏi chân Đèo Gió xa xôi", ông Hoàng Thành Ngọc, hơn 70 tuổi, một thành viên HTX chia sẻ.
Và cũng từ khi tham gia HTX chè Bản Vẽ, ông Ngọc và các thành viên mới nắm chắc được quy trình làm ra được một sản phẩm hữu cơ, về quy trình trồng, chăm sóc và chế biến sản phẩm chè ở nơi đây.
Ông Ngọc chăm sóc vườn chè của mình theo quy trình nghiêm ngặt để có chè đạt chất lượng tốt nhất (Ảnh: TL) |
Ổn định vùng nguyên liệu
Ông Hoàng Xuân Cầu, Giám đốc HTX chè Bản Vẽ cho biết, Bản Vẽ có lợi thế nằm bên cạnh các thôn bản có vùng nguyên liệu chè hữu cơ với diện tích trên 300 ha, chiếm một nửa tổng diện tích chè của xã Nà Chì (569 ha). Do đó, các thành viên trong HTX chè Bản Vẽ thuận lợi tổ chức thu mua, hái chè nguyên liệu luôn được duy trì ổn định.
Vào các vụ thu hái chè từ tháng 2 đến hết tháng 9 âm lịch, mỗi ngày, các xưởng của HTX chè Bản Vẽ thu mua, chế biến khoảng 1 tấn chè búp tươi với giá mua vào từ 10.000 – 12.000 đồng/kg chè búp tươi (tương đương với khoảng 3 tấn chè khô/năm); tạo việc làm cho 20 lao động mỗi ngày.
Các mặt hàng chủ yếu của HTX là chè đinh, chè xanh, chè vàng. Trong đó, loại chè đinh (loại đặc biệt) có giá thành trên 2 triệu đồng/kg với những tiêu chuẩn khắt khe về nguyên liệu cũng như chế biến với số lượng có hạn.
Ngoài ra, còn các loại chè vàng, chè xanh có giá trung bình lần lượt từ 50.000 – 150.000 đồng/kg. Các sản phẩm chè của HTX nhận được sự chào đón của người tiêu dùng và luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
Với những mong muốn đưa sản phẩm chè Bản Vẽ trở thành sản phẩm đặc trưng, HTX chè Bản Vẽ đã cải tiến kỹ thuật sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và bao bì sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của huyện Xín Mần.
Lãnh đạo xã Nà Chì cho biết, là một trong những xã nằm trong vùng động lực của huyện Xín Mần, cấp ủy và chính quyền xã luôn quan tâm, ủng hộ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động có hiệu quả; qua đó đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đối với HTX chè Bản Vẽ, xã Nà Chì luôn tạo mọi điều kiện để HTX hoạt động thuận lợi và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, cấp ủy và chính quyền xã cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình chăm sóc, thu hoạch và chế biến chè của HTX để tránh tình trạng vì lợi nhuận mà gây tổn hại đến uy tín và chất lượng sản phẩm chè Bản Vẽ...
Những việc HTX chè Bản Vẽ đã và đang thực hiện không chỉ làm giàu cho quê hương, mà đã tạo công ăn việc làm cho người dân nơi đây thu hái được nguyên liệu ổn định, đời sống khấm khá hơn. Không còn nhà tranh vách đất, thay vào đó là nhà bằng gạch xây, ngói đỏ, nhiều hộ còn mua được các trang bị sinh hoạt đắt tiền.
Trang Minh