Hơn 10 năm qua, huyện Đak Pơ đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc nhằm theo dõi, giúp đỡ các buôn, làng đồng bào DTTS tại địa phương. Với cách làm sáng tạo, bám sát cơ sở trong tổ chức thực hiện, đã giúp diện mạo nông nghiệp, nông thôn, đời sống của người dân trên địa bàn huyện đã có nhiều khởi sắc.
Các chính sách hỗ trợ kịp thời
Kể từ năm 2015 đến nay, cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, huyện đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực giúp người dân trên địa bàn phát triển kinh tế.
Đak Pơ đang có nhiều chính sách hỗ trợ giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. |
Đơn cử, huyện đã tổ chức hỗ trợ 1,34 tỷ đồng cho 67 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện định canh, định cư, đồng thời tổ chức hỗ trợ 70 con bò, trên 34 tấn phân bón, 55 tấn muối Iốt cho các hộ dân trên địa bàn (theo chương trình cấp không thu tiền các mặt hàng chính sách).
Bên cạnh sự hỗ trợ về vốn đầu tư, công tác tập huấn, dạy nghề, hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học - kĩ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao là chính sách được huyện Đak Pơ đặc biệt chú trọng.
Cụ thể, tại các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn, các hộ nuôi bò lai được ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ nhiều mặt, tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi, trồng cỏ chủ động tạo nguồn thức ăn sạch, giảm thiểu chi phí, tăng hiệu quả kinh tế.
Theo thống kê, toàn huyện Đak Pơ hiện có xấp xỉ 20.000 con bò, trong đó tỷ lệ bò lai đạt gần 86%. Mô hình nuôi bò lai không chỉ tạo ra cơ hội thoát nghèo mà còn giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu.
Anh Đinh Klen (làng Leng Tô, thị trấn Đak Pơ), người Banah, chia sẻ trước đây, anh sống chủ yếu dựa vào việc canh tác lúa trên rẫy, hết vụ lại đi làm thuê nên kinh tế gia đình luôn thiếu trước hụt sau, cái nghèo cứ đeo bám mãi.
Năm 2016, sau khi được hỗ trợ bò giống, cộng với vốn vay, cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, anh Klen xây dựng chuồng trại, trồng cỏ để tự túc thức ăn cho bò. Đến nay, đàn bò nhà anh đã nhân lên gần 10 con. Cuộc sống của gia đình đã không còn cảnh nghèo khó.
Tương tự, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ với hơn 70% là đồng bào dân tộc Banah sinh sống. Trong những năm qua, người dân trên địa bàn xã đã đoàn kết đồng lòng cùng với sự hỗ trợ của các cấp các ngành, triển khai nhiều chương trình mục tiêu phát triển kinh tế.
Tổng diện tích đất sản xuất hàng năm của xã hiện đạt gần 3.000 ha, trong đó gần 50% diện tích trồng mía, còn lại sản xuất lúa, mỳ, ngô lai và các hoa màu khác. Đàn bò hiện đạt gần 3.000 con.
Anh Đinh Yưm, làng Jro Dơng 2, xã Yang Bắc, chia sẻ: “Trước đây, nhà tôi khó khăn lắm, chỉ đến khi được Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ vay vốn, đời sống mới được cải thiện. Hiện, gia đình tôi đã đầu tư phát triển song song trồng mía, nuôi bò, thu nhập bình quân trên 70 triệu đồng/năm”.
Được biết, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xã Yang Bắc đã được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, từ đó tạo nên những chuyển biến toàn diện. Trên 90 % hộ dân trong xã đều có xe máy, tivi, có hộ đã mua sắm máy cày, xe cơ giới, đa số trẻ em ở làng trong độ tuổi đi học được đến trường, y tế được đảm bảo...
Vốn chính sách đẩy lùi tín dụng đen
Ông Nguyễn Trường, Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ, cho biết những năm qua, huyện xác định phát triển chăn nuôi, trong đó bò là vật nuôi chủ lực, là cơ hội tốt để người dân thoát nghèo, nâng cao thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sự hỗ trợ kịp thời tạo chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp, nông thôn huyện. |
Trong thời gian tới, từ các nguồn vốn sự nghiệp, sự tham gia của các HTX, Tổ hợp tác, doanh nghiệp, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ cho bà con tập trung nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Bên cạnh phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, huyện Đak Pơ cũng đang chủ động hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn chính sách để đầu tư sản xuất, thoát nghèo, làm giàu. Xã đã hướng dẫn người dân tiếp cận vốn ngân hàng chính sách, hiện toàn xã có hơn 350 lượt vay, với dư nợ hơn 4,8 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo UBND xã Yang Bắc, việc mạnh dạn vay trung bình 30 - 50 triệu đồng/người, bà con trong xã đầu tư chủ yếu vào mua bò giống. Nhờ nguồn vốn ngân hàng chính sách nhiều ưu đãi, lãi suất thấp bà con có cơ hội phát triển kinh tế, đời sống ổn định hơn.
Đặc biệt, nguồn vốn hỗ trợ từ địa phương, ngân hàng chính sách, đang giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen.
Chị Đinh Thị Ren, dân tộc Bahnar, làng Chro Ktu Đak Yang, xã Yang Bắc, cho biết trước đây vì lấy giống, phân bón từ một số đối tượng đầu tư mà gia đình chị sau khi thu hoạch đã không còn dư dả nhiều.
Khi được địa phương tạo điều kiện, chị Ren đăng ký vay 50 triệu đồng, trong đó 30 triệu đồng chị dùng để phát triển diện tích mía và mua bò sinh sản, 20 triệu đồng còn lại chị đầu tư xây dựng công trình nhà vệ sinh nước sạch.
Năm 2021 đến hạn trả ngân hàng, chị đã chuẩn bị đủ nguồn tiền để đáo hạn. Gia đình chị nay đã thoát nghèo, nhà cửa khang trang, và có cả một khoản tiền tiết kiệm.
Có thể thấy, với quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, diện mạo nông nghiệp, nông thôn huyện Đak Pơ đã có những chuyển biến toàn diện. Đời sống của người dân liên tục được cải thiện, tình hình an ninh chính trị được giữ vững.
Thời gian tới, huyện dự kiến tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người khó khăn, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Bài 2: Điểm tựa từ mô hình kinh tế HTX
Hưng Nguyên