Tỉnh Hòa Bình có tổng số trên 160.000 đoàn viên thanh niên, trong đó số lượng đoàn viên là người đồng bào DTTS chiếm đến 70%. Với tư duy đổi mới, nghị lực, ý chí khát vọng vươn lên của tuổi trẻ, nhiều thanh niên là người DTTS đã quyết tâm bứt phá với các ý tưởng, dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp rộng khắp trên địa bàn.
'Ăn nên, làm ra' từ khi khởi nghiệp HTX
Vài năm trở lại đây, khi nhắc tới địa danh Hang Kia (Mai Châu), người ta không còn “lạnh sống lưng” như thời gian trước, khi đây là điểm nóng về buôn bán túy. Thay vào đó, Hang Kia đang trở thành một điểm văn hóa du lịch, mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên về văn hóa, ẩm thực của đồng bào Mông. Đây cũng được ví như thiên đường checkin săn mây kỳ thú mà hiếm nơi nào có được.
Một trong những người góp phần làm cho địa danh này trở thành điểm đến của nhiều du khách là anh Giàng A La, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia.
Chàng thanh niên người Mông Giàng A La (ngoài cùng bên trái), Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia giới thiệu với du khách sản phẩm thổ cẩm địa phương. |
Nói về lý do khởi nghiệp từ mô hình HTX, anh Giàng A La chia sẻ: Năm 2018, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng nghệ thuật Tây Bắc, anh quyết định trở về quê hương tìm kiếm lối đi riêng cho bản thân. Thời gian đầu, làm hướng dẫn viên du lịch, với mong muốn xây dựng Hang Kia trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế, tháng 6 năm 2020, anh quyết định thành lập HTX Dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia với 11 thành viên.
Sau đó, các thành viên của HTX đã đầu tư trồng hoa, tạo cảnh quan, quan tâm nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú; tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị như thăm quan vườn mận, trang trại cam rộng 15 ha của HTX…
Để tận dụng, phát huy giá trị từ những gian nhà truyền thống của người Mông, HTX đã cải tạo, chỉnh trang lại khuôn viên nhà ở của chính gia đình các thành viên. Và chàng giám đốc trẻ Giàng A La đã có được 4 căn nhà sàn độc đáo, đan xen kiến trúc truyền thống của người Mông và người Thái để đón khách du lịch về tham quan, trải nghiệm.
Điểm đáng chú ý ở mô hình du lịch này là khách du lịch có thể tự tay dệt thổ cẩm tại gia đình hộ thành viên HTX để tạo ra những bộ trang phục thổ cẩm độc đáo… Đến nay, sản phẩm du lịch cộng đồng (DLCĐ) Hang Kia được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao đã góp phần khẳng định uy tín, chất lượng điểm đến an toàn, thân thiện, đảm bảo các tiêu chí về dịch vụ của DLCĐ Hang Kia đối với du khách.
Cũng ở huyện Mai Châu (Hòa Bình), ít ai không biết đến HTX Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch Chiềng Châu, hiện nay là nơi làm việc chính của hơn 20 chị em phụ nữ trong xã.
Chị Vì Thị Oanh - Phó Giám đốc HTX kể: Năm 2013, khi bắt đầu lập nghiệp, chị cũng như nhiều thanh niên lúc đó có rất nhiều lựa chọn. Tiếc nuối khi thấy nghề truyền thống của dân tộc Thái từ thời ông bà truyền lại ngày càng mai một, với quyết tâm khôi phục, phát triển nghề truyền thống và từ sự động viên, ủng hộ của chính quyền huyện, xã, chị đã quyết tâm khởi nghiệp, quyết tâm thành lập HTX, với số vốn ban đầu chỉ vỏn vẹn là 500 triệu đồng.
Đến nay, sau 10 năm thành lập, HTX dần có hướng đi ổn định và định hướng lâu dài. Thị trường chủ yếu của HTX là làm theo đơn đặt hàng của các đơn vị ở thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và khách quốc tế. Để mở rộng kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX đầu tư xây dựng nhà xưởng, nhà trưng bày và trang bị hàng chục máy khâu chạy bằng điện, máy vắt sổ cũng như các khung dệt nhằm hỗ trợ sản xuất. Hiện nay, HTX có 14 máy may, hơn 40 khung dệt với khoảng 20 nhân công làm việc chính tại xưởng và 100 nhân công làm việc bán thời gian. Thu nhập trung bình của chị em dao động từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng.
