Dựa trên những tiềm năng sẵn có, sản xuất nông nghiệp của huyện Na Hang đã và đang có bước chuyển tích cực, đạt mức tăng trưởng trên 4%/năm. Nông nghiệp chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, một số nông sản chủ lực như rau trái vụ, cá hồ sinh thái, đậu tương, đậu xanh… bước đầu khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường.
Khai phá tiềm năng
Xã Hồng Thái là một trong những địa phương của huyện Na Hang đi đầu trong phát triển nông nghiệp hàng hóa. Hiện nay, xã đang duy trì trên 61,6 ha chè Shan tuyết, 30 ha chè Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên… Đồng thời, xã cũng quy hoạch phát triển 37 ha cây ăn quả, hơn 25 ha trồng bắp cải, súp lơ, cà chua, su su...
Na Hang đang kết nối các HTX, doanh nghiệp để khai phá tiềm năng sẵn có. |
Ông Chẩu Văn Bích, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Na Hang, cho hay để nâng cao hiệu quả trồng trọt, thời gian qua, xã Hồng Thái đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết giữa người nông dân với nhà khoa học, các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm có giá trị.
Điển hình, hiện nay trên địa bàn xã Hồng Thái có 159 hộ gia đình trồng lê, với diện tích trên 25 ha. Để nhân rộng diện tích cây lê, huyện đã hỗ trợ người dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng và chăm sóc, thực hiện gắn kết giữa nhà sản xuất, nhà khoa học, cùng HTX và doanh nghiệp để tạo dựng thương hiệu sản phẩm lê Na Hang.
Kể từ năm 2018 đến nay, huyện phối hợp với trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên triển khai Dự án ứng dụng khoa học - công nghệ trong việc trồng, chăm sóc và phát triển cây lê trên địa bàn xã nhằm phát triển cây ăn quả đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa.
Anh Bàn Văn Liều, dân tộc Tày, xã Hồng Thái cho biết, năm 2005, anh mạnh dạn đưa vào trồng 150 cây lê trên diện tích vườn của gia đình, đến nay vườn lê của anh đã cho thu hoạch khoảng 1,5 tấn quả/năm, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 100 triệu đồng.
Bên cạnh cây lê, xã Hồng Thái cũng đang triển khai khá thành công mô hình trồng cây dâu tây trên diện tích 1.000 m2. Đây là loại cây trồng khó thích ứng và cần kỹ thuật chăm sóc rất cao. Cây trồng sau khoảng 3 tháng có thể thu hoạch một lần và thời gian thu hoạch kéo dài tới 3 năm.
Anh Triệu Văn Lành, dân tộc Dao, là hộ gia đình đầu tiên trong xã tham gia mô hình trồng thử nghiệm cây dâu tây trên chân ruộng một vụ lúa chia sẻ, thực hiện mô hình, gia đình anh được hỗ trợ 1.200 cây giống và phân bón để chăm sóc cây trồng.
Sau hơn 2 năm triển khai, hiện mô hình trồng cây dâu tây của gia đình anh Lành đang sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng sản phẩm cao, giá trị bình quân đạt trên 50 triệu đồng/năm.
Không chỉ có cây ăn quả, dựa trên tiềm năng từ lòng hồ sinh thái Na Hang, huyện Na Hang cũng đang phát triển mạnh mô hình nuôi cá lồng, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha mặt nước.
Anh Chử Anh Khoa, thị trấn Na Hang, chia sẻ để nuôi cá đặc sản, ngoài quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh tốt thì diện tích lớn, nguồn nước sạch là yếu tố tiên quyết, đặc biệt đối với các loại cá đặc sản được coi là khó tính nhất như cá bỗng, lăng chấm, chiên, cá quả...
Nhờ sự đồng hành của địa phương, sự năng động của bản thân, gần 10 năm nuôi trồng thủy sản trên vùng lòng hồ với quy mô 30 lồng, trong đó có 10 lồng cá đặc sản, chưa năm nào anh Khoa gặp bất lợi, cá sinh trưởng, phát triển tốt. Mỗi con cá chiên, lăng chấm sau 3 năm đạt trọng lượng từ 2,5 - 3 kg, với giá 480 - 600 nghìn/kg mang lại nguồn thu hàng tỷ đồng.
Hình thành thế mạnh
Nhờ khai phá tốt các tiềm năng sẵn có, huyện Na Hang đang dần hình thành các mặt hàng nông sản có thế mạnh đặc trưng, giá trị kinh tế vượt trội. Đến nay, huyện có nhiều sản phẩm đã được cấp nhãn hiệu hàng hóa, điển hình như rượu ngô men lá Na Hang, rau an toàn Hồng Thái, cá đặc sản Na Hang, chè Shan tuyết Sinh Long, Hồng Thái…
Nhờ khai thác tốt các tiềm năng, Na Hang đã hình thành nhiều nông sản thế mạnh. |
Các sản phẩm của huyện đã được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gồm rau an toàn Hồng Thái, rau trái vụ Khâu Tinh, cá đặc sản Na Hang; sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ (Organic). Ngoài ra, sản phẩm cao chanh Khau Tinh, lê Hồng Thái đã có tem truy xuất nguồn gốc.
Huyện Na Hang cũng đã xây dựng thành công các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, cho hiệu quả cao như vùng sản xuất chè Shan tuyết rộng hơn 1.300 ha tại các xã Sinh Long, Hồng Thái, Sơn Phú; vùng sản xuất rau an toàn rộng 25 ha và 30 ha lê tại xã Hồng Thái; vùng nuôi trồng thủy sản ở hồ sinh thái Na Hang có 104 hộ và 3 HTX, doanh nghiệp tham gia với tổng số gần 1.000 lồng cá các loại.
Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Na Hang, ông Chẩu Văn Bích, cho biết việc phát huy các lợi thế để xây dựng sản phẩm thế mạnh là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa của huyện. Hướng tới mục tiêu phát huy nội lực và gia tăng giá trị, đẩy nhanh quá trình giàu nghèo, mang lại thu nhập cao cho người dân.
“Việc hình thành các sản phẩm thế mạnh không chỉ mang ý nghĩa phát triển sản xuất mà còn giúp khu vực nông thôn giải quyết những vấn đề quan trọng trong giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết kinh tế cộng đồng bền vững”, ông Chẩu Văn Bích khẳng định.
Để phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phát triển nông nghiệp hàng hóa, phát triển bền vững các vùng sản xuất quy mô lớn trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của sản phẩm nông nghiệp của từng địa phương.
Trong đó, huyện hỗ trợ, khuyến khích mở rộng vùng sản xuất đậu tương, đậu xanh, lúa nếp cái hoa vàng tại các xã có điều kiện; khuyến khích phát triển chăn nuôi đàn gia súc (trâu, bò, dê).
Đồng thời, huyện sẽ tạo cơ chế thu hút các HTX, doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi cá trên hồ sinh thái gắn với chế biến thủy sản. Từng bước xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn; đẩy mạnh liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho người dân…
Để hiện thực hóa mục tiêu, huyện Na Hang sẽ tiếp tục đẩy mạnh áp dụng, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật; lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án hỗ trợ để phát triển kinh tế nông nghiệp; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để phát triển thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa.
Bài 2: Sức bật từ các HTX, tổ hợp tác
Hưng Nguyên