Vai trò quan trọng của thanh niên khởi nghiệp
Những người như anh Giàng A La, chị Vì Thị Oanh đang trở thành những thanh niên trẻ tuổi người DTTS tiêu biểu không chỉ ở huyện Mai Châu mà cả tỉnh Hòa Bình. Họ trở thành những vị "đại sứ" giới thiệu những giá trị văn hóa của Hòa Bình với du khách thập phương trong thời gian qua. Không chỉ góp phần thay đổi quê hương, mà còn khẳng định được vai trò của đồng bào DTTS trong xây dựng, phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương, thông qua mô hình HTX.
Chị Vì Thị Oanh - Phó Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch Chiềng Châu (thứ bảy từ trái sang) cùng các thành viên HTX. |
Thực tế thì khu vực KTTT, HTX đang có những đóng góp khiến cho diện mạo nông thôn huyện Mai Châu đã có nhiều thay đổi tích cực, ngày càng khởi sắc. Cơ sở hạ tầng nông thôn, các thiết chế văn hóa được xây dựng đồng bộ, 15/15 xã có đường ô tô đến trung tâm xã; trên 83% đường trục xóm được cứng hóa và rải cấp phối; trên 69% đường ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa; 40% đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. Huyện có 7/15 xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 16,33 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 12 tiêu chí.
Còn nhìn ở góc độ vĩ mô, việc thanh niên nói chung và thanh niên vùng đồng bào DTTS khởi nghiệp được Chính phủ rất quan tâm và tạo điều kiện phát triển. Còn nhớ, năm ngoái Chính phủ đã ban hành Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022 - 2030 với nhiều hỗ trợ như: tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nền tảng cho thanh niên về khởi sự kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn; xây dựng, phát triển các kênh hỗ trợ phân phối và tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên;...
Mục tiêu cụ thể của Chương trình giai đoạn 1 (2022 - 2025) là hỗ trợ ít nhất 8.000 thanh niên khởi nghiệp, trong đó có 1.000 thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hằng năm, 100.000 thanh niên được trang bị kiến thức, tập huấn nâng cao năng lực về khởi nghiệp và quản trị doanh nghiệp.
Ít nhất 80.000 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Hỗ trợ thành lập 200 HTX do thanh niên làm chủ. Hằng năm hỗ trợ duy trì ít nhất 200 xã triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và có sản phẩm của thanh niên đạt chuẩn OCOP.
Chính sách ở tầm vĩ mô đã có, ở địa phương, việc khởi nghiệp từ mô hình HTX cũng được nhiều địa phương quan tâm, hỗ trợ. Như ở tỉnh An Giang, nhận thấy trăn trở của các startup mới bắt đầu kinh doanh, lập nghiệp chính là việc đưa sản phẩm ra thị trường để tiếp cận người tiêu dùng, Tỉnh đoàn An Giang đã thành lập cửa hàng “Cung cấp sản phẩm khởi nghiệp thanh niên và đặc sản địa phương” đặt ở mặt tiền Tỉnh đoàn để người dân ủng hộ các sản phẩm khởi nghiệp do chính những thanh niên của tỉnh làm ra.
Tỉnh An Giang cũng đã ban hành kế hoạch hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030 nhằm nâng cao nhận thức, khát vọng khởi nghiệp, phát triển năng lực khởi nghiệp của thanh niên trong tỉnh. Trong đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hỗ trợ ít nhất 350 thanh niên khởi nghiệp và ít nhất 25 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, HTX; hỗ trợ thành lập 4 hợp tác xã do thanh niên làm chủ; đào tạo kỹ năng số cơ bản cho trên 90% thanh niên, trên 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa do thanh niên làm chủ sử dụng nền tảng số…
Với những sự hỗ trợ, đặc biệt là các chính sách rõ ràng như vậy, tin rằng thanh niên nói chung, thanh niên vùng DTTS nói riêng trong những năm tới sẽ ngày một nhiều, trở thành trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương, vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Trà My
Bài cuối: Kỳ vọng một chính sách ‘dài hơi’ cho khu vực HTX